Một trong những tác hại vẫn ngày ngày sát thương và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, an ninh, trật tự, môi trường và tính mạng, tài sản, đời sống của người dân Việt Nam chính là ô nhiễm bom mìn, vật nổ.
Dư âm nặng nề của chiến tranh
Theo thống kê, bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam có tại tất cả các tỉnh, thành phố với hàng trăm chủng loại khác nhau.
Tổng diện tích bị ô nhiễm bom mìn lên tới 6.6 triệu ha, chiếm khoảng 20,12% diện tích cả nước. Ước tính, để dọn sạch bom mìn, vật liệu nổ trên toàn quốc sẽ phải mất hàng trăm năm với kinh phí lên tới khoảng 10 tỷ USD.
Mỗi năm Chính phủ Việt Nam phải chi hàng nghìn tỷ đồng cho rà phá bom mìn, cấp cứu, hỗ trợ nạn nhân.
Từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh đã làm hơn 40.000 người bị chết và 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động và trẻ em ở nông thôn.
Chỉ tính riêng ở 6 tỉnh miền trung gômg Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi đã có trên 22.800 nạn nhân của bom mìn. Trong đó, đã có 10.540 người chết và 12.260 người bị thương.
Đẩy mạnh tuyên truyền trong khắc phục hậu quả
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Ông Bùi Hồng Lĩnh nhận định: “Hậu quả của bom mìn sót lại sau chiến tranh là rất năng nề, rất tàn khốc, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đến an toàn sinh mạng, đến phát triển kinh tế -xã hội và xóa đói giảm nghèo.
Thực tế, những nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Việt Nam là rất lớn, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt “Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025” (gọi tắt là Chương trình 504).
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh cũng nhận định rằng, công tác khắc phục hậu quả bom mìn hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân chính, không chỉ vì chưa đủ nguồn lực, mà còn vì khối lượng bom mìn sót lại quá lớn, không đủ cơ sở điều tra.
Mặt khác, bom mìn vẫn gây ra những vụ việc thương tâm, sát thương gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế xã hội, an ninh, trật tự, môi trường và tính mạng, tài sản, đời sống của người dân Việt Nam còn là do người dân chưa được cập nhật đầy đủ thông tin.
Việc tuyên truyền, huấn luyện phòng tránh đối với người dân chưa được cụ thể và hiệu quả. Nạn nhân của hậu quả bom mìn còn nhiều, chưa được giúp đỡ để mưu sinh và hòa nhập cộng đồng
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Kinh nghiệm từ các nước cho thấy cần phải lồng ghép các chương trình rà phá bom mìn vào quy hoạch phát triển. Cụ thể, cần lồng ghép nội dung về nguy cơ bom mìn vào các giáo trình giảng dạy và các sáng kiến giáo dục cộng đồng để ngăn ngừa thương vong, kết hợp hỗ trợ cho nạn nhân của bom mìn trong các chương trình phục hồi chức năng và trợ cấp xã hội...”
Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ đa phương của UNDP và UNICEF trong việc khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Nhật Bản đã hỗ trợ 11,2 triệu USD để phục hậu quả bom mìn tại Quảng Trị, Mỹ đã hỗ trợ 12 triệu USD để rà soát, điều tra bom mìn tại 6 tỉnh miền trung.
Sắp tới, Việt Nam sẽ huy động thêm được sự tài trợ về tài chính và kỹ thuật của các Đại sứ quán Anh, Mỹ, Na Uy, Ireland, Nhật Bản… để thực hiện tốt hơn nữa công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.