Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Những quảng cáo Việt bị ”ném đá” năm 2012

(08:43:24 AM 14/12/2012)
(Tin Môi Trường) - Nội dung nhạy cảm, kỳ thị đối tượng khách hàng là nguyên nhân khiến nhiều quảng cáo trong năm 2012 bị người xem phản ứng mạnh.

Cùng điểm lại những quảng cáo bị "ném đá" trong năm 2012 của Việt Nam

 

 

1. Cà phê "chê người lùn"

 

 

Với chương trình khuyến mãi uống 1 tặng 1 dành cho phụ nữ từ 1m65 trở lên, Gloria Jeans' Coffees (GJC) vấp phải phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng ngay khi vừa tung ra chương trình lên mạng xã hội. Đa phần các ý kiến đều cho rằng đây là một hình thức quảng bá phản cảm, gây ra cảm giác thiếu tôn trọng với những phụ nữ có chiều cao dưới 1m65.

 

Trước phản ứng của cư dân mạng, trang GJC đã thông báo tạm dừng chương trình này kèm theo lời xin lỗi. “Cảm ơn tất cả các ý kiến đóng góp chân thành của các bạn, ý tưởng ban đầu của GJC có thể đã không được hiểu đúng, tuy nhiên vì nhận được khá nhiều phản ứng tiêu cực từ các bạn nên tạm thời GJC ngưng chương trình này. Thành thật xin lỗi các bạn!”, thông báo viết.

 

2. Quảng cáo "cấm phụ nữ đoan trang" trên vỏ diêm Thống Nhất

 

 

Mặt sau vỏ bao của một hãng diêm có truyền thống hơn nửa thế kỷ tại Việt Nam xuất hiện dòng chữ “CẤM phụ nữ đoan trang”, bên cạnh là hình ảnh một cô gái tóc vàng cười tươi trong tư thế khêu gợi, quảng cáo cho tổng đài 19008662. Giải thích về dòng chữ  nhạy cảm được in trên mặt sau hàng loạt bao diêm Thống Nhất, đơn vị sản xuất nói: “Nội dung đó đâu có gì, chỉ là cách nói thu hút của đơn vị muốn quảng cáo”.

 

Ngay sau đó, trong thông cáo báo chí ngày 27/11, Công ty Diêm Thống Nhất đã nhận lỗi và cho tạm dừng việc in quảng cáo này. Đại diện công ty này cũng cho biết, tuy số lượng diêm Thống Nhất có in quảng cáo của đầu số 19008662 là khoảng 1 triệu bao nhưng số tiền mà công ty thu chỉ là vài triệu đồng.

 

Trước đó, vào tháng 9, một tấm banner quảng cáo cho chương trình ca nhạc tạp kỹ "Vũ điệu đường cong" cũng bị phản đối do in dòng chữ nhạy cảm này.

 

3. Quảng cáo thực phẩm chức năng tăng cường sinh lý

 

 

Sau quảng cáo "Một người khỏe, hai người vui" bị phản ứng trên truyền hình, nhiều nhà cung cấp vẫn tiếp tục đưa ra những quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc tăng cường sinh lý phản cảm khác. Mới đây, quảng cáo thực phẩm chức năng Kim Thận Bảo của Công ty TNHH Thương mại dược phẩm Nam Ávới slogan "Trạm xăng của đàn ông" hay "Hạnh phúc vô biên của phái mạnh" bằng tờ rơi tiếp tục bị phát hiện.

 

Ngay sau đó, Công ty Nam Á đã bị Sở Thông tin - Truyền thông TP.Cần Thơ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 9,5 triệu đồng và yêu cầu phải ngừng ngay việc quảng cáo đối với thực phẩm chức năng Kim Thận Bảo.

 

Tuy nhiên, những quảng cáo phản cảm tương tự như Trùng tảo hoạt lực, Canh công phu... với nội dung mua 1 tặng 1, dùng thử miễn phí, không hài lòng hoàn lại tiền... vẫn xuất hiện trên nhiều tờ rơi và chuyên mục quảng cáo.

 

4. Quảng cáo Mì Gấu đỏ

 

 

Từng rớt nước mắt khi xem cảnh bé ung thư tên Tuấn chào tạm biệt bác sĩ để xuất viện trong quảng cáo mỳ Gấu đỏ, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi biết nhân vật trong clip chỉ là diễn viên đóng thế. Ngay lập tức, hàng loạt lời phàn nàn về clip "mua nước mắt" của đơn vị thực hiện - Công ty Thực phẩm Á Châu phủ đầy các trang mạng xã hội. Nhiều ý kiến phản đối thậm chí còn cho rằng nhà sản xuất mỳ gói đã lợi dụng lòng trắc ẩn để kích cầu tiêu thụ bởi nhiều khách hàng mua sản phẩm không phải vì có như cầu thực tế mà vì cảm động với câu chuyện trong quảng cáo.

 

 

Phía đơn vị sản xuất là Công ty Thực phẩm Á Châu cho rằng khách hàng có quyền phản biện và công ty tôn trọng điều đó, nhưng sẽ không dừng lại chương trình vì tính nhân văn của thông điệp "Gấu đỏ gắn kết yêu thương" (ăn mỳ để đóng góp cho trẻ có cái Tết no ấm). Tuy nhiên, quảng cáo Mì Gấu đỏ với hình ảnh bé Tuấn sau đó đã không tiếp tục phát sóng trên truyền hình nữa.

 

5. Quảng cáo Mikochi trên phiếu bé ngoan

 

 

Tận dụng phiếu bé ngoan của học sinh mẫu giáo, mới đây, mẫu quảng cáo của Mikochi (sản phẩm của công ty Acecook Việt Nam) đã bị nhiều phụ huynh phàn nàn. Theo ý kiến của các phụ huynh, việc nhà trường cho phép doanh nghiệp in tên và logo trên phiếu bé ngoan sẽ biến món quà dành cho các bé trở thành một tờ rơi quảng cáo mất thẩm mỹ, khiến các bé hiểu nhầm rằng ăn mỳ sẽ được phiếu bé ngoan.

 

6. Quảng cáo nước tăng lực Samurai, bánh Chewy Junior

 

 

 

 

Dù chỉ xuất hiện trên các mạng xã hội và youtube nhưng quảng cáo nước tăng lực Samurai và bánh Chewy Junior do một số người mẫu Việt Nam góp mặt đã vấp phải sự phản đối của cư dân mạng vì quá phản cảm. Trong quảng cáo Samurai, "Nữ hoàng nội y" Ngọc Trinh, siêu mẫu Hoàng Yến và ca sĩ Yến Trang đều mặc trang phục khoe cơ thể, có những động tác tạo dáng có phần gợi dục, đi kèm với đó là việc liên tục đổ nước lên người.

 

 

Trong khi đó, quảng cáo bánh ngọt Chewy Junior mà Trà Ngọc Hằng đăng tải trên trang mạng xã hội của mình có sự tham gia của 2 ca sĩ khác là Chan Than San và Don Nguyễn. Clip mở màn bằng cảnh Chan Than San và Trà Ngọc Hằng bên bể bơi, nhưng ngay sau đó, nam ca sĩ đã chạy sang liếm môi Don Nguyễn đang ăn bánh ngọt gần đó.

 

"Quảng cáo nước hay quảng cáo người?", "làm xấu hình ảnh người đồng tính", "thô tục, sexy ..." là những đánh giá mà người xem dành cho 2 quảng cáo gây tranh cãi này.

 

7. Quảng cáo VIM - diệt mọi vi khuẩn

 

 

Clip quảng cáo "VIM - diệt mọi vi khuẩn" đã vấp phải sự phản đối của người xem với hình ảnh người phụ nữ đập tay vào cô bé đứng cạnh sau khi quẹt vào bồn cầu để chứng minh vi khuẩn đã sạch hoàn toàn. Hình ảnh này đã đi ngước lại thông điệp mà nhà sản xuất đưa ra trong suốt quảng cáo là nêu lên tác hại của vi khuẩn cũng như việc cần thiết phải khử sạch bồn cầu. Nhiều bậc phụ huynh thậm chí còn lo ngại con em họ sẽ bắt chước quảng cáo này.

 

 

Thay vì phản hồi lại, Unilever đã âm thầm cắt bỏ đoạn quảng cáo gây tranh cãi này trong những lần phát sóng sau đó.

 

Theo Infonet