Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nam Phi và Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ ngăn chặn nạn săn trộm tê giác - Ảnh minh họa
Biên bản ghi nhớ (MoU) đã được ký kết giữa Bà Bộ trưởng Edna Molewa, Bộ Tài nguyên Nước & Môi trường Nam Phi, và Ông Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn Việt Nam, trong chuyến thăm của bà bộ trưởng tới Việt Nam. Các lĩnh vực hợp tác quan trọng đã được ghi rõ trong Biên bản ghi nhớ bao gồm: quản lý, bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học, thực thi pháp luật, tuân thủ Công ước CITES và các qui định pháp lý cũng như các công ước quốc tế có liên quan khác. Trên cơ sở bình đẳng và hai bên cùng có lợi, Biên bản ghi nhớ sẽ có hiệu lực ngay sau khi ký, đặc biệt trong bối cảnh nạn buôn bán các loài hoang dã vẫn đang là một thách thức toàn cầu.
Phát biểu tại lễ ký kết, Bà Bộ trưởng Edna Molewa nói: “Các cơ quan chức năng của Nam Phi rất mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các đối tác phía Việt Nam để sớm ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép sừng tê giác từ Nam Phi về Việt Nam.”
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia, ông nói: “Đấu tranh với các tội phạm vi phạm chế độ quản lý động vật, thực vật hoang dã, đặc biệt là những loài nguy cấp, quý, hiếm trong đó có tê giác và các sản phẩm của chúng luôn được các cơ quan chức năng của Việt Nam quan tâm.”
Ông cho biết thêm: “Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn hiện đang phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định cấm nhập khẩu tất cả các mẫu vật tê giác vào Việt Nam trong năm 2012."
Mặc dù biên bản ghi nhớ giữa Nam Phi và Việt Nam chỉ đề cập chung chung việc giải quyết vấn nạn buôn bán các loài hoang dã bất hợp pháp, nhưng đã có những bằng chứng rõ ràng rằng buôn bán bất hợp pháp sừng tê giác sẽ là vấn đề ưu tiên nhất trong chương trình nghị sự mới về hợp tác giữa hai quốc gia.
"WWF và TRAFFIC hoan nghênh thỏa thuận mới. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt trong nỗ lực bảo vệ tê giác châu Phi. Chúng tôi chờ đợi cả hai nước sẽ sớm hành động nhằm chấm dứt vấn nạn săn trộm tê giác này," Ông Stuart Chapman, Giám đốc Bảo tồn, WWF Greater Mekong, phát biểu. "Nam Phi và Việt Nam đã công khai tuyên bố quan điểm không khoan nhượng với các băng nhóm tội phạm đứng đằng sau nạn săn trộm hàng loạt tê giác," Ông khẳng định.
Thực trạng là hàng trăm cá thể tê giác hiện bị săn trộm mỗi năm ở Nam Phi, sừng của chúng bị cắt và buôn lậu để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng tại Việt Nam, nơi sừng tê giác được xem như là một 'phương thuốc thần kỳ' mặc dù không có bằng chứng y học.
Các tập đoàn tội phạm châu Á được cho là đứng sau những vụ này và những kẻ vận chuyển được thuê để buôn lậu sừng tê giác từ Châu Phi sang Châu Á, đưa đến tay những người giàu. Báo cáo của TRAFFIC vào tháng 8 năm 2012 chỉ ra rằng Việt Nam là điểm đến của sừng tê giác bất hợp pháp.
Số lượng tê giác bị săn trộm tại Nam Phi đã tăng từ 13 cá thể trong năm 2007, lên đến hơn 600 cá thể trong năm 2012. Ngoài ra, chỉ riêng trong năm 2012 đã có 246 người bị bắt giữ do có liên quan tới săn trộm tê giác và buôn bán bất hợp pháp sừng tê giác ở Nam Phi.
Vào năm 2010, TRAFFIC đã thuyết phục một cuộc gặp gỡ giữa các quan chức thực thi pháp luật của Nam Phi với các đối tác ở Việt Nam để tạo lập mối liên kết giữa hai quốc gia, nhằm giải quyết vấn nạn sừng tê giác. Chuyến thăm và làm việc này và chuyến thăm tiếp theo của các quan chức Việt Nam đến Nam Phi đã đặt nền móng cho thỏa thuận liên chính phủ hôm nay.
"Săn trộm tê giác là một vấn đề bảo tồn nóng bỏng. Qua các cam kết của chính phủ hai quốc gia tại lễ ký kết ngày hôm nay, chúng tôi đã nhìn thấy một sự hứa hẹn cho khởi đầu hợp tác tốt đẹp. Cam kết này cần phải biến thành hành động khẩn cấp để xoay chuyển tình thế của cuộc khủng hoảng," Tiến sỹ Naomi Doak, Điều phối viên, Tổ chức TRAFFIC Đông Nam Á, Chương trình Tiểu vùng Mekong Mở rộng, phát biểu.
“Số phận của các quần thể tê giác đang ngàn cân treo sợi tóc và hôm nay một cơ hội sống mới cho chúng đã mở ra,” Tiến sĩ Doak kết lời.