Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đà Lạt: Nhà sư được cấp bằng sáng chế độc quyền

(11:11:13 AM 10/12/2012)
(Tin Môi Trường) - Sáng ngày 9.12, thượng tọa Thích Huệ Đăng (ở chùa Thanh Quang, Đà Lạt) - ủy viên Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và ủy viên Hội Nghiên cứu Phật học Việt Nam - được Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ KHCN trao bằng “độc quyền sáng chế” với công trình: “Quy trình trồng cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô”.

Thầy Huệ Đăng trong buổi lễ đón nhận bằng độc quyền sáng chế (9.12) tại TP.Đà Lạt.

 

Mọi thứ trong khu sản xuất sâm Ngọc Linh của Cty TNHH xuất khẩu hoa lan đều tự động hóa.

 


Mọi thứ trong khu sản xuất sâm Ngọc Linh của Cty TNHH xuất khẩu hoa lan đều tự động hóa.

 

Vậy là từ đây, ngoài “chức vụ” Giám đốc Cty TNHH xuất khẩu hoa lan Thanh Quang (hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt, Lâm Đồng), và bên cạnh cách gọi thân tình của nhà vườn Đà Lạt “nhà sư – nông dân”, thầy Huệ Đăng còn được biết đến như một nhà khoa học. 

Chu toàn Phật sự

8.12 - một ngày trước khi diễn ra lễ trao nhận, câu chuyện của tôi và thầy Huệ Đăng diễn ra trong không khí khá “căng thẳng” bởi phòng khách của chùa - cũng là “đại bản doanh” của Cty Thanh Quang và khu nghiên cứu, thực nghiệm, sản xuất hoa lan và gần đây là cây sâm Ngọc Linh - phật tử bốn phương đang tề tựu về đây giúp thầy Huệ Đăng làm những công việc cần thiết cho buổi lễ ngày mai. Thầy Huệ Đăng đưa tôi “lý lịch khoa học”. 

Tôi liếc qua phần “học vị” với các thông tin: “Được công nhận là giảng sư Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; tốt nghiệp khóa cao cấp giảng sư Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam niên khóa 2001 – 2004...” và “hoa mắt” với phần “nghiên cứu và trước tác” của thầy: “Kinh sách chuyên khoa, sách giáo trình, biên soạn luận giảng các giáo án Mật Tông, Thiền Tông và Tịnh Độ Tông...”. Đặc biệt từ các năm 2003 đến 2012, năm nào thầy cũng xuất bản ít thì một, nhiều thì hai cuốn và tất cả đều là sách nhà Phật như: Luận giảng Kinh Lăng Già (2003), Đại cương Đại Trí Độ Luận (2012), Trước tác Tổng luận Mật Tông (2012)...

Sách nào của thầy Huệ Đăng cũng dày đến năm - bảy trăm trang khổ lớn. Thầy còn có cả những công trình và báo cáo khoa học hoặc tham luận đã công bố hoặc trình bày tại các hội thảo, hội nghị lớn như “Xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam phục vụ sự nghiệp chấn hưng đất nước trong thế kỷ XXI” (đề tài cấp nhà nước); tham luận tại hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 3 (tại Hà Nội), tham luận tại giải thưởng quốc tế Trần Nhân Tông (Hà Nội)...

Mặt khác, khối lượng công việc mà từ nhà Phật gọi là Phật sự do thầy Huệ Đăng đảm đương cũng vô cùng đáng nể: Đảm đương công việc hoằng pháp và giảng dạy tại Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo VN, từng giảng dạy hoặc đang giảng dạy tại các trường Trung cấp Phật học Đồng Nai, Trung cấp Phật học Phan Rang, Cao cấp Hoằng pháp Trung ương, Cao đẳng Phật học Lâm Đồng... và thầy còn sang cả Pháp để giảng “Kinh Lăng Già và Kinh Lăng Ma Cật”.

Hành trình di thực sâm Ngọc Linh

Tôi hỏi: “Thưa thầy, nhìn vào khối lượng công việc như trong “lý lịch khoa học” đã ghi, thầy làm sao còn thời gian cho cây sâm Ngọc Linh?”. Thầy Huệ Đăng cười và trả lời bằng một... câu hỏi: “Vậy anh nghĩ thầy đã làm như thế nào với vườn hoa lan cả hàng trăm ngàn chậu bảng A này?”. Và, câu chuyện giữa thầy và tôi đã phần nào giúp hình dung rõ hơn về những việc làm của vị tu hành “gắn đạo liền chặt với đời” này.

 “Ấy là năm 2008, khi biết được trên đỉnh núi Ngọc Linh vẫn đang tồn tại những cá thể sâm Ngọc Linh, tôi cùng một vài cộng sự và đệ tử đã lên đường đến tận nơi với hy vọng di thực giống cây này về trồng ở Đà Lạt. Hành trình đi tìm cây giống ngày ấy thật gian nan, nhưng mừng là đã thành công...”. Thầy bảo: Nói rằng “đi Ngọc Linh” cứ tưởng dễ nhưng sự thực thì không phải thế. Bởi lẽ, đó là cả một liên sơn; hơn nữa, cây sâm Ngọc Linh chỉ phân bố hẹp ở một vùng có độ cao đến trên 2.500m. “Trong chuyến đi ấy, vì tuổi đã cao và sức yếu, tôi không dưới một lần bị ngất xỉu. May mà có các cộng sự và các đệ tử bên cạnh...”.

Mặc dầu phải nếm trải không ít gian nan trên hành trình lên đỉnh Ngọc Linh nhưng khi nhìn thấy những cây giống của loại “thần dược” này, nhà sư gần như quỳ xuống để phát tâm nguyện: Đưa bằng được cây sâm Ngọc Linh vào phòng thí nghiệm và nhân giống nhằm tạo ra nguồn dược liệu dồi dào cho mọi người. Chuyến đi khá trắc trở nhưng đã thành công như ước nguyện của vị sư già với kết quả là 10 cây giống được di thực về miền đất mới Đà Lạt, Lâm Đồng. Nhưng từng ấy vẫn chưa đủ, tiếp đến, năm sau đó (2009), thầy Huệ Đăng lại tiếp tục khăn gói lên đường đến với Ngọc Linh liên sơn thuộc vùng Quảng Nam tìm thêm 100 cây giống đem về Đà Lạt.

Bắt đầu từ đây, công cuộc nghiên cứu cây sâm Ngọc Linh của thầy Huệ Đăng và các cộng sự đã được triển khai với quyết tâm cao. Thầy sang tận Hàn Quốc để tìm hiểu, nghiên cứu về kỹ thuật nhân giống giống cây này bằng nhiều phương pháp. “Và cuối cùng, tôi đã chọn phương pháp nhân giống vô tính cho cây Ngọc Linh”. Sau một thời gian huy động trí lực của khá nhiều người cùng với việc bỏ ra hàng tỉ đồng để lập phòng thí nghiệm và nuôi cấy mô, Cty TNHH xuất khẩu hoa lan Thanh Quang đã thành công trong việc nhân giống hàng loạt và trồng thử nghiệm thành công (tỉ lệ cây sống đạt khá cao – khoảng 60%) cây sâm Ngọc Linh tại Đà Lạt.

Thành công và... thành công

Thầy Huệ Đăng phát biểu như “tuyên ngôn” rằng: “Hành đạo mà chẳng giúp gì được cho đời thì vô nghĩa. Hành đạo không thể xa rời thực tế. Bởi vì đạo Phật là của con người, từ chân tâm của con người phát ra. Bởi vậy, muốn hiện thực được đạo thì phải từ nơi con người tự chứng...”. Với phương châm này, ngay từ những ngày đầu lên Đà Lạt sinh sống sau khi thọ giới Sa-di ở núi Cấm – Châu Đốc – An Giang, thầy Huệ Đăng đã lấy cây hoa lan để “sinh sống”. Thầy kể từng chở cả xe tải chậu hoa lan mang xuống TPHCM để triển lãm và bán. 

Có tiền, lại tiếp tục đầu tư trồng hoa lan và in sách. Con số 100.000 chậu hoa lan hầu hết thuộc bảng A của thầy tại vườn lan Thanh Quang ở hồ Tuyền Lâm hiện là con số khiến không ít người thuộc giới kinh doanh lan ở Đà Lạt... giật mình và thán phục. Hơn thế, cách nay gần chục năm, một nghiên cứu tuy không lớn, nhưng có một ý nghĩa hết sức quan trọng của thầy mà tôi biết được: Thay thế giá thể trồng hoa lan từ cây dớn (lấy trong rừng) bằng vỏ càphê – một thứ phế phẩm gây ô nhiễm môi trường. Thầy lý giải: “Tình đời nóng lạnh để trừng tâm. Gió sương bên đường để hiểu tâm. Điều quan trọng là làm ra đồng tiền có đúng tâm và sử dụng đồng tiền đó có mất tâm hay không”.

Trở lại với việc nhân giống vô tính thành công cây sâm Ngọc Linh ở VN, đặc biệt là việc di thực giống cây này từ Ngọc Linh về Đà Lạt. Đến cuối năm 2010, Cty TNHH xuất khẩu hoa lan Thanh Quang đã sản xuất hơn 50.000 cây giống sâm Ngọc Linh, trong số đó có một phần được “chở ngược” về Kon Tum – quê hương của sâm Ngọc Linh – để cung cấp cho một Cty chuyên trồng sâm Ngọc Linh. 

Một lượng cây giống cũng được đưa ra Quảng Nam - cũng là quê hương của sâm Ngọc Linh - để cung cấp cho nhiều hộ dân. Tại Quảng Nam tuy vẫn có đơn vị cung cấp cây giống, nhưng do ươm bằng hạt nên tỉ lệ cây sống rất thấp. “Đến tháng 12.2012 này, vườn sâm Ngọc Linh của Thanh Quang chúng tôi đã có cả hàng triệu cây giống” - thầy Huệ Đăng cho biết.

 “Tôi muốn ngày càng có nhiều người “sở hữu” những dược phẩm được bào chế từ sâm Ngọc Linh. Và điều đó chỉ có được khi cây sâm Ngọc Linh trở nên phổ biến chứ không phải là thứ “thần dược” như trong lúc này” – thầy Huệ Đăng đã nói như vậy bên lề buổi lễ đón nhận bằng độc quyền sáng chế sáng 9.12 tại Đà Lạt.

 Nhà khoa học đầu tiên của giáo hội được cấp bằng sáng chế

Hòa thượng Thích Pháp Chiếu - ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo VN, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Lâm Đồng – xúc động: “Lịch sử Giáo hội Phật giáo Việt Nam kể từ hôm nay sẽ ghi vào trang vàng của mình lần đầu tiên có một vị tu sĩ trở thành nhà khoa học. Đây cũng là nhà khoa học duy nhất của giáo hội cho đến lúc này được cấp
bằng sáng chế độc quyền cho một công trình nghiên cứu khoa học”.

(Nguồn: Lao Động)