Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bí mật về bài thuốc chữa bệnh mở khóa đầu

(16:08:53 PM 07/12/2012)
(Tin Môi Trường) - Ông Tô Thanh Dũng, nguyên Trạm trưởng Trạm y tế xã Hộ Đáp (Lục Ngạn, Bắc Giang) nhiều lần nhắc với tôi rằng thế hệ trước rất hiếm người mắc bệnh mở khóa đầu.

Lấy ngay ví dụ của gia đình ông Dũng có nhiều người con nhưng chỉ một đứa là Tô Thanh Hùng, giờ đang là Trạm trưởng Trạm y tế xã Hộ Đáp, bị mở khóa đầu theo chiều dọc. Thế nhưng đến thế hệ cháu ông Dũng có tới 6 đứa mắc gồm 4 cháu nội Tô Thanh Hoạt, Tô Thị Thu, Tô Thanh Khoát, Tô Khánh Vy và 2 cháu ngoại Tô Thành Văn, Tô Thành, trong đó có Tô Thanh Hoạt bị mở khóa theo dạng chữ thập, thôi bú 1 ngày 1 đêm là nặng nhất. Lo lắng cho con, cho cháu đang trong vòng hiểm nguy cả nhà ông bỏ hết việc, nhốn nháo tìm cách chữa trị. 

 

“Dao sắc không gọt được chuôi”. Gia đình ông Dũng có 3 người theo nghiệp tây y gồm con trai, con gái và ông bó tay đã đành ngay cả bà Nông Thị Mua, vợ ông, người biết bài thuốc chữa mở khóa đầu nhưng khi tự lấy thuốc cho cháu mình lại không có hiệu nghiệm. Ông Dũng đành phải cầu viện tới bà Tô Thị Vòng ở xóm Héo B lấy thuốc đắp mấy đứa cháu mới thoát khỏi bệnh hiểm.

 

Bà Mua đi tìm thuốc ở ngay bờ ruộng

 

Gặp bà Mua vừa đi thăm bà con từ xóm bên về, tôi xúm lại hỏi chuyện tại sao bà nắm giữ bí mật của bài thuốc mà không chữa cho mấy đứa cháu nội? Liệu có phải bài thuốc mở khóa đầu không linh đối với người thân? Bà Mua cười gạt đi rồi bảo: “Không phải đâu vớ! Thuốc chữa mở khóa không linh với người nhà chỉ là lời đồn thổi. Mấy đứa cháu nội bị mở khóa đầu hồi ấy tôi mới được truyền lại bài thuốc nên không tự tin chữa trị mà phải nhờ đến bà Vòng ở xóm Héo B. Tôi quan sát thấy bà Vòng vẫn dùng những loại lá như tôi để chữa thôi mà, đắp khoảng một tiếng sau là trẻ bú ngay”. Người truyền bài thuốc chữa bệnh mở khóa đầu cho bà Mua là bà Thể - một người dân tộc Kinh ở xóm Họa thuộc xã Cấm Sơn cùng huyện Lục Ngạn. Khoảng 20 năm về trước, cảm cái tình chân thật của bà Mua, bà Thể đã truyền lại bài thuốc này cho bà cứu nhân, độ thế.

 

Lúc tôi đến nhà, người con trai ông Hà trong xóm vừa đưa sang một gói bánh quy tạ ơn bà Mua đã cứu mạng cho thằng con mắc bệnh mở khóa đầu. Hỏi về bài thuốc, bà cười lành hiền phô hàm răng trắng lấp lóa như nắng ấm rồi bảo: “Cậu là nhà báo, nếu đăng bài thuốc này lên có lẽ nhiều người sẽ biết mà ứng dụng. Tôi không giấu nghề vì nếu tham lễ một con gà, một trăm ngàn bạc mà bo bo giữ thuốc, nhà nào ở xa có con cháu bị không biết mà đắp kịp thời sẽ chết thì có ân hận cả đời”.

 

Tôi xăm xắn cùng bà Mua lội xuống cánh đồng ven hồ Cấm Sơn. Mùa đông, những thửa ruộng trơ gốc rạ, trụi cỏ non. Dọc đường đi, vừa quan sát dưới bờ ruộng, bà Mua vừa nói trong tiếc rẻ rằng dạo này hiếm có lẽ trâu bò đã ăn hết cây thuốc rồi. Xuống những khu ruộng thấp hơn, cuối cùng, xăm xoi mãi bà Mua cũng reo lên: “Đây rồi”. Tôi nhìn theo hướng tay bà chỉ, lẫn trong những đám cỏ lá vô thường có một loại cây lá be bé, hoa xiu xíu trắng. Bà Mua bảo: “Đây là cỏ nhọ nồi, vị thuốc chủ lực dùng để chữa bệnh mở khóa đầu, mỗi lần dùng chỉ cần một nhúm nhỏ. Bài thuốc còn 3 vị khác nữa nhưng nếu thiếu cỏ nhọ nồi là hỏng. Thôi ta về!”. Tôi còn đang ngơ ngác không hiểu tại sao bà không tìm kiếm nốt 3 vị thuốc còn lại thì bà giải thích: “Không cần tìm, ba vị thuốc kia có ở ngay trong vườn nhà tôi, sẵn lắm!”.

Cỏ nhọ nồi - vị chính trong bài thuốc

 

Đành theo chân bà về mà lòng vẫn không hết hồ nghi. Qua đám bờ rào, bà thò tay nhón một nắm lá khế. Qua mảnh vườn trước hiên nhà, bà tuốt chừng chục cọng rau ngót. Vào chái bếp ám khói bà lấy ra dăm nhánh hành khô. Đấy chính là ba nguyên liệu còn lại trong bài thuốc bí mật của bà Mua, trong đó lá khế chiếm nhiều nhất, một nắm khá chặt tay, lá ngót khoảng ½ nắm, lá nhọ nồi một nhúm cộng với ba bốn nhánh hành khô. Tất cả các thứ được bà Mua rửa thật sạch, cho vào cối giã. Vừa thong thả giã, bà vừa giảng giải: “Mùa mưa lá nhọ nồi sẵn thì dùng lá là tốt nhất còn mùa khô, lá trụi hết có thể đào lấy rễ để dùng cũng có công dụng như nhau”.

 

Sau một hồi trong cái cối giã cua, đám lá, củ đã nhuyễn ra thành một thứ dịch xanh xanh, sền sệt được bà vét vào bát chế thêm một ít nước sôi. Thứ thuốc ấy được bọc trong cái giẻ, bịt theo đường nứt ở trên đầu, bao giờ khô sẽ được thay bằng thuốc mới. Cũng theo lời bà Mua nếu chữa cho trẻ sơ sinh, người mẹ đang cho con bú phải kiêng ăn thịt gà, tôm.

 

Bốn vị thuốc chữa mở khóa đầu

 

Chị Giáp Thị Quang, Trạm trưởng Trạm y tế xã Phong Vân (huyện Lục Ngạn) lại nhận xét về bệnh mở khóa đầu như sau: “Tôi chỉ thấy dân nói thôi chứ chưa gặp trường hợp mở khóa đầu bao giờ. Trong dân cứ trẻ nào sinh ra không chịu bú liền bảo mắc mở khóa đầu. Có vài trường hợp con của giáo viên dưới xuôi lên trên này công tác cũng bảo mắc mở khóa đầu, đem đến trạm khám nhưng tôi không thấy gì bất thường liền cho về. Họ nghe lời tôi, về cũng chẳng mời người đắp thuốc hay đốt ngải gì cả mà đứa bé vẫn không sao nên tôi nghĩ nhiều đứa trẻ mới sinh mải ngủ, quên bú, mẹ phải đánh thức dậy mà cho bú”. Liệu những đứa trẻ đó chưa chắc đã phải bị mở khóa đầu mà do người thân phán đoán nhầm nên mới khỏi thì sao? Tôi hỏi tiếp. Chị Quang đáp ngay rằng: “Bệnh mở khóa đầu theo tôi là không có”.

 

“Có nhiều loại mở khóa đầu. Mở khóa khóc thì cứ khóc suốt. Mở khóa ngủ thì ngủ cả ngày. Mở khóa nôn thì toàn nôn ra nước, dớt dãi. Có một điểm chung của các loại mở khóa đầu đối với trẻ sơ sinh là vạch vú đều không bú… Mở khóa nôn là nguy hiểm nhất. Trước con anh Giáp Văn Tí ở Héo A bị mở khóa kiểu này, không thuốc thang kịp thời nên đã chết. Ngay chính thằng cháu nội tôi là Tô Thanh Hoạt cũng bị mở khóa nôn… Ngoài công dụng để chữa mở khóa đầu hễ mà sốt cứ lấy nhọ nồi và rau ngót giã nát đắp lên trán là khỏi”.



Cũng tương tự như ở Hộ Đáp, chị Nông Thị Bình, y sĩ Trạm y tế xã Sơn Hải (huyện Lục Ngạn), nói với tôi: “Trung bình mỗi tháng ở trạm nhiều có 5 - 6 ca sinh, ít có 2 - 3 ca sinh, tỉ lệ mắc bệnh mở khóa đầu khoảng 30 - 40%. Tuy nhiên, chúng tôi không thấy biểu hiện bệnh ở trạm mà chỉ nghe gia đình phản ánh vì có trẻ sau 1 tuần mới bị, có trẻ trên 10 ngày và thông thường nhất là dưới 1 tháng. Từ năm 1995 bệnh lác đác có, giờ mới nhiều với biểu hiện chung là trẻ khóc, không bú, sờ khớp đầu có rãnh mềm.

 

Bệnh mở khóa đầu không có trong y văn hiện đại nên không có cách điều trị mà chỉ có hai cách chữa dân gian: Chữa kiểu đốt ngải cứu rồi hơ lên huyệt trên đầu của người Nùng, người Sán Dìu. Chữa kiểu đắp thuốc của người Kinh. Chính tôi chứng kiến cách chữa thứ hai cho con anh Lý Văn Sơn, một người Nùng ở xóm Tam Chẽ. Thuốc người ta đã giã nát, gói túi ni lông mang về, vài giờ sau đứa trẻ đã biết bú. Thường theo phong tục của vùng cao, khi đứa bé khỏi, mẹ nó làm lễ thêu cây gồm vài bò gạo nếp, một chai rượu, một con gà cho bà lang, giờ nhà nào lễ 50.000 - 100.000 đồng cũng được".

(Nguồn: Dương Đình Tường / Nông nghiệp Việt Nam)