Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ngày 6.11, Bộ GDĐT chủ trì tổ chức Hội thảo về “nhân cách giáo viên mầm non thời kỳ hội nhập”. Lần đầu tiên trên 1 diễn đàn giáo dục, vấn đề “nhân cách” giáo viên được đưa ra bàn thảo và buồn thay, phải bàn theo hướng “làm thế nào để giáo viên mầm non có nhân cách”.
Nhiều giáo viên ngày càng vô cảm
Theo thống kê của chính Bộ GDĐT, chỉ riêng trong năm 2012 đã liên tiếp xảy ra các vụ tố cáo về bạo hành trẻ em trong trường mầm non. Cụ thể, tháng 1.2012, một phụ huynh học sinh lên tiếng tố cáo cô giáo trường mầm non Mai Anh (TP. Hồ Chí Minh) tát và gây tổn thương vào vùng kín con mình. Không lâu sau đó, tháng 3.2012 xảy ra vụ đánh học sinh trong nhà vệ sinh tại trường mầm non Hương Sen (TP. Đà Nẵng).
Nhiều ý kiến đề nghị giáo viên mầm non phải được đào tạo 5 năm (ảnh minh họa). |
Tiếp đó, tháng 8.2012 là vụ bảo mẫu tại cơ sở từ thiện nuôi 19 trẻ mồ côi (TP. Nha Trang, Khánh Hoà) cầm roi dạy trẻ và dựng ngược cũi nhốt trẻ vào bên trong. Gần đây nhất là vụ dán băng dính vào mồm học sinh tại trường mầm non Hương Mạc (Bắc Ninh) vào tháng 9.2012…
PGS.TS Nguyễn Thuý Hồng – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục cho rằng: “Không phải ngẫu nhiên mà ngành giáo dục mầm non phải tổ chức cả một cuộc hội thảo khoa học bàn về việc xây dựng nhân cách cho giáo viên trong thời kỳ hội nhập. Thực tế cho thấy, nhiều trẻ đã bị bạo hành mà nguyên nhân từ việc người giáo viên thiếu nhân cách đạo đức nhà giáo, trong khi trẻ mầm non chưa đủ khả năng bảo vệ mình”.
Theo TS Hồ Lam Hồng – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sư phạm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự vô cảm trong nhân cách của một bộ phận giáo viên mầm non như: Áp lực công việc lớn, thời gian làm việc nhiều, lương thấp và bị coi thường.
“Thật đau lòng khi nhiều người còn tỏ vẻ coi thường, khinh miệt thậm chí đề phòng, đe doạ với giáo viên mầm non” – bà Hồng nói. Tuy nhiên, cũng theo bà Hồng, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là: “Trình độ của giáo viên mầm non hiện nay cực kỳ thấp, chủ yếu là trình độ trung cấp và liên thông”.
Nhìn ở một khía cạnh khác cô Đỗ Thị Kim Dung - giảng viên Khoa giáo dục Mầm non (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng: “Chỉ có sự vô cảm, thiếu vắng lòng nhân ái mới có thể khiến các bảo mẫu, giáo viên hành xử tàn bạo, nhẫn tâm với trẻ một cách lạnh lùng như vậy”.
Cần được đào tạo 5 năm
Theo GS -TS Đinh Quang Báo - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm cho rằng: Ngành giáo dục mầm non là một ngành đào tạo đặc thù, được coi là viên gạch đầu tiên trong việc hình thành tương lai cho trẻ. Chính vì vậy, giáo viên mầm non vừa phải là người mẹ, người y tá, người bạn, nhà nghệ thuật sáng tạo. Điều đó không hề đơn giản.
“Để làm chủ được tất cả những kỹ năng hình thành các nhân cách này, giáo viên mầm non phải được đào tạo ít nhất 5 năm chứ không phải ở trình độ trung cấp hay chỉ là chứng chỉ cô nuôi dạy trẻ, bảo mẫu… như hiện nay” – ông Báo nói.
“26,67% giáo viên mầm non say sưa, tâm huyết với nghề, 36,67% giáo viên tỏ thái độ bình thường, chấp nhận nghề và 36,67% giáo viên muốn bỏ nghề”.
Khảo sát của Đại học Sư phạm Hà Nội.
Nhưng thực tế, PGS.TS Nguyễn Thuý Hồng cho rằng, xã hội vẫn chưa thừa nhận sự quan trọng bậc nhất của bậc học này: “Tôi nghĩ ngay cả bảo mẫu, osin trông trẻ cũng phải cần được đào tạo bài bản và có trình độ. Nhưng các mẹ hiện nay mới chỉ yêu cầu người chăm trẻ thực hiện đúng một chức năng là nuôi và đảm bảo dinh dưỡng, còn việc dạy thì không mấy quan tâm”.
Để giáo viên thực sự có “nhân cách” làm nghề, các chuyên gia cho rằng cần thay đổi nhận thức của xã hội về ngành học này bằng các chế độ đãi ngộ phù hợp với công việc vất vả và áp lực của họ. Đi liền với đó là cải cách mô hình đào tạo nâng cao nhận thức, bồi dưỡng lòng yêu nghề cho giáo viên mầm non. “Không có lòng yêu nghề, yêu trẻ, giáo viên mầm non sẽ làm hỏng những hạt giống đầu tiên của tương lai đất nước” – TS Hồng nói.