Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Kiếm cả triệu đồng mỗi ngày nhờ bán ngô trên quốc lộ

(15:39:13 PM 06/12/2012)
(Tin Môi Trường) - Sau khi trừ đi các khoản chi phí, chỉ cần làm một phép tính đơn giản với mức lãi 2.000 đồng/bắp, mỗi ngày có thể kiếm được triệu đồng và thậm chí có thể gấp đôi nếu gặp khách.

 

Nhiều năm nay, nông dân lấn chiếm lòng đường “mở chợ ngô” dài gần 10 km trên QL2 từ Ngã ba Kim Anh đến gần thị xã Phúc Yên. Bán hàng ở đây giúp họ kiếm bạc triệu mỗi ngày.

 

 “Chợ ngô” hay “con đường ngô” bám hai bên lề đường QL2. Các “gian hàng” ngô được bày bán la liệt, tạo lên không khí tấp nập giống như một khu chợ thật sự.

 

Vất vả từ sáng đến tối, thậm chí đến 11 giờ đêm, các hàng ngô vẫn sáng đèn để phục vụ khách đi đường nhưng công việc ở chợ ngô giúp nhiều người kiếm bạc triệu mỗi ngày.

 

Nông dân trồng ngô trên những cánh đồng dọc hai bên quốc lộ. Đến khi thu hoạch, họ thu ngô tươi đem bán ngay trên lề đường.

 

Lượng ngô được tiêu thụ ngày càng lớn, giá của mỗi bắp ngô cũng tăng lên khiến nhiều người nông dân chuyển sang luôn nghề buôn bán ngô. Theo những người bán ngô ở dọc quốc lộ, họ đi mua buôn ngô của các địa phương khác (thường là các tỉnh lân cận) rồi về bán tại “chợ ngô”. Bởi vậy mà chợ ngô ngày càng trở nên tấp nập hơn.
 
Kiếm cả triệu đồng mỗi ngày nhờ bán ngô trên quốc lộ

 

Chị Nguyễn Thị Thanh, một tiểu thương bán ngô nói rằng: “ Mấy năm trước mỗi bắp ngô chỉ có 1.500 đồng đến 2.000 đồng còn bây giờ thì đắt hơn nhiều rồi”.

 

Chị Thanh chia sẻ, hiện nay chị bán chủ yếu là ngô nếp non (loại chưa luộc) là 4.000 đồng/bắp, nếu ngô xấu thì khoảng 3.500 đồng/bắp. Ngô luộc tại chỗ có giá là 5.000 đồng/bắp. Trong khi, giá thu mua ngô của từ những nơi khác chỉ từ 1.500 - 2.500 đồng/bắp tùy vào chất lượng. Đặc biệt, nếu bước vào vụ chính vụ đông, giá ngô nhập về bán sẽ còn hạ thấp hơn. Như vậy, tính trung bình, mỗi bắp ngô người bán sẽ thu lãi 2.000 đồng.

 

Cô Ngô Thị Hương, một người bán ngô kể: “Mùa này đông lắm, khách vào ăn ngô nhiều, mua về cũng nhiều. Có hôm gặp khách đi ô tô xuống mua thì lời to”.

 

Chị Hương cho biết, khách ô tô là những khách lưu thông qua đoạn đường này bằng ô tô, có thể là ô tô tải, ô tô khách, nhất là ô tô con. Họ có thể mua đến hàng chục, hoặc hàng trăm bắp một lúc. Và vì đây là đoạn đường nhiều xe cộ lưu thông nên những khoản hời như thế không phải là hiếm.

 

Theo chị Hương, trung bình mỗi ngày, chi bán được 500 bắp ngô, hôm nào gặp khách ô tô, con số này có thể lên đến 600 – 700 bắp. Hôm nào ế ẩm thì chỉ bán được 300 – 400 bắp. Như vậy, sau khi trừ đi các khoản chi phí, chỉ cần làm một phép tính đơn giản với mức lãi 2.000 đồng/bắp, mỗi ngày có thể kiếm được triệu đồng và thậm chí có thể gấp đôi nếu gặp khách.

 

Chị Hương kể, trước kia chị cũng là một người nông dân trồng ngô, sau dần thấy bán lãi thu được lớn hơn gấp nhiều lần trồng ngô mà lại không vất vả, chị quay sang chuyên thu mua ngô về bán. “Bây giờ người ta trồng ngô nhiều hơn trồng lúa. Cây ngô tốn ít công chăm hơn mà lại có thu nhập cao hơn. Nhiều nhà ở xã tôi thậm chí đã thoát nghèo vì trồng ngô”.
 
Kiếm cả triệu đồng mỗi ngày nhờ bán ngô trên quốc lộ

 

Ngô bây giờ có thể trồng quanh năm và cũng nhanh được thu hoạch hơn trước kia. Trung bình cứ khoảng 2 tháng (mùa hè) hay 3 tháng (mùa đông) là người nông dân được thu hoạch một lứa ngô. Mỗi xào ngô có thể đem lại thu nhập khoảng 3 – 4 triệu đồng/lứa ngô. Nhiều nhà thậm chí còn trồng cả mẫu ngô. Nhờ vậy mà nguồn thu từ việc trồng ngô dần giúp họ thoát nghèo – chị Hương cho hay.

 

Anh Nguyễn Văn Tình bán ngô ở đây thành thật chia sẻ: “Công an đuổi thì mình chạy chứ chẳng ai thôi bán. Thậm chí, có nhiều người, biết dễ kiếm tiền còn rủ cả anh chị em của mình ra đây rồi mỗi người mở một điểm buôn bán ngô”.

 

Anh Tình dẫn chứng, ngồi cạnh điểm bán ngô nhà anh là bốn điểm bán ngô liền kề nhau đều của chung một gia đình bố mẹ, con gái và cả con dâu. Mỗi người một chỗ chỉ việc ngồi bán còn việc đi thu mua ngô từ các địa phương khác đã có đứa con rể lo hết.

 

Không ít gia đình rồng rắn cả nhà ra mở chợ, không ít người bằng mọi giá vấn cố kiên quyết bám trụ trên “con đường ngô” để kiếm tiền khiến các điểm bán ngô càng ngày càng mọc lên nhiều hơn và “con đường ngô” cứ sau một thời gian lại được nối dài thêm một đoạn đáng kể.

Theo Bạch Nga (VEF)