Yếu kém, méo mó
Thống kê của Bộ TN-MT cho thấy hiện nay, có đến 90% doanh nghiệp đang hoạt động không đạt yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng nước thải. Dự báo nhu cầu nước cho công nghiệp vào năm 2020 là 11 tỉ m3, nếu chỉ tiêu phát thải không được cải thiện thì lượng nước thải sẽ bằng 60%-80% lượng nước đầu vào, chất lượng nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép rất nhiều.
Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến, nhu cầu sử dụng các DVMT hiện tại và tương lai khá lớn. Thế nhưng, những quy định của pháp luật để điều tiết các doanh nghiệp cung ứng DVMT cũng như quản lý các doanh nghiệp này còn thiếu, dẫn đến sự yếu kém chất lượng các DVMT cũng như làm méo mó thị trường. Nhằm khắc phục những bất cập này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển DVMT đến năm 2020, trong đó giao Bộ TN-MT thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng hoàn thiện khung chính sách pháp luật về phát triển DVMT ở Việt Nam”. Dự thảo này điều chỉnh 6 loại hình DVMT.
ĐTM: Sao chép và đại hạ giá
Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) bị các địa phương kêu ca và “mổ xẻ” nhiều nhất trong số 6 loại hình DVMT đang tồn tại hiện nay. Đại diện Sở TN-MT tỉnh Tiền Giang cho biết tỉnh này có khoảng 20 đơn vị tư vấn DVMT hoạt động nhưng khi cần, tỉnh không biết phải chọn nơi nào thực hiện ĐTM vì toàn các đơn vị không có năng lực. “Các ĐTM toàn sao chép rồi chờ lấy chất xám của hội đồng thẩm định, chỉ đâu sửa đó nên một ĐTM chỉnh sửa 5 - 10 lần là chuyện bình thường! Cơ quan quản lý không can thiệp được, miễn họ thỏa thuận và ký hợp đồng với chủ đầu tư thì cứ thực hiện” - đại diện Sở TN-MT tỉnh Tiền Giang nêu thực trạng.
Một đại diện ngành môi trường của một địa phương khác không ngại chỉ thẳng: Do chủ đầu tư là người trả chi phí ĐTM nên khi các chỉ số tác động môi trường quá cao, họ yêu cầu đơn vị tư vấn hạ thấp. Vậy nên bao giờ kết quả gửi lên cơ quan chức năng cũng tốt đẹp.
Dẫn chứng “nóng hổi” cho nạn sao chép, cắt dán ĐTM là 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, đại diện Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ (thuộc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia) cho rằng ĐTM do Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam thuộc Bộ NN-PTNT thực hiện bằng cách sao chép, cắt dán từ nhiều ĐTM khác. Nếu báo chí và dư luận không khui vụ này ra, cứ để 2 dự án tiến hành thì hậu quả là tác hại đến môi trường rất lớn.
Trong khi đó, đại diện Sở TN-MT tỉnh Bình Định bức xúc về tình trạng các kỹ sư môi trường được đào tạo để bảo vệ môi trường nhưng lại bày “chiêu” để doanh nghiệp đối phó với cơ quan chức năng: chôn ống ngầm như thế nào để xả thải ra môi trường, chọn sai công nghệ xử lý với chi phí thấp...
Có lỗi của Bộ Tài nguyên - Môi trường
Phó Giám đốc Sở TN-MT Đắk Lắk Nguyễn Hữu Thịnh cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn “đại hạ giá” ĐTM là do lỗi của Bộ TN-MT. “Năm 2007, Chính phủ yêu cầu Bộ TN-MT phối hợp với Bộ Tài chính lập định mức về công tác quy hoạch, lập tư vấn ĐTM nhưng đến nay đã 7 năm, 2 bộ vẫn chưa làm được” - ông Thịnh phân tích.
Còn ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho rằng các ĐTM nên hướng đến mục đích nếu phân tích thấy tác động môi trường của dự án quá lớn thì không cấp phép đầu tư. Như thế sẽ bảo vệ được môi trường và cũng đỡ khổ cho các nhà quản lý. Hiện nay, ĐTM chỉ là một khâu thủ tục trong hồ sơ dự án, chưa có vai trò “gác cửa” dự án. |