Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bỏ mặc dân trong lòng hồ thủy điện

(19:18:51 PM 04/12/2012)
(Tin Môi Trường) - Sự cố vỡ đập thủy điện Đak Rông 3 đã gây ngập úng, hư hỏng phần lớn đất sản xuất, hoa màu, nhà cửa của người dân ở thôn Pa Hy, xã Tà Long (huyện Đak Rông, Quảng Trị).

 Bỏ mặc dân trong lòng hồ thủy điện

Ngôi nhà của gia đình ông Hồ Ai Ta (thôn Pa Hy) bị ngập gần 2m sau khi thủy điện Đak Rông 3 tích nước. Ảnh: Phan Thanh

 

 

Bà Hồ Thị Hoa - Phó Chủ tịch UBND xã Tà Long và ông Nguyễn Quang Hữu - cán bộ địa chính xã Tà Long- cho biết: Hôm Cty cổ phần thủy điện Trường Sơn tích nước lòng hồ, mực nước ở đây đã dâng cao trên 4 mét so với cam kết ban đầu của họ.

Chủ đầu tư trây ỳ, chính quyền... vô can

Đầu tháng 10.2012, chỉ sau 2 ngày tích nước lòng hồ thủy điện Đak Rông 3, với các trận mưa trong một thời gian ngắn, mực nước lòng hồ đã ngập cao hơn 4m so với điểm dâng nước mà nhà đầu tư cam kết với chính quyền, người dân địa phương. Cùng với đó là con đập thủy điện này đã nhanh chóng bị vỡ, khiến dư luận liên tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự thiếu an toàn của công trình, cũng như trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với người dân đang phải sinh sống ở trong lòng hồ này. Điều đáng nói, đến nay gần 20 hộ dân ở đó - đã từng bị ngập lũ do công trình này gây ra - vẫn chưa được di dời.

Bức xúc về vấn đề trên, bà Hồ Thị Hoa - Phó Chủ tịch UBND xã Tà Long - nói: “Chúng tôi đã rất nhiều lần kiến nghị, yêu cầu chủ đầu tư công trình (Cty cổ phần thủy điện Trường Sơn, trụ sở ở TP.Đồng Hới, Quảng Bình) phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết việc đền bù, di dời gần 20 hộ dân ở thôn Pa Hy, xã Tà Long đến nơi ở mới, nhưng chủ đầu tư vẫn trây ỳ, cố cãi rằng nước thủy điện chỉ ngập đất đai sản xuất của dân ở đó, chứ không ngập nhà cửa nên không cần thiết phải di dời. Trong khi đó, thực tế việc tích nước vừa qua của công trình (đầu tháng 10.2012) đã gây ngập nhà cửa của một số hộ dân ở đây, trong đó nhà ông Hồ Ai Ta bị ngập nặng, cuốn trôi lương thực và một số tài sản khác”.

Tìm hiểu trách nhiệm giải quyết vấn đề trên, ngày 30.11.2012, ông Mai Thức - Phó Chủ tịch UBND tỉnh QT - cho biết: “Cái này (công trình thủy điện Đak Rông 3) là do tư nhân làm, theo quy định của Nhà nước thì việc đó (di dời dân ra khỏi khu vực lòng hồ) là do tư nhân thực hiện”. Về thiệt hại của người dân, ông Thức trả lời: “Có thiệt hại gì lớn đâu, chỉ là 28 bao sắn thôi, cái này cũng do chủ đầu tư đền bù”(!).

“Khi được hỏi hay trả lời thắc mắc của người dân, chính quyền, sở, ban ngành chức năng các cấp đều nói chủ đầu tư công trình chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho dân. Tuy nhiên, trong thực tế chỉ có chính quyền xã, huyện kiến nghị, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện” - bà Hồ Thị Hoa - Phó Chủ tịch UBND xã Tà Long - cho biết. Cũng theo bà Hoa, chủ đầu tư thủy điện Đak Rông 3 đã bắt đầu khắc phục hạng mục con đập bị vỡ từ cách đây 5 ngày, trong khi đó họ vẫn chưa tiến hành đền bù thiệt hại cho dân.

Vỡ… vẫn cứ làm(!)

Ngày 2.12, theo quan sát của chúng tôi, chủ đầu tư đã cho nhân công hút nước ở lòng hồ nhằm thi công vá đập bị vỡ. Điều đáng nói, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất kỳ động thái nào về việc kiểm tra chất lượng công trình. “Không ai dám chắc sau khắc phục, công trình sẽ không bị vỡ lần nữa, ở chỗ cũ hay hạng mục mới” - một vị lãnh đạo UBND huyện Đak Rông nói.

Chúng tôi đặt câu hỏi chất lượng công trình thủy điện Đak Rông 3 với ông Mai Thức - Phó Chủ tịch UBND tỉnh QT - thì nhận được câu trả lời: “Đối với công trình thủy điện Đak Rông 3, tỉnh chỉ tập trung vào 2 vấn đề: Thứ nhất là việc tích nước thì nhà đầu tư phải báo cáo tỉnh, thứ hai là nhà đầu tư phải xây dựng công trình đúng theo quy hoạch của địa phương. Còn vấn đề chất lượng công trình thì tỉnh không can thiệp sâu vào, do cái này là tư nhân làm, thiệt hại kinh tế là của họ”(?!).

Cùng vấn đề trên, ông Cao Văn Kết - Phó GĐ Sở Xây dựng QT - lại cho rằng: “Sau vỡ đập thủy điện Đak Rông 3, các sở, ban ngành chức năng địa phương đã kiểm tra thực tế hiện trường, kết luận hạng mục bị vỡ là do không chịu nổi áp lực của nước chứ không phải bị phá bỏ như giải trình của chủ đầu tư, nên đã thống nhất kiến nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện kiểm tra chất lượng công trình này”. Ông Kết cho biết thêm: “Về mặt quản lý nhà nước đối với công trình thủy điện Đak Rông 3 là do Sở Công Thương tỉnh trực tiếp đảm nhận”.

Ngày 30.11.2012, chúng tôi đã liên hệ qua điện thoại để làm việc với ông Lê Quang Vĩnh - Giám đốc Sở Công Thương QT, nhưng ông Vĩnh không nghe máy. Đáng nói, từ sau khi xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Đak Rông 3, chúng tôi đã rất nhiều lần liên hệ làm việc với ông Vĩnh về trách nhiệm quản lý ngành, địa phương đối với công trình thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn, nhưng đều bị ông Vĩnh từ chối nghe máy. 
PHAN THANH (Báo Lao Động)