Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Campuchia vỡ đập: do sức ép của nước

(15:35:50 PM 04/12/2012)
(Tin Môi Trường) - Đập thủy điện Stung Atay do Trung Quốc xây dựng ở phía tây Campuchia đã bất ngờ đổ ập gây ra cơn lũ cuốn đi năm người và làm chín người bị thương.

Sự cố làm gia tăng lo ngại về chất lượng của những đập thủy điện cùng tác hại về môi trường sống.

 

 

Nhiều đập thủy điện ở Campuchia bị chỉ trích các tác hại về môi trường và xã hội - Ảnh: AFP

 

 

Tân Hoa xã dẫn lời cảnh sát trưởng tỉnh Pursat Sarun Chanthy ngày 3-12 xác nhận trong số những người bị thương có một người Trung Quốc. “Kết luận ban đầu của chúng tôi là vụ tai nạn xảy ra do đường hầm bêtông hình ống bị nứt và vỡ do sức ép của nước” - ông Sarun Chanthy nói.

 

Trong khi đó, Bộ trưởng công nghiệp Suy Sem khẳng định đây chỉ là “tai nạn nhỏ” và sẽ không ảnh hưởng đến dự án.

 

Trước đó, AFP ngày 2-12 dẫn lời cảnh sát trưởng Theang Leng của quận Veal Veng cho biết vụ việc xảy ra chiều 1-12. “Bốn người bị mất tích. Chúng tôi e là họ đều đã chết đuối nhưng điều này vẫn chưa chắc chắn” - ông Leng cho biết. Một đội cứu hộ vẫn đang tìm kiếm những người mất tích. Ngoài ra, khoảng bảy người bị thương trong vụ việc, trong đó nhiều người bị gãy xương. Mọi hoạt động tại thủy điện Stung Atay, một dự án trị giá hơn 255 triệu USD trên sông Atay thuộc tỉnh Pursat, đều bị ngừng lại trong lúc các chuyên gia xem xét thiệt hại.

 

Theo ông Theang Leng, nguyên nhân của vụ vỡ đập là do con đập tích quá nhiều nước và bắt đầu rò rỉ. Yeat Thay, một người dân sống ở gần đó, cho biết toàn bộ nước trong bể chứa của Stung Atay đã cạn sạch sau khi một phần cấu trúc hình ống cạnh bể chứa bị vỡ.

 

“Cần mở một cuộc điều tra toàn diện về vụ vỡ đập cũng như xem xét liệu các mức kinh phí để đảm bảo an toàn cho con đập có hiệu quả hay không - trang Global Post dẫn lời bà Ame Trandem, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Tổ chức Mạng lưới sông ngòi quốc tế - Bất cứ công nhân thi công nào thiệt mạng cũng là điều không thể chấp nhận được và cần phải tránh với bất cứ giá nào”.

 

Dự án đập Stung Atay, một trong số  sáu dự án do Trung Quốc tài trợ, có công suất 120 MW, được khởi động năm 2008 và dự kiến hoàn thành giữa năm sau. Dự án do nhà thầu Trung Quốc Datang Corporation xây dựng và sẽ điều hành trong vòng 30 năm trước khi chuyển giao lại cho Campuchia. Trả lời báo chí, văn phòng của Datang cho biết họ không có thông tin về vụ vỡ đập và từ chối cung cấp liên lạc của người phát ngôn công ty.

 

Campuchia hiện thiếu điện nghiêm trọng với chỉ 1/4 dân số tiếp cận được nguồn điện ổn định. Cơn khát năng lượng đã khiến nước này lên kế hoạch xây dựng hàng loạt đập thủy điện. Năm ngoái, Campuchia khánh thành đập thủy điện lớn nhất nước, một dự án 280 triệu USD cũng do Trung Quốc tài trợ. Chín con đập khác sẽ được hoàn thành từ nay đến năm 2019, dự kiến tạo ra hơn 2.045 MW điện, đủ cung cấp cho tất cả các tỉnh thành.

 

Nhưng các dự án thủy điện ngày càng gây lo ngại vì thiếu an toàn với nhiều vụ công nhân xây đập bị thiệt mạng tại nhiều nơi trong vòng hai năm qua. Năm 2008, Tổ chức Mạng lưới sông ngòi quốc tế đã cảnh báo những con đập được xây dựng vội vã có thể gây ra những thiệt hại không thể bù đắp được. “Trong khi an toàn luôn là một nguy cơ khi xây dựng những con đập lớn thì biến đổi khí hậu cũng là yếu tố làm tăng sự bất ổn cần phải được cân nhắc cẩn thận hơn trong quá trình lên kế hoạch” - bà Trandem nhận định.

 

Những con đập xây dựng ở Đông Nam Á đã trở thành vấn đề gây nhiều tranh cãi về những tác hại đối với môi trường và xã hội.

 

 

 

Lời cảnh báo từ các đập thủy điện

 

* “Các sự cố đập đang diễn ra cho thấy không có gì là an toàn tuyệt đối. Những sự cố đập gần đây diễn ra tương đối dồn dập, và một trong những nguyên nhân thường là liên quan tới chất lượng xây dựng đập. Khi người ta xây dựng quá nhiều đập thì hay có xu hướng coi thường rất nhiều tiêu chuẩn mà đáng lý phải tuân thủ. Nước là tài nguyên, nhưng nước cũng có sức mạnh (hủy diệt) ghê gớm. Sự cố vỡ đập ở Campuchia là một lời cảnh báo cho các nước Đông Nam Á khi nhìn nhận chất lượng xây dựng và năng lực xây dựng của các nhà thầu cũng như những tác động của biến đổi khí hậu lên các công trình thủy điện”

TS Đào Trọng Tứ (đại diện Mạng lưới sông ngòi VN)'

 

* “Như vậy năm nay đã có ba sự cố xảy ra ở ba con đập khác nhau tại Campuchia. Lời cảnh báo ở đây là cần phải chọn công ty tốt để đảm bảo chất lượng xây dựng công trình. Các chính phủ cũng cần tính toán tới việc sử dụng một cách bền vững các nguồn tài nguyên, vì con đập một khi được xây lên nó có thể phá hủy hệ sinh thái xung quanh và không thể phục hồi nguyên trạng cuộc sống tự nhiên như trước được nữa.

 

Ở Campuchia, ngoại trừ những người dân sống gần các công trình xây dựng đập hằng ngày nhìn thấy rõ những tác hại của công trình tới cuộc sống của họ, thì dân chúng nói chung sống ở những nơi xa công trình thường chỉ cảm thấy hạnh phúc khi có điện. Họ hầu như không biết nhiều về những tác hại của con đập tới môi trường bền vững”.


Ông Meach Mean (giám đốc Mạng lưới bảo vệ ba dòng sông Sesan, Srêpôk của VN và Sekong có trụ sở tại Ratanakiri, Campuchia)

 

(Nguồn: TTO)