Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Sau đó, ngày 15/2//2012, Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp rút kinh nghiệm đợt 1 có sự tham gia của Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Nguyễn Anh Hoàng và các ban ngành liên quan. Cuộc họp cũng lên kế hoạch ra quân giai đoạn 2 san ủi diện tích còn lại là 1.267 ha trong tổng số 1.378 ha đất thu hồi. Có 888 nhân lực và 76 máy đào, ủi được huy động tham gia giải tỏa trong vòng 15 ngày từ 22/2 đến 7/3/2012.
Ông Hoàng Lâm, Chủ tịch Hội Nhà báo Bình Phước (người bên phải) trao đổi với phóng viên về vụ việc
Ngay trong ngày ra quân 22/2, Báo Nông nghiệp Việt Nam (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) mở đầu loạt bài “Bất công đến thế là cùng” của tác giả Đức Lập phản ảnh nỗi bức xúc của người dân Bù Đăng trước việc mất đất. Loạt bài cũng mô tả sự cùng cực của nhiều hộ gia đình khi bị giải tỏa trắng mà không được đền bù và cho rằng đó là sự bất công do chính quyền gây ra.
Để chấn chỉnh thông tin trái chiều, ngày 8/3/2012, UBND tỉnh Bình Phước đã tổ chức họp báo về việc này. Theo thông cáo báo chí do UBND tỉnh soạn thảo, huyện Bù Đăng đã hoàn thành việc thu hồi theo kế hoạch 1.100 ha và 278 ha thu hồi thêm cho huyện. Ông Nguyễn Văn Khánh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp, cũng nhắc nhở các phóng viên nên đăng thông tin chính thống từ cơ quan chức năng để tránh gây xáo trộn tình hình. Ngay sau đó, ngày 28/3/2012 Báo Bình Phước đăng bài phỏng vấn ông Nguyễn Anh Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng về loạt bài “Bất công đến thế là cùng” mà báo Nông nghiệp VN đăng tải. Ông Hoàng nhận định nội dung bài báo của báo Nông nghiệp VN là sai sự thật, thiếu khách quan, tác giả thiếu hiểu biết pháp luật và cho biết UBND huyện đã có công văn phản hồi nội dung bài báo.
Như thêm dầu vào lửa, ngày 17/4 Báo Nông nghiệp VN phản pháo bằng bài viết “Ông Chủ tịch huyện “hô biến” không thành có”, một mặt “bẻ” lại những lập luận của ông Nguyễn Anh Hoàng phát biểu trên báo Bình Phước, mặt khác phóng viên trở lại Bù Đăng lần nữa để tái khẳng định thảm trạng của người dân sau khi tỉnh thu hồi đất. Tiếp đó, lại đăng thêm bài “Ông Chủ tịch huyện ơi, sao dân khổ thế này?” tiếp tục “kết tội” chính quyền huyện Bù Đăng đẩy người dân vào cảnh bần cùng.
Gần như ngay lập tức, một cuộc họp nữa được triệu tập với sự tham gia của nhiều lãnh đạo ban ngành trong tỉnh Bình Phước. Sau khi phân tích cặn kẽ nội dung các bài báo, cuộc họp đưa ra quyết định giao cho Báo Bình Phước xuống thực tế hiện trường làm rõ sự thật, viết bài đăng lên báo “trả lời” cho Báo Nông nghiệp VN. Thế nhưng, người được phân công viết loạt bài này ở Báo Bình Phước không trực tiếp đi thực tế mà chỉ căn cứ vào báo cáo của các ban ngành (công an, nông nghiệp, UBND huyện…) để viết bài. Loạt bài 4 kỳ mang tên “Một chủ trương thấm đậm ý Đảng lòng dân” được đăng lên, trong đó viên dẫn báo cáo và kết luận của nhiều cơ quan chức năng khẳng định chủ trương thu hồi đất xâm chiếm trái phép là chủ trương “thấm đậm ý Đảng, lòng dân”; và những thông tin bần cùng hóa cuộc sống người dân, sự cưỡng chế mạnh bạo của nhà chức trách đối với người chống đối là không có thật.
Loạt bài của Báo Bình Phước chẳng những không khiến người dân nguôi ngoai nỗi đau mất đất mà trái lại đã đẩy sự việc lên tới cao trào. Ngay sau loạt bài “Một chủ trương thấm đậm ý Đảng lòng dân” phát hành , hàng chục người dân đã kéo đến Báo Bình Phước phản đối tác giả và đề nghị báo phải nhanh chóng đính chính thông tin. Đoàn người cũng đã tìm đến Hội Nhà báo Bình Phước và một số cơ quan chức năng khác để khiếu kiện. Chưa hết, người dân còn lặn lội hơn 200 cây số xuống văn phòng phía Nam Báo Nông nghiệp VN tại TP. HCM để “kể khổ”. Và “cuộc chiến” giữa 2 tờ báo lại bùng phát khi Báo Nông nghiệp VN cho đăng bài gặp gỡ giữa phóng viên báo và người dân với tựa đề “Sự thật bị bóp méo: Người dân phẫn nộ” đăng ngày 24/9/2012.
Chính quyền tỉnh Bình Phước như đang ngồi trên đống lửa. Mặc dù “cơ quan ngôn luận” của tỉnh ủy là Báo Bình Phước đang có công bảo vệ chủ trương của tỉnh nhà song với cách làm không đến nơi đến chốn lại gây phản tác dụng. Trong khi đó, “người ngoài” là Báo Nông nghiệp VN lại đang săn tìm bằng chứng “kết tôi” bằng được chủ trương này…