Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ngày Trí thức Việt Nam được xem là ngày để tôn vinh giới trí thức, là ngày tập hợp và vận động trí thức “lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức” (Nghị quyết 27-NQ/TƯ của Ban Cháp hành Trung ương Khóa X)
Tại buổi thăm và làm việc, với tập thể lãnh đạo VUSTA sáng 9-3, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư TƯ Đảng, bày tỏ sự ủng hộ đề nghị của một số trí thức về việc chọn một ngày trong năm làm Ngày Trí thức Việt Nam. Đồng chí yêu cầu lãnh đạo VUSTA sớm tìm hiểu chọn một ngày có ý nghĩa, liên quan đến sự kiện hoặc hoạt động điển hình của Bác Hồ với trí thức nước nhà, để đề xuất làm Ngày Trí thức Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Ngọc Kính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Giống Cây trồng Việt Nam, bày tỏ suy nghĩ ban đầu về Ngày Trí thức: “Tôi thấy rất xứng đáng”. Đáng chú ý, khi thảo luận về Ngày Trí thức Việt Nam, nhiều người tỏ ra quan tâm đến việc xác định “trí thức là ai”.
“Nên làm rõ thế nào là trí thức, ai mới là trí thức, có phải từ tiến sỹ trở lên hay thế nào”, GS.TS Nguyễn Ngọc Kính nêu vấn đề.
VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống Cây trồng Việt Nam, cũng chia sẻ, nhân dịp này, cần định ghĩ rõ trí thức là ai, “ song không đến nỗi lo lắm”. Hội Nữ Trí thức Việt Nam và thành lập ngày 8-3-2011 đưa ra tiêu chí trí thức đơn giản là có trình độ “từ kỹ sư trở lên”.
Còn TS Nguyễn Hồng Vũ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Vô tuyến Điện tử, cho rằng, tiêu chuẩn trí thức đơn giản chỉ nên là tốt nghiệp đại học trở lên.
Chương trình KX.04/06-10, đề tài cấp nhà nước: "Xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam giai đoạn 2011-2020" đến thời điểm này, vẫn bỏ ngỏ phần “định nghĩa về trí thức và quan niệm về trí thức”. Nhóm nghiên cứu còn đề nghị các nhà khoa học tham gia đóng góp ý kiến về việc sử dụng các thuật ngữ như “tầng lớp trí thức”, “giới trí thức”, “lực lượng trí thức”, “đội ngũ trí thức”
Theo GS Chu Hảo, tầng lớp trí thức (intelligentsia) là những người không chỉ có học vấn hay trình độ chuyên môn cao, mà hơn hết phải là những người quan tâm và có chính kiến trước những vấn đề chính trị - xã hội nóng bỏng của thời cuộc.
Đằng sau vấn đề định nghĩa, một số ý kiến còn đặt câu hỏi liệu đề xuất của VUSTA chọn Ngày Trí thức Việt Nam có đại diện cho trí thức cả nước không khi mà, đến nay, VUSTA mới tập hợp được một phần ba trí thức cả nước.
Băn khoăn khoảng cách giữa “chính sách” và “thực hiện”
Tâm tư hơn cả vẫn là khoảng cách còn lớn giữa chính sách và thực tiễn đãi ngộ với trí thức vẫn chưa được cải thiện là bao.
“Tôn vinh trí thức bằng việc cho lập một Ngày Trí thức Việt Nam là đáng quý, song cái cần hơn cả vẫn là biến chủ trương chính sách của Đảng đối với trí thức thành hiện thực”, TS Nguyễn Hữu Ninh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục&Phát triển Môi trường, bày tỏ.
Ngay tại buổi làm việc với đồng chí Trương Tấn Sang hôm mùng 9-3, lãnh đạo VUSTA và TS Nguyễn Hữu Ninh cũng thẳng thắn đặt ra vấn đề này. Sau hơn một phần tư thế kỷ hoạt động, VUSTA có 125 hội thành viên tỏa khắp 55 tỉnh thành, thu hút 80 vạn trí thức khoa học và công nghệ. Vậy mà, theo GS.VS. Đặng Vũ Minh, VUSTA chỉ có vẻn vẹn 180 biên chế, tương đương ba biên chế cho mỗi tỉnh thành.
Sau gần một năm ban hành hai văn bản quan trọng của Bộ Chính trị và Ban Bí thư TƯ Đảng (Chỉ thị 42-CT/TW và Thông báo 353-TB/TW), theo báo cáo của VUSTA, chưa có nhiều chuyển biến trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tồn tại từ trước đến nay về tổ chức, bộ máy, về thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao cùng các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ. Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) của VUSTA ban hành gần một năm nhưng đến giờ vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các văn bản của Đảng đều xác định VUSTA là một tổ chức chính trị-xã hội, có hệ thống hai cấp từ trung ương tới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, được nhà nước đảm bảo kinh phí và các điều kiện hoạt động như 14 tổ chức (đoàn thể) chính trị-xã hội khác. Thế nhưng một quyết định mới đây của Chính phủ (Quyết định 68/2010/QĐ-TTg) lại coi VUSTA nằm trong nhóm 28 tổ chức đặc thù, gây không ít vướng mắc khi thể chế hóa chỉ đạo mới nhất của Bộ Chính trị.
Đấy là chưa kể, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền cả ở trung ương và địa phương về vấn đề này chưa thống nhất, làm cho chỉ đạo của Đảng chưa thực sự đi vào cuộc sống. Không ít ý kiến nghi ngờ, liệu Chỉ thị 42-CT/TW có bị lãng quên như Chỉ thị 45-CT/TW (ngày 11/11/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về đẩy mạnh hoạt động của VUSTA).
Tín hiệu vui là, tại buổi làm việc, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang thừa nhận nhiều chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước còn chậm được triển khai, đưa vào cuộc sống. Để tháo gỡ vướng măc, đồng chí Trương Tấn Sang đề nghị Đảng Đoàn VUSTA phải chủ động tổ chức các buổi làm việc, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan liên quan.
“Nếu quá khó khăn, các đồng chí cứ gõ cửa chúng tôi, chúng tôi sẽ nhắc nhở các cơ quan chức năng”, đồng chí Trương Tấn Sang nói. Và để kiểm tra đôn đốc việc xây dựng các đề án, theo GS.VS Đặng Vũ Minh, đồng chí đề nghị Văn phòng Trung ương Đảng sắp xếp lịch làm việc với các bộ, ngành liên quan mỗi tháng một buổi từ nay đến hết năm 2011.
“Có anh em trong cơ quan nghiên cứu của tôi từng nói vui, suốt cả năm mang hoa đến hết chỗ nọ chỗ kia tặng hoa nhân ngày truyền thống của họ. Vậy mà chả có ngày nào trong năm để thấy người ta mang hoa đến tặng mình”, GS.VS. Đặng Vũ Minh chia vui. |