Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Ông lão suýt mất mạng vì bảo vệ chim trời

(08:46:14 AM 01/12/2012)
(Tin Môi Trường) - Biết ông có vườn chim quý, nhiều đại gia từ Hà Nội, Hải Phòng... tìm về ngã giá vài ba tỷ đồng, nhưng trước sau như một ông quyết không bán. Để bảo vệ đàn chim trời, ông từng "chiến đấu" với tụi trộm và suýt mất mạng.

 

Nếu đi trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua bản Thọ Liên, xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc, Thanh Hóa), khách sẽ được chiêm ngưỡng một cảnh tượng kỳ thú. Vào mỗi buổi chiều tà, khi hoàng hôn vừa buông, trên ngọn đồi Gò Mả, hàng chục nghìn cò trắng từ khắp bốn phương kéo về bay rợp một góc rừng, đen sẫm một mảng trời.
 
Gần 30 năm qua, đồi Gò Mả của gia đình ông Của chính là nơi trú ngụ của các loài chim trời khắp xứ Thanh, từ Tĩnh Gia, Hoằng Hóa đến Hậu Lộc hay vùng núi Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát... Ông Của được người dân bản Mường đặt cho những cái tên trìu mến “ông Lão vườn chim”, “vua cò” hay “nhà cò học”…
 
Đảo cò của ông Của là một vạt đồi đất đỏ với những bụi tre, luồng, vầu… ken dày, chỉ đủ lối cho một người lách qua. Trên các ngọn cây hàng chục nghìn con cò, vạc, sếu, vẹt… đậu chi chít. Mỗi cây lim, tre, luồng trên đồi đều phải “gánh” hàng chục tổ. Có cành không chịu nổi sức nặng đã bị gãy. Trên thảm lá mục, phân cò trắng xóa…
 
Gần 30 năm qua, đồi Gò Mả của gia đình ông Của là nơi trú ngụ của hàng chục nghìn con cò. Ảnh: Lê Hoàng.
 
Vừa dẫn khách đi thăm đảo cò, ông lão vừa kể về cơ duyên đến với “nghiệp nuôi chim trời”. Sinh ra và lớn lên ở bản Mường Thọ Liên, thời trẻ ông Của cũng muốn nhập ngũ vào Nam đánh Mỹ. Song phần do nhà neo đơn, phần cũng có người khuyên "ở nhà làm tốt công tác hậu phương cũng là tiếp lửa cho tiền tuyến", ông bằng lòng ở lại.
 
Năm 1967, ông lập gia đình với người phụ nữ cùng bản rồi sinh được 6 người con (4 trai, 2 gái). Từng làm Đội phó Đội sản xuất nông nghiệp của Nông trường Kiên Thọ, khi nông trường giải thể, ông xin nhận khu đồi Gò Mả rộng 4 ha toàn cỏ lau để khai phá sản xuất. Cũng từ ngày ấy, vợ chồng con cái bồng bế nhau lên lưng chừng đồi, dựng một túp lều để ở, ngày ngày ăn củ sắn, bắp ngô, rau rừng cùng nhau cải tạo đất hoang.
 
Đỉnh đồi ông trồng tre, nứa, lim vang, tổ sản, trà khế, gỗ ngát… Dưới chân đồi, ông cấy lúa nương, cung cấp lương thực cho gia đình. Ông kể, bây giờ cây cối um tùm thế chứ cách đây mấy chục năm chỉ toàn cây dại. Cả gia đình ông đã bỏ biết bao công sức, ngày đêm khai phá quả đồi này, từ việc san lấp mặt bằng, cải tạo đất đến nhổ cây dại, ươm trồng vầu, tre, luồng...
 
Hai mươi năm sau, khi gia đình ông Của bắt đầu phủ xanh ngọn đồi hoang cũng là lúc đàn cò lửa từ phương nam bay về làm tổ. Ban đầu chỉ có dăm chục con, dần dần chúng kéo về đàn đàn lũ lũ. Hết cò lửa lại đến cò bợ, rồi vạc, sếu...
 
Một điều lạ là xung quanh đồi Gò Mả có rất nhiều cây cối nhưng không có bóng dáng con cò nào. Ông giải thích cò tuy là động vật nhưng cũng không khác con người, nơi nào bình yên thì chúng mới đến sinh sống. “Mấy tháng gần đây có cả loài cò biển (giống như sếu), rồi bìm bịp, khiếu, họa mi… kéo về nhiều lắm. Nói như các cụ ta thì đất có lành, cò mới đậu”, ông Của giới thiệu khu vườn chim của mình.
 
Không ai trả tiền hay thuê mướn nhưng đều đặn mỗi ngày, người đàn ông tuổi thất thập với nước da ngăm đen, thân hình rắn chắc như cây lim rừng lại đứng trên triền dốc đầu căn nhà gác “đếm cò”. Chỉ tay về phía khu rừng, ông Của bảo “đàn con hoang của tôi đang về nhà đấy”. Khi cả khu rừng im ắng, biết “đàn con hoang” đã tìm được chỗ ngủ, ông mới đi về căn lều lo bữa tối cho mình.
 
Ông Của bảo, từ ngày có đàn cò về tự nhiên ông lại thêm việc... không công. Ngoài việc ruộng nương, ông phải lãnh thêm trách nhiệm trông nom, bảo vệ vườn cò. Bà Liên, vợ ông góp chuyện: “Đi đâu thì chớ, chứ cứ về đến nhà là ông phải mò lên vườn cò ngay. Có bận ốm thập tử nhất sinh, ông bỏ ăn mấy ngày nhưng vẫn bắt con cháu dìu lên vườn ngắm chim rồi mới chịu về nhà”.
 
Ngoài cò, khu vườn còn rất nhiều loại chim quý như sếu, vẹt... Ảnh: Lê Hoàng.
 
Gần 30 năm gắn bó với lũ chim trời, ông cụ hiểu rõ đặc tính của từng loài, nhất là cò. “Từ tháng 3 cho đến tháng 5 là thời gian cò đẻ, ấp trứng. Đến tháng 8 thì cò bố mẹ bắt đầu đưa con đi tập bay, tập kiếm mồi. Thời điểm đầu đông cũng là lúc lũ cò bớt đi xa mà chủ yếu trú ngụ tránh rét”, ông Của nói và cho biết thêm cò thường sống rất đoàn kết, khi đi kiếm mồi thì theo đàn để hỗ trợ, bảo vệ nhau, song chúng cũng sống cặp đôi chung thủy như người. Mỗi tổ là một cặp vợ chồng. Mỗi lứa chúng đẻ 2-5 quả trứng...
 
Vô tình có người hỏi đùa “thịt cò ăn chắc ngon lắm”, không ngờ ông chuyển sắc mặt rồi cáu: “Tôi không bao giờ ăn thịt cò cả”. Cậu con trai ông kể: "Cò này chỉ... hấp bia là ngon, nhưng bố tôi không bao giờ ăn món này đâu. Có lần đi đám cưới trong làng, thấy có đĩa thịt cò, ông bỏ về liền”.
 
Sau bữa cơm tối đạm bạc, đang ngồi uống nước chè trong căn lều giữa đồi thì bất ngờ nghe có tiếng “oéc oéc oéc...” từ đồi cò phát ra. Nhanh như cắt, ông Của vớ con dao đi rừng dựng ở góc nhà, nhặt chiếc đèn pin rồi mở cánh liếp sau chạy lên đồi. Mấy anh con trai cũng theo sát bố.
 
Trên ngọn đồi, đàn cò bay nháo nhác, phía cây lim đang có mấy bóng đen dùng sào chọc khiến đám cò hoảng loạn, đập cánh rào rào. Mấy người con trai ông lặng lẽ tỏa ra, bao vây nhóm người đang trộm cò. Những bóng đen thấy động, hò nhau chạy thục mạng.
 
Trở lại căn lều, ông cụ bảo, mấy năm trước đồi cò thường xuyên phải đặt trong tình trạng báo động. Vì thấy ở đây nhiều cò, bọn trộm thường kéo đến kiếm ăn. Cứ đêm xuống hoặc trưa nắng là họ lại vượt đồi vào dùng súng săn, súng cao su bắn hạ cò, rồi rung cây cho cò non rơi xuống. Ông nghe chúng kháo nhau “cò này mà đem xáo măng, hoặc hấp bia làm mồi nhậu thì... tuyệt cú”. Giận tím mặt, ông thề sẽ trừng trị bọn trộm cò!
 
Có bận vì mải “chiến đấu” với tụi trộm mà ông Của suýt bỏ mạng trên sườn đồi. Ông kể, đêm ấy đang ngủ bỗng nghe có tiếng cò gọi nhau oang oác như có người phá tổ. Ngồi bật dậy, nhìn lên đồi thì có ánh đèn pin loang loáng, ông vừa gọi các con lên rừng, vừa hô hoán dân làng đến giúp đỡ, quyết một phen sống mái với chúng. Khi mọi người kéo lên, nhóm người xấu lặng lẽ rút. Tưởng thế là xong, nhưng trưa hôm sau, một toán khoảng 12 người tiếp tục vào săn bắt cò. Lúc này, chỉ có mình ông ở nhà, các con và dân làng đều ra đồng. Vội vàng ông vác theo con dao phát lên rừng.
 
"Lên đồi thấy những thân cò non đang nằm dưới đất, bố mẹ chúng đã chết bởi những phát súng của đám săn trộm, tôi hét lên không được bắt cò của tao. Nhưng có tiếng người đáp lại “cò này là của trời, không phải của nhà mày”. Tôi lao vào giằng lấy súng của bọn chúng. Một đứa quát lên, “đánh chết lão vua cò đi, ngày mai tha hồ mà săn cò”, ngay lập tức một tên trong nhóm đã dùng báng súng đập vào đầu tôi. Tôi loạng choạng ngồi bịch xuống vườn cò, sờ tay lên trán thấy máu chảy đỏ cả bàn tay”, ông lão nhớ lại.
 
Không còn sức để chống cự, ông tìm chỗ cao hô to “bà con ơi, bọn xấu nó giết hết cò rồi”. Nghe tiếng hô vọng ra từ đồi cò, dân làng đang cấy lúa ở cánh đồng gần đó chạy lên giải thoát cho ông. Sau vụ đó, ông ốm liệt cả tháng trời.
 
Cả đời gắn bó với nghiệp “nuôi chim trời”, ông Của chứng kiến khá nhiều thăng trầm của đồi cò. Ông kể, dạo đường Hồ Chí Minh mở qua khu nhà ông, theo quy hoạch ban đầu thì tuyến đường sẽ đi qua giữa đồi Gò Mả. Nhiều đêm ông thức trắng suy tính. Sáng hôm sau, ông đạp xe lên tận huyện hỏi xem kế hoạch có thay đổi gì không.
 
“Đến khi biết con đường sẽ được nắn lại cách đồi cò chừng vài trăm mét, tôi sung sướng lắm. Thời gian thi công tuyến đường, những quả mìn phá núi làm chấn động cả một vùng. Khi ấy tôi chỉ lo đàn cò sẽ bỏ mình mà đi...”, ông kể. Thời điểm ấy cứ buổi chiều, ông lại ngửa mặt lên trời mong ngóng từng cánh cò bay về như những người bạn tri kỷ đợi nhau. Thật may, sau khi tuyến đường hoàn thành, cò lại trở về xôm tụ như trước.
 
"Vua cò" Phạm Văn Của và vợ. Ảnh: Lê Hoàng.
 
Nghe tin ông có khu vườn quý, nhiều đại gia từ Hà Nội, Hải Phòng... tìm về gạ mua với số tiền lớn, có người không ngần ngại ngã giá vài ba tỷ đồng, nhưng trước sau như một, ông quyết không bán “đàn con” của mình. Có lần, khi vừa đi thăm lũ chim về, ông thấy chiếc ôtô sang trọng đậu gần khu lán, mấy người bước xuống đặt vấn đề muốn mượn đồi cò của ông để làm khu du lịch sinh thái. Họ hứa trả ban đầu một tỷ đồng, sau nếu làm ăn có lãi sẽ trả thêm.
 
“Cả đời tôi chưa bao giờ được sờ tới món tiền vài chục triệu chứ chưa nói đến số tiền khổng lồ đó. Dân bản biết chuyện đều khuyên tôi nên bán gấp, kẻo người ta thay đổi ý định. Nhưng tôi nghĩ nát nước rồi, tiền thì bao nhiêu cũng tiêu hết thôi. Ai biết được họ sẽ làm gì trên mảnh đất của tôi. Rồi khi ấy, số phận đàn cò này sẽ ra sao?”, ông nói và chốt lại ngắn gọn: “Thà gia đình tôi đói chứ không thể nhượng đồi cò cho người khác được. Cho dù họ có trả 10 tỷ đồng, tôi cũng nhất quyết không bán!”.
 
Được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, huyện và ngành kiểm lâm vì thành tích bảo vệ và phát triển cây lâm nghiệp, bảo vệ đàn cò, song ông Của vẫn còn nhiều trăn trở. “Mấy lần tôi gửi đơn lên huyện xin hỗ trợ kinh phí để lập dự án bảo vệ đồi cò, nhưng không thấy hồi âm gì cả. Nhiều cơ quan về thăm, họ làm hồ sơ nhưng cũng chỉ để đấy. Thân lão già rồi cũng chả trông nom cò mãi được, muốn Nhà nước hỗ trợ, lập quy hoạch lại cho đàn cò sống yên ổn, mình có chết cũng thanh thản”, ông chủ đảo cò nói.
 
Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc, ông Bùi Trung Anh, cho biết đồi cò của gia đình ông Của tồn tại suốt nhiều năm nay. Trong khu rừng này, ngoài các giống cò còn có khá nhiều chim quý. Sau khi khảo sát đánh giá thực tế, huyện đã có báo cáo gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị có phương án khoanh nuôi bảo vệ khu vườn, tuy nhiên phía Sở Nông nghiệp đang yêu cầu phải lập đề án cụ thể.
“Trước mắt, chúng tôi đã chỉ đạo chính quyền địa phương phối hợp với gia đình cụ Của tích cực bảo vệ nhằm giữ nguyên trạng đảo cò. Trong thời gian tới có thể tính đến phương án khai thác du lịch sinh thái kết nối với Khu di tích lịch sử Lam Kinh vì khu rừng nằm ngay gần khu vực di tích này”, ông Anh cho hay.

 

(Nguồn: VnExpress)