Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Người trẻ chưa thực sự được coi trọng

(07:58:08 AM 30/11/2012)
(Tin Môi Trường) - Đó là nhận xét của Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Đặng Công Luận tại Hội nghị về nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011- 2020


Hội nghị do Bộ Nội vụ phối hợp Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam tổ chức ngày 28.11 tại Hà Nội.

Đánh giá thiếu khách quan

 

Đại diện cho địa phương có 37,3% dân số tuổi từ 16 đến 30, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Đặng Công Luận nhận xét: “Thực tiễn chứng minh thời gian vừa qua nhận thức về công tác thanh niên (TN) còn khá nhiều hạn chế và chưa đúng cả trong đội ngũ cán bộ đảng viên lẫn các tầng lớp nhân dân”.

 

 
Cần lấy ý kiến thanh niên khi hoạch định chính sách - Ảnh: Ngọc Thắng

 

Một trong những hạn chế yếu kém về việc lãnh đạo công tác này được ông Luận chỉ ra là một số cấp ủy Đảng chưa quan tâm đúng mức. Việc đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng về công tác TN không kịp thời. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ trẻ chưa thực sự được coi trọng… Thiếu những chính sách nhất quán, đồng bộ, lâu dài và cụ thể để bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng tài năng trẻ; việc thực hiện chiến lược phát triển TN còn hạn chế.

 

Đáng chú ý, theo ông Luận, công tác TN thường nặng về sử dụng, khai thác mà thiếu định hướng giáo dục đào tạo và thiếu quan tâm đến các lợi ích chính đáng của người trẻ. Đánh giá về TN còn thiếu khách quan toàn diện mà nặng về chủ quan, phiến diện, tùy tiện và cá nhân. “Ở một số nơi người trẻ chưa được coi là động lực phát triển của xã hội, của sự nghiệp CNH - HĐH đất nước, do đó vai trò của họ còn mờ nhạt, chưa được đảm nhận trách nhiệm trong cuộc bàn giao thế hệ đảm đương sứ mệnh lịch sử của họ”, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM nhấn mạnh.

 

 

 

Nhà nước ban hành nhiều chính sách cho TN, nhưng trên thực tế một số địa phương, bộ ngành vẫn chưa quan tâm nhiều

 

Lê Thị Phương Nam
Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa - Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của QH


Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa - Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của QH Lê Thị Phương Nam cũng nhìn nhận: “Nhà nước ban hành nhiều chính sách cho TN, nhưng trên thực tế một số địa phương, bộ ngành vẫn chưa quan tâm nhiều. Nhiều vấn đề về TN còn chậm được giải quyết, như công tác dạy nghề và giải quyết việc làm còn chưa gắn với nhu cầu thực tế, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm còn cao; nhu cầu về đời sống vật chất, văn hóa tinh thần, vui chơi giải trí chưa được đáp ứng đầy đủ”.

 

 Còn theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, Chiến lược phát triển TN Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt được 1 năm, nhưng đến thời điểm này, vẫn còn 24 bộ, ngành và 12 địa phương chưa ban hành chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện và gửi về Bộ Nội vụ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng.

 

Cần lắng nghe thanh niên

 

Theo ông Đặng Công Luận, để thực hiện có hiệu quả chiến lược, TP đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc xây dựng cơ chế, chính sách phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, bố trí và trọng dụng tài năng trẻ, cả tài năng trẻ học tập, công tác, sinh sống ở nước ngoài trở về tham gia xây dựng TP.

 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Lê Văn Dung đề xuất cần sửa đổi luật TN năm 2005, quy định rõ và tách bạch giữa quyền và nghĩa vụ của TN; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc chủ trì, phối hợp để tổ chức triển khai thực hiện các quy định của luật này. Ông Dung nhấn mạnh: “Cần bổ sung thêm các quy định chế tài để đưa luật vào cuộc sống”.

 

Tại hội nghị, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền Phạm Công Tố đề xuất 3 nhóm vấn đề TN mong muốn, trong đó có vấn đề việc làm. “Người trẻ mong muốn có chính sách việc làm phù hợp và được tiếp cận với các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu công việc. Giáo dục hướng nghiệp phải được bắt đầu ngay trong các nhà trường phổ thông để học sinh chuẩn bị tốt hơn trước khi rời ghế nhà trường”, Công Tố kiến nghị.

 

Tuy nhiên, điều mà giới trẻ mong muốn nhất, theo Phạm Công Tố, là được lắng nghe, được hỏi nhiều hơn, có cơ hội được nói nhiều hơn với các cấp ngành, chính quyền.

 

Đây cũng là một trong những nội dung Ủy ban Văn hóa - Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của QH đề xuất. Ủy ban này đề nghị tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội và có biện pháp sử dụng các kênh thông tin của các tổ chức, cá nhân (nhất là giới trẻ) đối với việc xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách đối với TN. Tổ chức cho TN tham gia xây dựng chính sách thông qua các hình thức lấy ý kiến rộng rãi của lực lượng này vào các dự thảo chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật để từ đó TN chủ động tham gia vào quá trình này, gắn kết chính sách với cuộc sống.

 

Hơn 70% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp?

 

Tại hội nghị, đại diện Bộ LĐ-TB-XH cho hay hơn 70% học sinh, sinh viên tìm được việc làm hoặc tự tạo được việc làm ngay khi tốt nghiệp; ở một số nghề và một số trường nghề, tỷ lệ này đạt trên 90%. Về tiền lương, thu nhập, mức lương khởi điểm bình quân của một sinh viên sau khi tốt nghiệp đạt 3 - 3,5 triệu đồng/tháng, trong đó mức lương khởi điểm cao nhất là 5 triệu đồng/tháng, mức khởi điểm thấp nhất không dưới 2 triệu đồng/tháng.

 

(Nguồn: TNO)