Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Sự việc bắt đầu diễn ra khi một số hộ dân thuộc các xã Gia Canh, Phú Vinh, Phú Lợi (Định Quán, Đồng Nai) đứng ra thu mua lá điều khô với số lượng lớn. Các chủ đầu nậu trong vùng đứng ra mua lá điều khô với giá từ 800 – 1.000 đồng/kg rồi mang bán cho các thương lái từ xa khiến cơn sốt săn lùng lá điều ngày càng lên cao. Thấy lá khô bỗng dưng có thể tăng thu nhập nên hàng vạn người dân tại các xã này đã đổ xô đi quét, nhặt mang về bán.
Một người dân quét lá điều cho biết: “Từ tháng 10 đến tháng 12 là lúc lá điều vào thời điểm rụng lá. Các năm khác thì người dân chỉ biết để cho lá mục rũ rồi bón cho cây. Năm nay có nhiều người thu mua nên tranh thủ thu gom bán lấy tiền”.
Cơn sốt săn lá điều khô đã khiến các thôn vùng cao “dậy sóng”. Tuy nhiên, ngay cả người bán và người mua cũng không biết số hàng hóa đó được dùng vào mục đích gì. Chị Vũ Thị Hiệu (33 tuổi) ngụ Ấp 3 xã Gia Canh cho biết: “Thấy họ mua thì mình cũng gom lá rồi mang đi bán, mình cứ cố gắng tìm thật nhiều để bán còn họ dùng vào mục đích gì thì mình cũng chẳng quan tâm”. Chị Hiệu cho biết thêm, mỗi ngày chị có thể thu gom được gần 50kg lá điều khô. Hết trong vườn thì đi sang rẫy của người khác xin hoặc gom trộm.
Tại một đại lý thu mua lá điều có tên Hai Mỳ ở xã Gia Canh, hàng chục tấn lá điều khô được chất đống hai bên sân. Người trực tiếp mua lá của người dân cho biết, số lượng lá khô trên sân đã lên tới 70 tấn nhưng vẫn chưa thể xuất hàng vì phía thương lái ở TP Hồ Chí Minh vẫn chưa lên lấy.
Việc thu mua lá điều khô đã khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị xáo trộn. Những người không có công ăn việc làm, không có rẫy thì đi “săn lùng” gom lá về bán. Những hộ dân có rẫy điều thì ngày đêm phải ráng sức canh giữ vì cho rằng đó là tài sản có giá. Chị Nguyễn Thị Đào (49 tuổi) tỏ vẻ ái ngại: “Gần một tháng trở lại đây, người lạ xuất hiện và gom trộm lá khô rất nhiều. Thấy mình thì họ xin, mình không cho thì họ bỏ đi và chốc lát lại quay trở lại tìm mọi cách để thâm nhập vườn điều. Mình chỉ sợ khi không trực tiếp canh giữ được thì họ gom lá khô rồi tiện tay bẻ luôn cành tươi”.
Sự việc diễn ra đã gần 1 tháng nay tuy nhiên đến thời điểm hiện tại chính quyền chức năng vẫn chưa thể tìm ra mục đích của việc thu mua lá điều. Ông Nguyễn Xuân An - Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Canh - cho biết: “Hiện chúng tôi chưa thể nắm được thông tin gì về mục đích của việc thương lái thu mua lá điều. Một số thông tin cho rằng lá điều được xuất ra nước ngoài nhưng chúng tôi vẫn chưa thể nắm được thông tin này”.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Phạm Bá Lợi, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Định Quán, cho biết: “Hiện tại chúng tôi cũng đang vào cuộc để tìm hiểu vụ việc. Trước mắt chúng tôi tiến hành phối hợp, gửi công văn tới các ban ngành liên quan để rà soát và tìm hiểu sự việc. Đồng thời tuyên truyền, khuyến cáo đến mọi người dân cần cẩn trọng với việc thu gom lá điều khô đem bán”. Ông Lợi cho biết thêm, đây là sự việc khá đặc biệt năm nay mới xuất hiện.
Hiện tại, huyện Định Quán có gần 10.000 ha điều. Năng suất bình quân đạt 1,2 - 1,5 tấn/1 năm. Đây là vùng có điều kiện khí hậu khô nóng nên việc gom lá điều khô có thể khiến đất trồng bị thiếu mùn và độ ẩm dẫn đến năng suất hạt điều bị giảm.