Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Những sáng chế bất ngờ của các nông dân không bằng cấp

(09:40:14 AM 29/11/2012)
(Tin Môi Trường) - Mới đây báo chí có bài viết một thanh niên nông thôn ở thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) chế tạo thành công máy đóng đất vào bao ni lông giúp nông dân tiết kiệm công sức, thời gian cho công tác gieo trồng giống cây mới.

Vậy là đã có hàng chục nông dân ở Lâm Đồng (trong đó có những người chỉ học chưa hết tiểu học) có sáng kiến chế tạo, cải tiến các loại máy nông cụ phục vụ chăn nuôi, sản xuất… Họ đã làm thay được rất nhiều thạc sỹ, tiến sỹ về khoa học ứng dụng thiết thực phục vụ sản xuất. 

                                                               Ảnh minh họa.

Mở đầu cho phong trào "nhà khoa học chân đất" ở Lâm Đồng là "hiện tượng" Nguyễn Văn Nam – một nông dân học chỉ đến lớp 8 ở huyện Cát Tiên - chế tạo thành công và trình làng máy gặt lúa vào năm 1995. Đến năm 2002, tại xã Đa Sar (huyện Lạc Dương), anh Rơ Ông Ha Tang - một người nông dân K’Ho chỉ học chưa hết bậc tiểu học đã biết tận dụng những vật liệu sẵn có như mô – tơ máy bơm nước, tôn, sắt có trong gia đình lắp ráp thành công máy tẽ bắp (rã hạt ngô sau khi thu hoạch).

Sáng chế này của Ha Tang giúp người nông dân rã được 8 tạ ngô/ngày, công suất bằng 15 người lao động thủ công. Cũng trong khoảng thời gian này, tại xã Đạ Ròn (huyện Đơn Dương), Nguyễn Văn Xưởng - một thanh niên làm nghề sửa chữa xe gắn máy đã nghiên cứu, chế tạo thành công máy băm cỏ phục vụ nghề nuôi bò sữa. Sáng chế của Xưởng đã giúp nông dân nuôi bò sữa trong vùng tiết kiệm được 9/10 thời gian băm cỏ thủ công và tiết kiệm tối đa số lượng lao động vì chỉ cần một người vận hành máy băm cỏ voi (một loại cỏ tốt như cây mía, chuyên dùng để nuôi bò sữa) có thể chăm sóc, nuôi dưỡng tới 10 con bò, trong khi trước đó hộ nuôi bò sữa phải cần tối thiểu 4 lao động. 

Cũng tại huyện Đơn Dương, trong năm 2012 này, tiếp tục xuất hiện “hiện tượng" Nguyễn Hồng Chương ở xã Lạc Lâm cũng chỉ học hết lớp 8 nhưng đã liên tục cho ra đời những sáng chế máy nông cụ thiết thực. Tính đến nay, cơ sở máy nông nghiệp của anh Chương đã bán ra thị trường hàng trăm lượt máy nông nghiệp…. Anh Chương cho biết: “Do các máy này được thiết kế có bánh xe nên di chuyển dễ dàng trên mọi địa hình và vì thế được thị trường rất ưa chuộng”. Đáng nói hơn khi cách đây gần hai tháng, cơ sở Hồng Chương đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên gồm 5 máy gieo hạt, 5 máy dồn đất vào vỉ xốp có tổng trị giá 25.900 USD (trên 500 triệu đồng) sang Malaysia. 

Đến nay, hầu hết các huyện, thành tại Lâm Đồng đều đã xuất hiện những nông dân mò mẫm rồi sáng chế ra các loại máy, thiết bị nông cụ phục vụ sản xuất, chăn nuôi. Những người nông dân này đều không hoặc chưa được trải qua các lớp đào tạo bài bản, thậm chí có những người chưa có nổi cả tấm bằng tốt nghiệp tiểu học. Họ tìm tới việc nghiên cứu, mày mò, chế tạo và rồi thành công chỉ xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đặt ra: gia đình, vợ con quá vất vả và hiệu quả canh tác, sản xuất hay xử lý sau thu hoạch không cao. Như trường hợp cậu học trò Hoàng Anh Tùng (sinh năm 1992, ở xóm 7, xã Hoằng Lương, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa), thi trượt đại học trong mùa tuyển sinh vừa qua nhưng đã có sáng kiến chế tạo thành công máy chống điện giật. Chỉ vì liên tục chứng kiến bố mình bị điện giật trong cơ sở sửa chữa điện tử của gia đình, thương bố mà Tùng tìm đến với sáng tạo và đã thành công.

(Nguồn: TTXVN)