Ảnh minh họa
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 trả lời:
Trong y học cổ truyền, người ta thường chỉ dùng hoa, quả, hạt và lá cây mướp đắng để làm thuốc.
Hoa chữa đau dạ dày và đau mắt; quả xanh tính lạnh vị đắng, có công dụng thanh nhiệt giải thử, minh mục thanh tâm, được dùng để chữa bệnh lỵ, đau mắt đỏ, đau họng, mụn nhọt, rôm sẩy, say nắng, đái đường, hỗ trợ trị liệu ung thư...
Quả chín vị ngọt tính bình, có công dụng dưỡng huyết tư can, kiện tỳ bổ thận. Hạt vị đắng ngọt, có tác dụng tăng lực, cường dương. Lá chữa mụn nhọt và mệt mỏi do lao động quá sức.
Một số vùng ở Trung Quốc còn dùng quả mướp đắng phối hợp với rau cần tây để trị cao huyết áp.
Theo sách vở và kinh nghiệm thực tế vốn có, chưa từng nghe thấy việc dùng dây gốc mướp đắng để chữa cao huyết áp. Nhưng kiến thức dân gian vô cùng phong phú nên những gì bác mách cũng có thể là một gợi ý rất hay để các thầy thuốc tìm ra một loại dược phẩm hạ áp mới.