Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ngày 11/11, hai tổ chức quốc tế này đã công bố nghiên cứu chung dày 250 trang nhan đề “Thảm họa tự nhiên và phi tự nhiên: Hiệu quả kinh tế của các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.”
Nghiên cứu nhấn mạnh mỗi năm, bão lũ và lốc nhiệt đới, hệ quả của tình trạng biến đổi khí hậu, sẽ gây thiệt hại cho thế giới từ 28 tỷ-68 tỷ USD. Số người bị tác động của các trận bão và động đất ở các thành phố lớn sẽ tăng gấp đôi, lên tới 1,5 tỷ người vào năm 2050. Nghiên cứu khuyến cáo các nước cần chú trọng tới các biện pháp phòng ngừa nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai.
Liên hợp quốc và WB đã đề nghị hàng loạt các biện pháp phòng ngừa thiệt hại về người và của như chính phủ tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin về các nguy cơ và hiểm họa, khuyến khích đầu tư vào hạ tầng, điều chỉnh thói quen chi tiêu…Đây là các biện pháp không đòi hỏi những khoản chi ngân sách quá lớn nhưng mang lại hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, Chủ tịch WB, ông Robert B. Zoellick, nêu rõ nghiên cứu chung của Liên hợp quốc và WB cung cấp bằng chứng cần thiết và thuyết phục, giúp các nước ý thức rõ hơn về công tác phòng ngừa thiên tai để thúc đẩy phát triển hiệu quả và bền vững. Hai tổ chức này sẵn sàng hỗ trợ các nước đang phát triển nằm trong khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai. Theo số liệu của nghiên cứu này, trong 40 năm qua đã có 3,3 triệu người trên thế giới chết vì thiên tai, trong đó có tới 1 triệu người ở châu Á.
Thiệt hại vật chất do thiên tai giai đoạn 1990-2008 lên tới 2.300 tỷ USD, trong đó các nước nghèo bị thiệt hại nặng nề nhất.
Liên hợp quốc khẳng định nghiên cứu này sẽ giúp các nước hiểu hơn về giá trị gia tăng của các chính sách giảm nguy cơ xảy ra thiên tai để từ đó đầu tư nhiều hơn vào các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là các hệ thống cảnh báo sớm và dự báo thời tiết.