Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Theo Bộ Công thương, các hồ chứa thủy điện ở miền Trung không có tác dụng cắt, chống lũ. Ảnh: Thiên Lý.
Hội thảo về công tác vận hành hồ chứa thủy điện ngày 13/11 tại Bộ Công thương có sự hiện diện của nhiều nhà máy thủy điện lớn từ Bắc tới Nam như Hòa Bình, Yaly, A Vương, Ba Hạ... Trong đó, trường hợp thủy điện Ba Hạ (Phú Yên) xả lũ sai quy trình vào đầu tháng 11 vừa qua được đem ra mổ xẻ nhiều nhất.
Ông Võ Văn Tri, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện sông Ba Hạ cho biết, trước khi xả lũ đã cử cán bộ thông báo cho UBND tỉnh. "Nhưng do fax không được, gọi điện cũng không, sau đó cán bộ này bận tham gia tại đập tràn nên không có báo cáo UBND tỉnh", ông Tri giải thích đồng thời thừa nhận đó là "sơ suất của nhà máy".
Chia sẻ với người đồng nghiệp, ông Nguyễn Trâm, Tổng giám đốc thủy điện A Vương (Quảng Nam) khẳng định "bản thân hồ thủy điện không tạo ra lũ". Khi có lũ, hồ bao giờ cũng xả ra lượng ít hơn lưu lượng từ thượng nguồn đổ về. Dẫn lại việc xả lũ năm 2009, ông Trâm cho biết, lúc đó A Vương nhận lượng nước về là 4.200 m3 mỗi giây song chỉ xả 2.600 m3.
"Nếu A Vương không ngăn thì nước cũng về xuôi song chúng tôi lại mang tiếng là xả lũ gây ngập huyện Đại Lộc. Đến khi lũ qua đi, chúng tôi tổ chức 18 hội nghị ở các xã để mời dân chứng kiến lại mô hình xả lũ thì người dân hiểu ra và đồng tình", ông Trâm nói.
Đại diện cho chính quyền tỉnh Phú Yên, ông Đào Tấn Cam, Giám đốc Sở Công thương tự giới thiệu rằng mình "không có cổ phần trong bất cứ nhà máy thủy điện nào nên sẽ khách quan phát biểu". Theo ông, quy kết thủy điện Ba Hạ không tuân thủ quy trình vận hành liên hồ là "oan cho Ba Hạ".
"Ba Hạ có báo cáo cho Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh và nhắn tin vào cả di động của tôi. Hơn nữa, quy định về liên hồ mới có hiệu lực trước ngày Ba Hạ xả lũ có vài ngày, ngay tôi cũng chưa đọc thuộc, phải vừa đi đường vừa đọc", ông Cam nói.
Cũng theo ông Cam, lưu lượng nước sông Ba Hạ 9,7 tỷ m3, còn hồ chứa thủy điện Ba Hạ chỉ hơn 300 triệu m3 nên chức năng hồ này chỉ như đập thủy lợi Đồng Cam (cũng của tỉnh Phú Yên). Tuy nhiên, đập Đồng Cam không có cửa xả mà lũ chảy tràn qua nên không ai đổ lỗi. "Có lẽ tại thủy điện Ba Hạ có cửa xả nên nói thủy điện xả lũ", ông Cam so sánh.
Ý kiến này được ông Đỗ Đức Quân (Vụ phó Vụ Năng lượng, Bộ Công thương) thừa nhận. Theo ông, với dung tích hồ chứa, thủy điện Ba Hạ không có tác dụng phòng, chống lũ. Đây cũng là thực trạng chung của hầu hết các hồ thủy điện ở miền Trung do đặc điểm của địa hình.
"Ở miền Trung thì chiến lược đối phó với lũ là phòng tránh và thích nghi chứ trông chờ vào thủy điện để giảm lũ là không thực tế", ông Quân nói.
Đại diện hiếm hoi cho đơn vị có chức năng giám sát, ông Cao Anh Dũng , Phó cục trưởng Cục An toàn công nghiệp, (Bộ Công thương) khẳng định, việc đóng mở cửa xả hồ thủy điện sông Ba Hạ vừa qua được thực hiện nghiêm túc theo quy trình được duyệt. Thiếu sót duy nhất là không báo trước cho UBND tỉnh mà chỉ mới thông báo cho Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương và Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh.
"Nhiều người hỏi tôi sai thế thì phạt thế nào. Nhưng đến nay chưa có quy định xử phạt với quy trình vận hành liên hồ nên chúng tôi rất khó nói", ông Dũng cho hay.
Cũng theo ông, quy định về vận hành liên hồ mới chỉ có ở ba lưu vực sông (là sông Đà - Lô - Gâm, sông Ba và sông Thu Bồn), còn lại 7 lưu vực sông khác chưa có nên cần sớm hoàn thành. Ông Dũng cũng đề nghị xây dựng quy định xử phạt nếu vận hành sai.
Ghi nhận các ý kiến, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, khẳng định, các nhà máy thủy điện đã đóng góp lớn cho sự phát triển của kinh tế đất nước. Đối với công tác cắt, chống lũ, ông Vượng cho rằng, trường hợp ở thủy điện Ba Hạ vừa qua chỉ là sơ suất nhỏ.
"Nếu không có hồ thủy điện, lũ lụt vốn đã rất nghiêm trọng thời gian qua có thể còn nặng nề hơn", ông Vượng nói.
Để làm tốt hơn nhiệm vụ này, Thứ trưởng Vượng lưu ý các chủ hồ thủy điện phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hồ chứa, phối hợp với địa phương, với các hồ trên cùng lưu vực. Ngoài ra, chủ các hồ có mặt trong thành phần Ban chỉ huy phòng chống lụt bão địa phương, rút kinh nghiệm của thủy điện A Vương để cung cấp thông tin cho người dân...
Mặc dù vậy, lãnh đạo Bộ Công thương cũng thừa thừa nhận thực trạng có những nhà máy thủy điện nhỏ hoạt động không hiệu quả nhưng lại gây ngập lụt cho hạ du.. "Nhà máy thủy điện công suất vài MW mà gây ngập cả trăm ha thì phải có giải pháp, nếu cần phải loại khỏi quy hoạch", ông Vượng nói.
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương:
"Các hồ thủy điện ở miền Trung như A Vương, Ba Hạ mới có hai, ba năm nay. Lũ năm 1999 lúc chưa có hồ thì đổ cho ai? Tôi không bào chữa nhưng chưa khách quan nếu đổ lỗi cho các hồ".
Theo ông Nguyễn Bá Lộc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ngày 2/11, hồ thủy điện Sông Ba Hạ đã xả lũ không theo quy trình do Thủ tướng quy định. Theo đó, trước khi xả lũ cường độ lớn (có thời điểm hơn 6.000 m3 một giây), đơn vị này đã không báo cáo UBND tỉnh, gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành di dời dân. |