Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Một đoàn công tác trung ương thị sát thủy điện Sông Tranh 2 giữa tháng 11-2012 - Ảnh: Đăng Nam |
Theo ông Tuấn, khi được triệu tập, ông và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh đã tức tốc lên đường ra Hà Nội ngay trong đêm 20-11.
Ông Trần Anh Tuấn đã báo cáo với Thủ tướng về tình hình ở địa phương và diễn biến toàn bộ vụ việc từ khi xảy ra trận động đất đầu tiên vào tháng 10-2011.
Chưa biết số phận con đập
“Tôi đã nói rõ với Thủ tướng về tình hình động đất, tình hình khốn khó của người dân tái định cư, tác hại của việc động đất đang gây hoang mang cho người dân và chính quyền sở tại như thế nào” - ông Tuấn nói.
Sau khi nghe báo cáo tình hình con đập của các bộ, ngành trung ương, Thủ tướng vẫn chưa có quyết định cuối cùng về số phận của đập. Theo ông Tuấn, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục rà soát đánh giá toàn bộ tình hình động đất và các tác động xung quanh nó để từ đó ra quyết định về tích nước hay không tích nước với thủy điện Sông Tranh 2.
Huyện xin không tiếp... khách trung ương nữa
Là một huyện nghèo, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, ngân sách huyện phụ thuộc vào sự sẻ chia của cấp tỉnh, huyện không có khách sạn, nhà khách huyện đã xuống cấp từ lâu, nên việc khách khứa từng đoàn kéo đến không thể không gây khó khăn cho chính quyền huyện Bắc Trà My thời gian qua. Việc tiếp khách của chính quyền huyện Bắc Trà My càng trở nên khó khăn, vất vả hơn từ khi thủy điện Sông Tranh 2 gặp sự cố.
Trận động đất đầu tiên xảy ra vào tháng 10-2011, động đất chưa yên thì báo chí phát hiện sự cố rò rỉ nước ở chân đập thủy điện, ngay sau đó các đoàn chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu, Viện Khoa học công nghệ VN, Viện Cơ học, đoàn Ủy ban Dân tộc của Quốc hội cũng vào cuộc. Sau các viện là đoàn của các bộ, ban, ngành trung ương cũng rầm rập vào hiện trường: Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực VN...
Đó là chưa kể hàng chục đoàn cán bộ lãnh đạo từ sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Nam về làm việc. Ngoài ra, nhiều đoàn chuyên gia của nước ngoài cũng đã đến địa phương để nghiên cứu, làm việc. Đặc biệt, trong đó có rất nhiều đoàn đến đây nhiều lần như đoàn của Viện Vật lý địa cầu, Hội đồng nghiệm thu nhà nước...
Đỉnh điểm của vụ việc được đẩy lên khi tình hình động đất tiếp tục tái diễn từ đầu tháng 9-2012 đến nay. Hết đoàn của các bộ, ngành rồi chuyên gia đến và đi liên tục. Những đoàn xe hàng chục chiếc mang biển số xanh nối đuôi nhau chạy qua các bản làng. Tuy nhiên, vụ việc đến nay vẫn chưa có lời giải đáp cuối cùng.
Những chuyện khó khăn có phần “tế nhị” lần đầu tiên được lãnh đạo chính quyền huyện đề cập. Chiều 20-11, tại cuộc họp với chính quyền tỉnh Quảng Nam về vấn đề thủy điện, tái định cư, ông Trần Anh Tuấn phát biểu thẳng và được nhiều cơ quan báo chí ghi lại rằng: “Nếu các sở, ban ngành của tỉnh lên khảo sát, kiểm tra tình hình của người dân thì huyện sẽ tiếp, còn các đoàn của bộ, ngành trung ương vào huyện không tiếp”.
Theo ông Tuấn, trong thời gian qua, sau mỗi lần động đất mạnh thì nhiều đoàn vào nhưng chẳng giải quyết được vấn đề gì, động đất thì ngày càng mạnh. “Các đoàn có đến làm việc thì cho chính quyền huyện xin báo cáo kết quả để triển khai tình hình và thông báo cho người dân biết. Huyện còn phải dành thời gian để giải quyết việc của người dân địa phương đang cần” - ông Tuấn nói.
Cũng liên quan đến việc tiếp khách, tiếp các đoàn công tác, ông Lê Văn Tuấn - chánh văn phòng UBND huyện Bắc Trà My - tâm sự: “Thật ra về chi phí thì đã có tỉnh hỗ trợ một ít, còn lại tất cả là từ địa phương và anh em. Điều này thật tế nhị nên khó nói. Nhưng thời gian là cái quý nhất, thời gian để đón tiếp, đi làm việc cùng nhau rất nhiều, ngốn hết quỹ thời gian cho công việc khác”. Hỏi có bao nhiêu đoàn đến rồi đi, ông Lê Văn Tuấn cho biết không thể nhớ hết, cũng không thể thống kê.
Đề xuất hỗ trợ nhà nứt nặng 4 triệu đồng/nhà
Chiều 21-11, đoàn công tác do TS Bùi Trung Dung - phó cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng) - dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND huyện Bắc Trà My để giúp người dân vùng động đất xây nhà có kháng chấn.
Theo báo cáo sơ bộ của huyện Bắc Trà My, đến ngày 22-10 động đất đã làm 856 nhà ở của người dân và tám công trình công cộng bị rạn nứt, nhiều nhà dân có vết nứt toạc chẻ dài từ trên xuống dưới rất nguy hiểm. Trận 4,7 độ Richter xảy ra ngày 15-11 thì huyện chưa thống kê xong vì các xã chưa báo cáo về. Ông Đặng Phong, chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, đề xuất với đoàn công tác mức hỗ trợ cho những nhà nứt nặng là 4 triệu đồng/nhà, nhà nứt ít thì hỗ trợ 2 triệu đồng. |
“Thiết kế bảo chừng nào, chúng tôi mua chừng ấy”
Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc vì sao đập thủy điện Sông Tranh 2 không lắp đặt máy đo gia tốc nền (thiết bị này đặt dưới đáy đập), ông Trần Văn Hải, trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3, cho biết hiện trên thân đập Sông Tranh 2 có tổng cộng bốn máy đo gia tốc đã được lắp đặt tại các cao trình gồm: 100m, 153m, 170m và 180m.
Theo ông Hải, máy đo gia tốc đặt ở cao trình 100m đang làm nhiệm vụ thay cho máy đặt ở dưới nền đáy của bờ đập. Ông Hải cũng xác nhận khi tư vấn xây dựng con đập này, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1 cũng chỉ thiết kế đặt bốn máy đo gia tốc ở các cao trình nói trên.
“Đơn vị thiết kế bảo chừng đó cái đủ rồi thì chúng tôi xây dựng chừng ấy. Chúng tôi cũng không có chuyên môn. Viện Vật lý địa cầu tư vấn chừng ấy cái cũng đủ. Nếu có nhiều tiền lắp... nhiều thì tốt hơn” - ông Hải nói.
Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận: “Không thể biết được địa chất ở công trình Sông Tranh 2 lại “đặc biệt” đến như vậy. Nếu biết vậy thì đã đầu tư thêm”. Ông Hải cho biết sau một loạt trận động đất dồn dập xảy ra, phía chủ đầu tư đã chi tiền cho Viện Vật lý địa cầu mua thêm năm máy quan trắc động đất và hai máy đo gia tốc... trị giá khoảng 2,5 tỉ đồng để đưa vào lắp đặt tại khu vực Sông Tranh 2. |