Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Xây dựng dự án giảm phát thải cho thị trường cacbon tự nguyện sau 2020

(14:27:38 PM 21/11/2012)
(Tin Môi Trường) - Ngày 21/11, tại Hà Nội, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Quỹ Hanns Seidel Foundation (Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức Hội thảo "Thị trường cacbon: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam", nhằm nâng cao nhận thức, chia sẻ hiểu biết về hiện trạng và xu hướng của thị trường cacbon trên thế giới.

cac bon

Ảnh minh họa

 

Các chuyên gia tập trung vào thảo luận các vấn đề chủ yếu như: Thị trường cacbon hiện trạng và xu hướng; thực trạng và các cơ hội thách thức cho Việt Nam tham gia thị trường cacbon; kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới và bài học cho Việt Nam . 


Ông Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Trước thách thức về giảm phát thải và phát triển mà Việt Nam đang phải đối mặt, cần tập trung vào việc tăng hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực, tiếp theo tập trung giảm phát thải theo đầu người và cuối cùng là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với giảm phát thải khí nhà kính (GHG) toàn diện. Việt Nam tham gia vào thị trường cacbon thông qua các dự án cơ chế phát triển sạch (CDM), đã giúp các nước đang phát triển như nước ta thu được nhiều lợi ích lớn bao gồm tài chính và công nghệ…

Chiến lược của Việt Nam khi tham gia thị trường cacbon sau 2020 đó là: Xây dựng các dự án giảm phát thải cho thị trường cacbon tự nguyện; xây dựng kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA), trong đó sẽ đánh giá tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam; xây dựng và hoàn thiện khung chính sách cho hoạt động kinh doanh và xây dựng các dự án cacbon tại Việt Nam: Chính sách hỗ trợ; chính sách khuyến khích đầu tư; chính sách hướng dẫn quản lý hoạt động kinh doanh tín chỉ cacbon; nâng cao năng lực quy định, đo đạc, báo cáo kiểm chứng (MRV); chuẩn bị sẵn sàng cho Việt Nam tham gia hội nhập sâu hơn vào thị trường cacbon toàn cầu.

Theo đại diện Quỹ Hanns Seidel Foundation, kinh nghiệm từ các quốc gia láng giềng và thực tế tại Việt Nam cho thấy tiềm năng, lợi ích của việc thực hiện song song chiến lược phát triển kinh tế và phát triển cacbon thấp. Tuy vậy, để có thể hiện thực hóa được điều đó, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Các nguồn vốn đầu tư cần hướng đến việc khởi xướng các ý tưởng sáng tạo, nhân rộng các phương án thành công, tạo cơ hội cho các giải pháp kinh doanh, cuối cùng là tạo thêm nhiều việc làm "Xanh" giảm phát thải GHG bền vững.

Thị trường cacbon là công cụ quan trọng nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó thị trường cacbon cũng là cơ hội lớn về kinh tế cho các nước tham gia. Tính đến cuối năm 2001, giá thị trường đã đạt tới 176 tỷ USD với tổng khối lượng giao dịch 10,3 tỷ tấn cacbon, trong đó giá trị thị trường từ các dự án CDM giá trị hơn 23 tỷ USD, đạt khối lượng giao dịch 1,8 tỷ tấn C02, giá trị trường cacbon tự nguyện 569 triệu USD, khối lượng giao dịch là 87 triệu tấn CO2 tương đương.

Lý Thanh Hương (TTXVN)