Theo phản ánh của người dân, cứ vào khoảng 11 giờ và 17 giờ hằng ngày, đơn vị thi công lại cấp tập cho giật mìn phá đá. Người dân sống quanh khu vực này phải hốt hoảng chạy ra bên ngoài vì nhà bị rung giật dữ dội, có thể sập bất cứ lúc nào.
Cách nhà anh Thịnh vài trăm mét, nhà của chị Nguyễn Thị Chính cũng trong tình trạng tương tự. Các vết nứt lớn kéo dài hết cả tường nhà. Chị Chính bức xúc: “Gia đình có 2 mẹ con, gom góp mãi mới làm được cái nhà. Khoảng 3 tháng trở lại đây, sau mỗi lần nổ mìn, các vết nứt ngày càng mở rộng và xuất hiện thêm vết mới. Cứ đà này, không bao lâu nữa căn nhà sẽ đổ sập”. Gần đó, nhà của anh Nguyễn Đình Thịnh cũng xuất hiện nhiều vết nứt lớn và ngày càng trầm trọng vì việc nổ mìn diễn ra thường xuyên.
Ông Khuất Văn Sơn, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty Cổ phần Điện Buôn Đôn, cho biết: Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 4A được khởi công vào năm 2009 với công suất 64MW. Kênh chính của nhà máy dài 15 km, đi qua các xã Ea Huar, Ea Wer và Krông Na. Do tầng đất cạn nên toàn bộ tuyến kênh này được 17 nhà thầu thi công nổ mìn phá đá. Vị trí các hộ dân phản ánh việc nổ mìn làm hư hỏng nhà thuộc gói thầu do Xí nghiệp xây dựng 471 (Công ty TNHH một thành viên Xây dựng 470) thi công. “Trách nhiệm bồi thường do việc nổ mìn gây nứt nhà dân thuộc về đơn vị thi công, chúng tôi chỉ có nhiệm vụ phối hợp với cơ quan chức năng xác định nguyên nhân, thiệt hại” - ông Sơn giải trình.
Phải bồi thường
Ông Dương Văn Sanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho biết: Dự án Thủy điện Sêrêpốk 4A ảnh hưởng đến 2.014 ha của 289 hộ dân các xã Ea Huar, Ea Wer và Krông Na. UBND huyện cũng đã phối hợp với cơ quan chức năng 5 lần kiểm tra cự ly an toàn, dung lượng thuốc nổ đối với các đơn vị thi công nhưng chưa phát hiện sai phạm. Sắp tới, chúng tôi sẽ thống kê số nhà bị ảnh hưởng, từ đó có phương án xử lý. “Phải có đơn vị bồi thường cho người dân do việc nổ mìn gây ra” - ông Sanh khẳng định. |