Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hoa kiểng tết... chết đứng

(07:18:32 AM 21/11/2012)
(Tin Môi Trường) - Nhiều làng hoa kiểng nổi tiếng ở đồng bằng sông Cửu Long như Sa Đéc (Đồng Tháp), Chợ Lách (Bến Tre)... đang rơi vào cảnh tồn ứ do sức mua của thị trường giảm sút nghiêm trọng.

 

 

hoa tet
Vườn cúc mâm xôi của ông Hồ Minh Thu ở làng hoa Sa Đéc đã giảm 3.000 giỏ so với năm trước - Ảnh: thanh Tú

 

 

Hàng triệu cây hoa kiểng phục vụ công trình đang thấp thỏm đợi người mua, còn hoa kiểng phục vụ tết chỉ được sản xuất cầm chừng.

 

Ế ẩm

 

Hơn sáu tháng nay, hơn 2.000 cây hồng lộc của gia đình ông Nguyễn Ngọc Mầu (ấp Vĩnh Bắc, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, Bến Tre) nằm ì ở ngoài vườn vì chẳng ai hỏi mua.

 

“Thông thường, chỉ cần cây cao hơn 50cm là có người hỏi mua. Nay cây đã cao khỏi đầu người và vô chậu, bán với giá rẻ bèo (200.000 đồng/chậu) nhưng chờ hoài không thấy thương lái nào đến hỏi mua” - ông Mầu lo lắng.

 

Đi sâu vào đường Bà Dung từ ấp Vĩnh Bắc vô ấp Đông Nam của làng nghề hoa kiểng Cái Mơn (xã Vĩnh Thành), vườn nào cũng thấy đỏ rực màu lá non của cây hồng lộc. Do không có người mua, cây mỗi ngày mỗi lớn, trong khi diện tích vườn có hạn nên người dân phải đem ra để dài hai bên đường.

 

 

Chuyển đổi để tồn tại

 

Theo ông Bùi Thanh Liêm - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre), trong khó khăn chung, người dân làng nghề này đã nhanh chóng thích nghi khi biết chuyển sang xây dựng những mô hình cây kiểng phù hợp với nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. Hiện nay loại hình cây ăn trái như mận, ổi, xơri, vú sữa... nếu có dáng thế đẹp, nông dân vẫn biết cách uốn sửa để cho ra sản phẩm vừa đẹp, vừa có trái trong ngày tết. Hướng chuyển đổi này tạo ra sản phẩm độc đáo thay thế những loại hoa kiểng truyền thống đang tiêu thụ chậm.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc - chủ cơ sở kinh doanh cây kiểng công trình Hoàng Phúc ở Cái Mơn, từ đầu năm đến nay sức mua hoa kiểng phục vụ công trình giảm gần 50%. “Nhiều loại cây chỉ còn lời khoảng 500 đồng/giỏ nhưng tìm đỏ mắt không có đơn đặt hàng. Cơ sở của tui kinh doanh từ gốc đến ngọn mà mãi lực còn yếu như vậy thì những người mua bán theo kiểu sang tay coi như chết khô” - ông Phúc nói.

 

 

Tại vựa cây của cơ sở anh N.M.T. trên quốc lộ 57 đoạn gần cầu Nhà Thờ, làng hoa Cái Mơn, hơn 400 cây osaka đã được tập kết ở đây nhiều tháng nhưng chẳng thấy thương lái đến hỏi mua. Nhiều cây bị chết khô nằm rạp ven đường, một số cây khác đang xuống lá chưa biết sống chết ra sao.

 

“Đã nhiều năm lăn lộn với nghề này, chưa bao giờ tui thấy tình trạng ế ẩm đến tê liệt như hiện nay. Tình trạng này kéo dài thì người trồng hoa kiểng chắc “chết” hết. Làng hoa kiểng Cái Mơn này không biết có tồn tại được không” - anh T. than vãn.

 

Trong khi đó, tại làng nghề hoa kiểng Sa Đéc (Đồng Tháp), con đường tỉnh 848, bờ kè sông Sa Đéc xe cộ tấp nập, dập dìu lên xuống hàng hóa ngày nào nay vắng tanh. Chị Út Thành, chủ cơ sở kinh doanh vật tư ngành hàng hoa kiểng ở xã Tân Khánh Trung, cho biết căn cứ vào số giỏ hoa bán ra, chị dự đoán kiểng công trình giảm khoảng 60%. Riêng lượng cây lớn như sao, dầu, bằng lăng, osaka, cau các loại... gần như bị đóng băng hoàn toàn. “Từ đầu năm đến nay, vựa cây của tui chẳng bán buôn được gì. Khổ nỗi bán không được mà còn phải tốn thêm tiền chăm sóc dài dài” - chị Út Thành nói.

 

Hoa tết sản xuất cầm chừng

 

Mặc dù còn ba tháng nữa hoa tết mới biết thắng - thua, thế nhưng nhiều nghệ nhân nổi tiếng trong vùng chỉ dám sản xuất cầm chừng, không dám mạo hiểm vì sợ lỗ. Do đó, sản lượng hoa tết năm nay dự kiến giảm 30-40% so với hằng năm.

 

Anh Nguyễn Văn Thành, xã viên Hợp tác xã cây giống và hoa kiểng Cái Mơn (huyện Chợ Lách), giải thích nguyên nhân mai vàng tết năm nay giảm là do đầu vào như phân bón, nhân công, vận chuyển đều tăng. Trong khi đó giá bán không tăng, những lúc dội chợ lại giảm mạnh. Để bảo toàn vốn, người trồng mai vàng chuyển sang hình thức mua cây nguyên liệu trong vườn đem về chăm sóc và bán trong năm chứ không ghép như hồi trước nữa.

 

Ông Hồ Minh Thu, nông dân trồng cúc mâm xôi có tiếng ở làng hoa Sa Đéc, cho biết Tết Nhâm Thìn 2012 ông trồng 8.000 giỏ hoa nhưng năm nay chỉ dám trồng 5.000 giỏ. Nguyên nhân là năm rồi thị trường ế ẩm, hầu hết thương lái đều bị “vỡ” chợ. Còn năm nay, tình hình từ đầu năm đến giờ không thấy gì khởi sắc nên phải cắt giảm số lượng, phòng tránh rủi ro.

 

Theo ông Trần Minh Mẫn - phó chủ nhiệm Hợp tác xã cây giống và hoa kiểng Cái Mơn, do sức mua bị chựng lại trong Tết Nguyên đán 2012 và tình hình năm nay chưa có dấu hiệu gì sáng sủa, nên phần lớn bà con xã viên không dám đầu tư nhiều cho hoa tết. “Thống kê hiện nay phần lớn diện tích trồng hoa tết đều giảm 20-30% so với năm trước. Nếu cộng chung với số lượng giảm của năm rồi khoảng 20% thì trong vòng hai năm, sản lượng hoa tết ở Cái Mơn giảm đến 50%, thật đáng báo động” - ông Mẫn cảnh báo.

 

 

 

TP.HCM: hàng tết đã sẵn sàng

 

Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM vừa kiểm tra công tác chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Quý Tỵ 2013 tại Công ty Vissan. Đây là đơn vị thứ năm trên địa bàn được đoàn đại biểu kiểm tra.

 

Tại buổi làm việc, đại diện Công ty Vissan cho biết việc chuẩn bị cho nguồn nguyên liệu sản xuất tết gần như hoàn tất. Hiện khối lượng thịt heo các loại dự kiến khoảng 2.350 tấn, tương đương so với cùng kỳ năm 2011; mặt hàng chế biến có khoảng 4.200 tấn, tăng 8%, rau củ các loại là 2.000 tấn...để phục vụ thị trường tết. Ngoài ra, công ty cũng dự trữ cho kế hoạch sản xuất kinh doanh sau tết và đề phòng biến động thị trường với hàng hóa trong kho đã có 3.000 tấn thịt heo, 200 tấn thịt trâu bò nguyên liệu, 670 tấn thành phẩm thực phẩm chế biến các loại...

 

Trước đó, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM do ông Phạm Văn Đông, trưởng Ban kinh tế và ngân sách HĐND TP, chủ trì đã kiểm tra đối với Liên hiệp HTX thương mại TP (Saigon Co.op), HTX nông nghiệp Thỏ Việt (Củ Chi), chợ đầu mối nông sản Hóc Môn và Công ty Lương thực TP.

 

Theo báo cáo của Công ty Lương thực TP, đơn vị này đã chuẩn bị lượng hàng cung ứng trong ba tháng trước, trong, sau tết là 12.510 tấn gạo, 100.000 thùng bia và 100.000 thùng nước giải khát các loại, 500 tấn đường và 5.000 tỉ đồng cho nguồn hàng bánh, mứt, trà, cà phê... Saigon Co.op cho biết đã tăng lượng hàng thiết yếu lên gấp bốn lần so với tháng kinh doanh bình thường.

 

Tổng lượng hàng hóa Co.op Mart dự trữ, cung ứng cho ba tháng trước, trong và sau tết là 38.000 tấn, tăng khoảng 25% so với Tết Nhâm Thìn. Saigon Co.op sẽ tổ chức ít nhất 150 chuyến bán hàng lưu động phục vụ người dân mua sắm tết. Hệ thống các siêu thị Big C, Maximark, Citimart, Lotte Mart... cũng đã chuẩn bị lượng hàng phục vụ tết tăng gấp 2-3 lần so với tháng bình thường.

 

Đánh giá công tác chuẩn bị của các đơn vị, ông Phạm Văn Đông cho biết hầu hết đều đã chủ động với lượng hàng, nguồn hàng và giá cả. Với sự chuẩn bị tích cực từ các đơn vị chủ lực, người tiêu dùng có thể an tâm ăn tết. Theo báo cáo của Sở Công thương TP.HCM, lượng hàng các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường tết 2013 chiếm 30-40% thị phần. Tổng nguồn vốn các doanh nghiệp chuẩn bị cho sản xuất, dự trữ hàng tết là 6.681,8 tỉ đồng, tăng 23,9% so với Tết Nhâm Thìn 2012.

DŨNG TUẤN

(Nguồn: THANH TÚ/TTO)