Ngày này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra nhằm thu hút sự chú ý của các chính phủ và xã hội đối với căn bệnh đang ngày càng trở nên phổ biến và là vấn đề y tế và xã hội hết sức nan giải.
COPD là căn bệnh phát triển liên tục tấn công vào tất cả các cơ quan thuộc hệ hô hấp của con người. Những nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của căn bệnh này là do hút thuốc (hút thuốc chủ động cũng như hút thuốc bị động), chiếm tới 90%; sự ô nhiễm môi trường do rác thải công nghiệp gây ra.
WHO cảnh báo, COPD hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ tư, ngang hàng với HIV/AIDS, chỉ sau bệnh lý tim mạch, tai biến mạch máu não và ung thư. Trên toàn thế giới có khoảng 600 triệu người mắc COPD, dự đoán trong thập kỷ này, số người mắc bệnh sẽ tăng 3 đến 4 lần.
COPD thông thường không được chẩn đoán ở giai đoạn đầu: kể cả bác sỹ lẫn bệnh nhân không chú ý đúng mức đến hiện tượng ở những người hút thuốc như ho mãn tính, nhiều đờm, khó thở khi mang vác nặng. Vì vậy, những trường hợp phát hiện bệnh thường là khi đã ở giai đoạn muộn, biến chứng nặng và tỷ lệ tử vong cao.
Trên thực tế COPD là căn bệnh rất nghiêm trọng cần phải được phát hiện và điều trị ngay ở giai đoạn đầu, song hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị. Việc ngăn ngừa và điều trị bệnh chủ yếu dựa vào cai thuốc lá và thuốc lào, chẩn đoán phát hiện sớm kết hợp với các phương pháp vật lý trị liệu để phục hồi chức năng kèm theo chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Các bác sỹ cảnh báo những người hút thuốc hoặc làm việc trong ngành sản xuất độc hại, nếu có các triệu chứng như khó thở, ho có đờm hay bị bệnh viêm phế quản thì phải đến ngay bệnh viện để kiểm tra phổi. Viện sĩ Aleksandr Trutralin thuộc Viện Hàn lâm Y học Nga, nhấn mạnh rằng hệ thống hô hấp và lưu thông máu có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, vì vậy nếu một trong hai bị tổn hại thì sẽ tác động tiêu cực đến hệ thống còn lại và thể trạng sức khỏe con người nói chung. Do đó, việc kiểm tra phổi là hết sức cần thiết, không chỉ giúp phát hiện được COPD ở giai đoạn đầu, mà còn chẩn đoán được nguy cơ phát triển các bệnh tim mạch.