TS Nguyễn Kim Hồng
Tăng lương giáo viên và thời gian đào tạo sinh viên
Chất lượng sinh viên ngành sư phạm (SP) ngày một giảm sút, là người đào tạo sinh viên ở một trong những trường ĐH sư phạm hàng đầu của Việt Nam, ông nghĩ sao về điều này?
Chính sách miễn, giảm học phí cho sinh viên ngành SP của Chính phủ năm 1998, đã tạo một động lực giúp thí sinh muốn học ngành này. Vì thế, trong vòng 5 năm sau năm 1997, các trường SP có một “thế hệ vàng” do số thí sinh đăng ký dự thi rất đông, điểm trúng tuyển rất cao. Từ năm 2005 đến nay, chính sách này tỏ ra không còn hiệu quả, đặc biệt với các thí sinh ở thành thị. Ngoài ra, do thu nhập của giáo viên thấp, nghề giáo không được trọng vọng như trước… nên các bạn trẻ không thích thú với nghề này. Số thí sinh chọn vào học SP giảm dần, chất lượng vì thế cũng đi xuống.
Vậy theo ông, cần phải có những điều chỉnh, thay đổi gì để nâng cao chất lượng người thầy, trước hết từ sinh viên ngành SP?
Tháng 5.2011, nhà nước có chính sách phụ cấp thâm niên cho nhà giáo. Chính sách này có tác động tích cực với giáo dục. Tuy nhiên theo nhiều nhà nghiên cứu chính sách, điều này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của nhà giáo. Để thu hút sinh viên giỏi, việc miễn học phí vẫn là cần thiết, đặc biệt đối với các thí sinh ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, phải giải quyết lương cho giáo viên đủ sống. Khi xã hội hóa giáo dục, cần tăng tỷ lệ trường tư ở tất các bậc học cao, trích một phần kinh phí còn lại của nhà nước thay vì đầu tư vào khu vực này để tăng thêm thu nhập cho giáo viên. Thêm nữa, cần có sự điều chỉnh trong kỳ thi tuyển sinh vào ngành SP, phải có vòng phỏng vấn cho những thí sinh có ý định thi vào ngành này. Về mặt tinh thần, khi xã hội kính trọng thầy cô giáo hơn, ứng xử với giáo viên như những người làm công việc đặc biệt thì cũng giúp học sinh mong muốn thi vào SP hơn.
|
Trực tiếp giảng dạy và hướng dẫn sinh viên, theo ông, điểm yếu nhất của sinh viên ngành SP hiện nay là gì?
Chất lượng giáo viên bao gồm đầu vào của sinh viên và quá trình đào tạo. Nghiệp vụ dạy học là điểm yếu nhất của sinh viên hiện nay vì thiếu thời gian để thực hành nghề. Ở các nước phát triển, sau khi tốt nghiệp ĐH, sinh viên phải học thêm từ 1 năm rưỡi - 2 năm mới được đi dạy. Đây là thời gian sinh viên thực tập như một giáo viên thực thụ ở trường phổ thông. Hiện sinh viên SP chỉ có 10 tuần thực tập, được nhúng mình vào môi trường giáo dục. Nếu chưa xây dựng một trung tâm đào tạo giáo viên riêng cho những sinh viên tốt nghiệp ĐH thì trước mắt, cần tăng thời gian đào tạo của ngành SP thêm một năm nữa để sinh viên có đủ thời gian gắn với môi trường giáo dục phổ thông.
Ngoài lương, vấn đề cũng khiến xã hội băn khoăn hiện nay là sinh viên SP ra trường rất khó kiếm được việc làm phù hợp. Theo ông nguyên nhân này từ đâu và có thể đề xuất cách giải quyết?
Nguyên nhân của thực trạng này đến từ nhiều phía. Nhiều sở GD - ĐT có quy định riêng để chọn giáo viên như điểm số, hộ khẩu địa phương… khiến sinh viên khó được tuyển dụng. Khi giao chỉ tiêu đào tạo, Bộ GD - ĐT chỉ căn cứ vào năng lực của trường. Trong khi đó các trường lại chưa nắm bắt nhu cầu của địa phương, chưa có khả năng dự báo nhân lực vì thế cung cầu đã không gặp nhau. Để giải quyết, với ngành SP, nên trở lại việc phân công nhiệm sở và chế độ luân chuyển hợp lý. Trên cơ sở này, sinh viên giỏi sẽ được quyền lựa chọn nhiệm sở theo nhu cầu địa phương.
Tình thầy trò chỉ thay đổi chứ không giảm
Theo như ông vừa nói, xã hội ngày nay ít kính trọng thầy cô giáo so với trước. Ông có thể cho biết nguyên nhân nào dẫn đến hiện trạng này?
Sự kính trọng thầy cô giáo phải xuất phát từ 3 phía: giáo viên, học sinh và xã hội. Thầy cô giáo phải là tấm gương, ít nhất là trong lớp học; phải có trách nhiệm truyền kiến thức và nuôi dưỡng tâm hồn học trò. Trước kia, giáo viên rất thương học trò và có nhiều thời gian quan tâm đến học sinh hơn. Hiện nay, số giờ dạy của giáo viên quá nhiều, sĩ số học sinh lại rất đông nên giáo viên không có nhiều thời gian trò chuyện với học sinh dẫn đến thiếu sự cảm thông, chia sẻ. Môi trường hoạt động của học sinh ngày nay rộng lớn hơn, không chỉ bó hẹp gia đình, nhà trường như trước. Học trò ngày nay có quá nhiều kênh để tiếp cận kiến thức nên người thầy ít nhiều không còn là hình tượng tuyệt đối với học sinh. Do đời sống nhiều thay đổi nên sự kính trọng người thầy của xã hội cũng khác xưa…
Tuy nhiên, theo tôi tình cảm thầy trò chỉ thay đổi cho phù hợp với cuộc sống chứ không giảm theo thời gian. Chẳng hạn, ngày xưa trò kính trọng thầy tuyệt đối, ngày nay dù yêu thương thầy nhưng trò vẫn biết phê phán, góp ý với thầy. Nói cách khác, sự kính trọng thầy cô, tình thầy trò thiêng liêng và vị thế của người thầy có giá trị bất biến.
Với những thực trạng vừa nêu, xin hỏi liệu ông sẽ đồng ý cho con mình bước vào ngành SP?
Hiện con trai và con dâu tôi đều là nhà giáo. Tôi không phản đối con gái tôi trong lựa chọn nghề nghiệp nhưng tôi cũng muốn con gái tôi sẽ theo nghề giáo như tôi đã lựa chọn.