Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Chưa có bằng chứng khoa học
Dược học cổ truyền chỉ cho biết hoa hướng dương có thể chữa đầu choáng mắt hoa, phù mặt, đau răng, vết thương viêm loét... Ảnh: Lê Kiên
|
TS.DS Lê Thị Hồng Anh, thầy thuốc ưu tú, Trung ương hội Đông y Việt Nam cho biết hoa hướng dương (Helianthus annuus L.), thuộc họ cúc (Asteraceae), tên khác là thiên quỳ tử, quỳ hoa tử, hướng nhật quỳ hoa, triều dương hoa… Theo dược học cổ truyền, hoa hướng dương vị ngọt, tính ấm, không độc, có công dụng bổ dưỡng can thận, chỉ thống (giảm đau), minh mục (làm sáng mắt), thường dùng chữa các chứng bệnh như đầu choáng mắt hoa, phù mặt, đau răng, vết thương viêm loét... Nghiên cứu hiện đại ghi nhận trong hoa hướng dương chứa b-caroten, cryptoxanthin, taraxanthin, lutein, quercimeritrin...
Theo DS Anh, “Uống nước hoa hướng dương để giúp đỡ đau khi đẻ thì tôi chưa thấy tài liệu nào nghiên cứu mà tôi có đọc được một số tài liệu cho rằng phụ nữ có thai không được dùng các vị thuốc lấy từ cây hoa hướng dương vì có thể gây sẩy thai. Sách về dược hiện đại như quyển Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam chỉ thấy ghi dịch chiết hoa hướng dương gây kích thích hô hấp, tăng cường co bóp ruột, có thể dùng trong những trường hợp như liệt ruột, không thấy đề cập đến việc giảm đau khi sinh”.
Theo PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung, chủ tịch hội Phụ sản TP.HCM, quá trình mang thai và sinh nở là quá trình bình thường của người phụ nữ. Đau khi chuyển dạ là một giai đoạn tất yếu trong quá trình đó, không phải bệnh lý. Bà nhấn mạnh: “Từ xa xưa cho đến nay, vấn đề này không có gì thay đổi. Chính vì vậy, không thể nói ăn một loại thực phẩm hay uống một loại thuốc nào đó thì có thể làm giảm đau khi chuyển dạ. Cho đến nay trong sản khoa vẫn chưa có loại thuốc nào ngăn chặn được 100% cơn gò của tử cung. Khi chưa có bằng chứng khoa học nào mà nói uống nước hoa hướng dương có thể làm giảm đau, đồng nghĩa với chống co thắt tử cung, là không có cơ sở khoa học”.
Quan trọng là giải toả tâm lý sản phụ
Theo DS Anh, có thể sản phụ này, sản phụ kia khẳng định đã đẻ không đau nhờ uống nước hoa hướng dương là do họ có niềm tin như thế trước khi lên bàn sinh, tâm lý thoải mái nên đỡ đau; hoặc có thể do họ sinh những lần sau, có kinh nghiệm hơn nên đỡ đau, từ đó ngộ nhận do uống nước hoa hướng dương… “Nếu có sản phụ chuyển dạ mà không đau thì do cơ địa của họ chứ không phải vì uống thuốc này hay ăn món kia”, DS Anh nói. Cũng theo DS Anh, hiện có cách giảm đau khi sinh là gây tê ngoài màng cứng liên tục. Vì là một thủ thuật y khoa nên bên cạnh lợi ích đem lại, phương pháp giảm đau này cũng có những nhược điểm và biến chứng nhất định. Do đó vấn đề quan trọng không phải là tìm cách giảm đau mà nên chuẩn bị tâm lý cho sản phụ. Phải giải thích rõ cho sản phụ biết vì sao lại đau, cơn đau kéo dài bao lâu, lúc nào thì hết đau... Bên cạnh đó, cần hướng dẫn sản phụ một số động tác để làm mạnh nhóm cơ sàn chậu, điều chỉnh cách tập trung phân phối hơi thở khi rặn, chẳng hạn vào lúc sắp sinh nên áp dụng cách thở bụng để làm giảm cơn đau (hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng). “Đây là biện pháp cần thiết để rút ngắn thời gian chuyển dạ, giúp thai nhi ra khỏi tử cung nhanh hơn, góp phần làm giảm đau” – DS Anh nói.
BS Nhung cũng cho rằng trong cuộc chuyển dạ, việc chuẩn bị tinh thần cho sản phụ rất quan trọng, bởi không những giúp cho việc sinh nở tiến hành thuận lợi mà còn giảm được cảm giác đau dù không hề dùng thuốc. Một số sản phụ không được tư vấn tâm lý trước khi chuyển dạ nên khi trải qua giai đoạn này đã vô cùng sợ hãi, không ít người sau đó không dám sinh con nữa. BS Nhung khuyên: “Lo lắng, sợ sệt cũng là những yếu tố làm gia tăng cảm giác đau đớn cho sản phụ, do đó các bác sĩ hay nữ hộ sinh cần tư vấn cho sản phụ biết sinh lý của cuộc chuyển dạ, cơ chế sinh. Bên cạnh đó, nên tạo cho sản phụ những sự liên tưởng khác như hãy nghĩ đến niềm vui sướng, hạnh phúc vì sắp được làm mẹ của một đứa trẻ bụ bẫm, đáng yêu... sẽ giúp cơ thể sản phụ khoẻ mạnh, hưng phấn mà quên đi cảm giác đau đẻ”.