Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Cựu nhà giáo Nguyễn Lương Hiệu |
Kênh Nhiêu Lộc vào nghệ thuật
Ý tưởng về triển lãm này đến với Nguyễn Lương Hiệu khi anh đến Singapore, được đi thuyền đêm trên dòng sông nhân tạo của họ. Anh kể: “Đi thuyền trên một đoạn sông ngắn, vậy mà du khách sẵn sàng trả rất nhiều tiền. Tôi chợt hỏi, tại sao ở Sài Gòn có dòng kênh Nhiêu Lộc đẹp như vậy mà chúng ta lại để nó ô nhiễm? Tại sao chúng ta không giữ gìn nó thật sạch để phục vụ lợi ích của chính mình”?
Kênh Nhiêu Lộc uốn quanh lòng nội ô Sài Gòn, một thời gian dài bị ô nhiễm nặng, trở thành nỗi ám ảnh của người dân xung quanh. Sau nhiều nỗ lực, dòng kênh đã được cải tạo. Các khu phố ổ chuột gần như đã bị dẹp bỏ và chất lượng nước trong lòng kênh dần được cải thiện. Năm 2007, chuyện người dân câu được một con cá rô trong kênh Nhiêu Lộc đã trở thành sự kiện được rất nhiều người quan tâm, bởi đó là dấu hiệu hồi phục sự sống dưới dòng kênh.
Trở về quá khứ, người viết bài này từng đọc được một tạp bút của nhà thơ Đỗ Trung Quân - người lớn lên bên kênh Nhiêu Lộc. Theo nhà thơ họ Đỗ, kênh Nhiêu Lộc thời ông còn bé, nước rất trong xanh, có thể nhảy ùm xuống tắm và bắt cá hàng ngày. Thế mới biết sự hủy hoại môi trường của con người nghiêm trọng đến mức nào.
Ở ta lâu nay, các địa danh đều gắn liền với sông với núi, chẳng hạn như nhắc đến Huế người ta nghĩ ngay đến sông Hương núi Ngự, nhắc đến Quảng Ngãi người ta nhớ núi Ấn sông Trà… Một dòng chảy dù là sông hay kênh rạch đều ít nhiều lưu giữ trầm tích văn hóa trong nó. “Phải chăng đã đến lúc cư dân Sài Gòn cần xây dựng nét văn hóa của mình gắn liền với dòng kênh Nhiêu Lộc?” - nhà thơ Nguyễn Lương Hiệu suy tư.
20 năm và tình yêu Sài Gòn
Nhà thơ Nguyễn Lương Hiệu vào Sài Gòn định cư từ năm 1992. Quãng thời gian 20 năm sinh sống giúp ông khám phá vẻ đẹp của thành phố này và định hình tình yêu trong ông. Xuất thân từ nhà giáo dạy học ở Đà Nẵng, Nguyễn Lương Hiệu có cách nói chuyện nhẹ nhàng và trông rất mơ màng khi nhìn mọi sự đổi thay xung quanh.
Tác phẩm về kênh Nhiêu Lộc trong triển lãm
Nguyễn Lương Hiệu tự nhận ông không có nhiều tiền. Để thực hiện cuộc triển lãm này, ông đã “liều” gặp ông Huỳnh Minh Nhựt - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đô thị - Môi trường TP.HCM. Lúc đầu ông Nhựt rất ngạc nhiên vì đơn vị mình chuyên lo dọn dẹp, vệ sinh cho thành phố chứ chẳng liên quan gì đến… nghệ thuật. Thế nhưng sau khi xem xong bộ ảnh của Nguyễn Lương Hiệu, ông Nhựt quyết định tổ chức ngay cuộc triển lãm này. Lý do theo ông Nhựt là: “nhằm giúp người dân thấy quang cảnh đẹp của kênh Nhiêu Lộc hôm nay, đồng thời qua đó vận động người dân cùng Công ty Đô thị - Môi trường giữ gìn dòng kênh này ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn”.
Không chỉ ông Huỳnh Minh Nhựt ủng hộ tình yêu Sài Gòn của Nguyễn Lương Hiệu mà một nhóm học trò xưa cũng chung tay với người thầy cũ. Tình cờ Nguyễn Lương Hiệu gặp lại các học trò khi ông dạy học cấp 2 ở Đà Nẵng, trong đó có ông Nguyễn Quang Hòa - Giám đốc Trung tâm điện máy Thiên Hòa. Biết thầy giáo cũ của mình chuẩn bị triển lãm, ông Hòa liền đề nghị thầy cho in một cuốn sách ảnh và một bộ bưu ảnh về kênh Nhiêu Lộc. Ông Hòa cho biết hành động nhỏ này của mình là để tri ân người thầy cũ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Bộ sách ảnh và bưu ảnh về kênh Nhiêu Lộc được tặng cho người đến dự triển lãm. Với những ai đang sống xa Sài Gòn, bộ sách và bưu ảnh này sẽ giúp họ nhớ về một dòng kênh từng chảy qua ký ức mỗi người.
Họa sĩ Bùi Quang Lâm đến xem triển lãm Bên bờ kênh Nhiêu Lộc, cho rằng: “Chưa bàn đến chất lượng nghệ thuật của từng tác phẩm, chỉ cần có ý tưởng và thực hiện được như Nguyễn Lương Hiệu đã là đáng quý. Tôi tin rằng, cuộc triển lãm này ít nhiều tác động đến văn hóa ứng xử với môi trường của nhiều người”.
Trong 30 ảnh triển lãm về kênh Nhiêu Lộc, trọng tâm là 7 ảnh mô tả dòng kênh bắt đầu từ Q. Tân Bình xuôi về các Q. Phú Nhuận, Q. 3, Q. Bình Thạnh và kết thúc ở Q.1 rồi đổ ra sông Sài Gòn. So với 3 ảnh chụp kênh Nhiêu Lộc khi xưa của Bùi Minh Sơn, kênh Nhiêu Lộc hiện nay thật đẹp và lung linh khi đêm về.
Triển lãm kết thúc vào ngày 21/11 và sẽ luân phiên triển lãm tại Quận 1, 3, Tân Bình, Bình Thạnh trong thời gian tiếp theo. |