Nhưng người dân nơi đây luôn phải sống trong tâm trạng thấp thỏm lo âu vì sự xâm thực của nước biển, quỹ đất ngày càng thu hẹp.
Từ năm 2000 trở lại đây, tình trạng nước biển xâm lấn càng trở nên nghiêm trọng hơn. Chị Nguyễn Thị Thắm, cán bộ địa chính xã Thạch Kim cho biết: “Hiện tại, sóng biển qua kè rất mạnh, xâm thực khoảng 150m. Địa phương cũng đã nhiều lần thử nghiệm trồng lại rừng phi lao chắn cát nhưng không hiệu quả vì cứ trồng xong lại chết".
Cơn bão số 8 (bão Sơn Tinh) vừa rồi, mới chỉ đi ngang và không trực tiếp đổ bộ vào Hà Tĩnh nhưng đã gây nhiều thiệt hại cho người dân Thạch Kim. Gió lớn đã làm sạt lở một đoạn kè hơn 20m và làm tốc mái khu vực chợ Hôm gây thiệt hại lên đến hơn 200 triệu đồng.
Là xã vùng biển cạnh Cửa Sót nơi giao thương buôn bán sầm uất, xã Thạch Kim có hơn 10.000 nhân khẩu với trên 2.000 hộ nhưng phải sống chen chúc trên diện tích đất tự nhiên là 260,3ha, trong đó đất ở chiếm 32ha và không có đất nông nghiệp.
Quỹ đất eo hẹp và đang có nguy cơ thu hẹp lại khiến cho quá trình xây dựng nông thôn mới ở đây dậm chân tại chỗ bởi có nhiều tiêu chí không thể thực hiện.
Ông Hà Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho biết: “Ở đây mỗi tấc đất còn quý hơn tấc vàng nên phong trào hiến đất làm đường để xây dựng nông thôn mới rất khó khăn. Không có quỹ đất, xã cũng không thể mở rộng thêm các tiêu chí văn hóa. Quy hoạch sân văn hóa xã phải lấy từ quỹ đất của nghĩa trang.”
Mật độ dân cư đông tạo ra một lượng lớn chất thải sinh hoạt, thêm vào đó là lượng chất thải, nước thải từ hàng chục cơ sở chế biến hàng hải sản, đông lạnh của hợp tác xã và tư nhân làm cho môi trường của Thạch Kim bị ô nhiễm.
Thạch Kim đã hình thành hợp tác xã môi trường thu gom, tập kết rác thải tuy nhiên hoạt động không mấy hiệu quả so với khối lượng rác khổng lồ ở đây.
Hiện nay ở Thạch Kim hệ thống nước sạch sinh hoạt vẫn chưa xây dựng được. Người dân vẫn phải dùng nguồn nước ngầm sinh hoạt và tự xây bể chứa nước mưa để sử dụng. Thế nhưng, nguồn nước ngầm lại đang ngày càng bị nhiễm mặn và ô nhiễm.
Người dân Thạch Kim bây giờ phần thì thoát ly hoặc đi xuất khẩu lao động. Các gia đình trẻ, mới cưới đều phải đi tìm mua đất ở các xã khác để định cư, chủ yếu là tại xã Thạch Bằng và xã Thạch Châu, Lộc Hà, Hà Tĩnh.
Ở thôn Phú Mậu, xã Thạch Bằng có đến hơn 60 hộ là người ở Thạch Kim sang, thôn Phú Xuân và thôn Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng có khoảng 70 hộ và ở xã Thạch Châu cũng đã có khoảng 50 hộ dân xã Thạch Kim mua đất lên đây sinh sống.
Người dân Thạch Kim đang cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của chính quyền các cấp để họ có thể an tâm bám biển mưu sinh và góp phần xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.