Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Giao thông khó khăn khi lũ lụt xảy ra. (Ảnh: Quốc Vương)
Kinh nghiệm tổ chức cứu trợ
Với chủ đề chính là “Kinh nghiệm và những bài học tổ chức cứu trợ sau lụt, bão ở miền Trung”, các đại biểu của tỉnh Bình Định tham dự tọa đàm nói riêng và các tỉnh nói chung đã nêu ra những cách làm cụ thể ở ngành, địa phương mình trong công tác này.
Với Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho biết, việc tiếp nhận với các nguồn hỗ trợ được tỉnh phân trách nhiệm cụ thể: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp nhận tiền, Hội Chữ thập đỏ tiếp nhận hàng, còn tiền từ ngân sách tỉnh trích hỗ trợ cho dân thì do Sở LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm chi, nên không để xảy ra tình trạng chồng chéo. Trước mùa mưa bão, tất cả các địa phương và đơn vị quản lý hồ, đập đều thành lập ban chỉ đạo PCLB và phương án PCLB được cấp trên phê duyệt. Các ngành, đoàn thể của tỉnh như Sở Y tế, Sở LĐ-TB&XH, Hội Chữ thập đỏ đều chủ động thực hiện tốt công tác của mình như: vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước, tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ sau bão lụt.
Theo ông Lương Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Ban PCLB - Tìm kiếm cứu nạn huyện Phù Cát, địa phương này năm nào cũng bị lũ lụt, nhưng năm nay có 2 bất ngờ không lường trước là 3 đợt lũ liên tiếp kéo dài trong một tháng rưỡi; đồng thời, lũ lụt đã cô lập nhiều xã, thôn trong thời gian dài, với hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng. Trước tình hình đó, huyện đã trích ngân sách 100 triệu đồng mua mì tôm để cứu trợ tức thời cho người dân và khắc phục đường giao thông từ huyện đến xã Cát Hiệp.
Trước đó, các xã, thôn đã phát hóa chất khử trùng nước cho dân để chủ động xử lý nước trong mùa mưa lũ. Huyện đã làm tốt công tác cứu trợ bão lụt nên trong 2 năm 2009-2010, không để xảy ra khiếu kiện trong phát hàng cứu trợ. Huyện cũng rút ra một số kinh nghiệm hay như: dùng xuồng đuôi tôm cứu hộ dân trong lũ hiệu quả hơn vì nhanh và người dân dễ sử dụng; với những vùng ngập lụt kéo dài, cần củng cố y tế cơ sở để đáp ứng nhu cầu cấp cứu, khám chữa bệnh cho dân trong thời gian bị lũ cô lập.
Và những bất cập
Chạy lũ
Bên cạnh những mặt làm được, các đại biểu cũng nêu lên những bất cập trong công tác cứu trợ sau bão lụt.
Đại diện UBND xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) cho biết, tháng 11 vừa qua, xã đã tiếp nhận trên 2.500 suất quà của 20 đoàn về cứu trợ người dân bị thiệt hại do lũ lụt. Nhờ chủ động làm tốt công tác này nên việc tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ tương đối tốt. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi bất cập, đó là có khi những người nhận cứu trợ đợt sau được suất quà có giá trị cao hơn người nhận ở các đợt trước, trong khi những người nhận quà cứu trợ đợt đầu lại chịu thiệt hại do mưa lũ nặng hơn. Ngoài ra, một số nhà hảo tâm chỉ cứu trợ theo nhóm đối tượng như: hộ nghèo, hộ bị sập nhà, trong khi những hộ cận nghèo cũng rất khó khăn thì không được hỗ trợ. Cũng có một số cá nhân chỉ cứu trợ cho đồng bào quê hương mình, dù nơi đó bị thiệt hại nhẹ, trong khi thôn khác thiệt hại nặng hơn thì không được cứu trợ.
Đại diện Hội Chữ thập đỏ cũng cùng ý kiến trên và nêu thêm một số bất cập khác như: Một số tổ chức, cá nhân cứu trợ không thông qua đại diện chính quyền địa phương; chính quyền địa phương chọn đối tượng cứu trợ thiếu minh bạch, công bằng, gây mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư và mất uy tín cán bộ; một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng cứu trợ để thải bớt đồ cũ, hàng kém phẩm chất - đây là việc làm thiếu tính nhân ái, nhân đạo.
Ở khía cạnh khác, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phan Như Hải nêu ra một thực tế là khi thiên tai xảy ra trên diện rộng, người dân có suy nghĩ rằng ai cũng gặp khó khăn như nhau nên đều cần được hỗ trợ, còn chính quyền lại nể nang nên thường chia đều gạo cứu trợ cho các hộ dân. Ngoài ra, một số địa phương khảo sát nhà sập hoàn toàn do bão lụt thiếu chặt chẽ, nên báo cáo thiếu chính xác, khi tỉnh kiểm tra lại phải loại bớt.
Chủ động ứng phó bão lụt
Ngoài tập trung vào chủ đề chính, buổi tọa đàm cũng đề cập và chia sẻ những kinh nghiệm hay trong chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, đã được đúc kết từ buổi tọa đàm tổ chức tại Hà Tĩnh vào tháng 11 vừa qua.
Với Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh), huyện đã xây dựng đề án sản xuất vụ Hè Thu phù hợp với từng nhóm các xã có cùng đặc điểm địa lý, đảm bảo thu hoạch xong trước lũ. Huyện cũng chuẩn bị ở mỗi xã 1-5 thuyền gắn máy tải trọng 2-10 tấn và chủ động ký hợp đồng với chủ phương tiện để nhanh chóng huy động khi xảy ra lũ lụt. Các ngành chức năng và người dân sẵn sàng ứng phó, dự trữ lương thực phòng lũ kéo dài. Các công trình xây dựng như cơ quan, trường học... được xây kiên cố, để dùng làm nơi tránh lũ cho dân. Chính quyền phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc; cử cán bộ trực tiếp chỉ đạo các địa phương...
Còn xã Phương Mỹ (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), dù là vùng rốn lũ, nhưng 10 năm qua không để xảy ra trường hợp chết người do lũ. Theo lãnh đạo xã này, quan trọng nhất là nâng cao nhận thức cho người dân, trong đó chi hội phụ nữ, thanh niên, trưởng xóm là nòng cốt. Xã hướng dẫn người dân làm bè bằng cách ghép các phuy nhựa vào nhau rồi đặt tài sản, vật dụng lên trên, neo chặt bè khi lũ về; khi hết lũ thì dùng các phuy trong sinh hoạt hàng ngày và chuẩn bị cho mùa lũ năm sau. Trong khi đó, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) thì duy trì phong trào trồng tre quanh xóm để hạn chế dòng chảy của nước lũ...
Một số địa phương khác ở các tỉnh Bắc Trung Bộ cũng có những kinh nghiệm hay như: mỗi nhà dự trữ vài can nhựa nước sạch loại 20 lít và cột các can với nhau bằng dây thừng; dùng dây cao su buộc chặt nilon lên miệng giếng trước lũ để có nước sạch dùng sau lũ; làm nhà cao, kiên cố hoặc chòi vượt lũ…