Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Người thương binh quét rác, nuôi con vào đại học

(08:55:37 AM 14/11/2012)
(Tin Môi Trường) - Dù cho cuộc sống có vô vàn khó khăn, vất vả nhưng ông Lộc vẫn âm thầm hi sinh bản thân mình cho tương lai của các con.

Sinh năm 1954, lớn lên trong một gia đình nghèo ở vùng quê tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Quỳnh Lộc sớm phải sống trong cảnh đói khổ, vất vả ngược xuôi. Trước cảnh người dân sống cơ cực dưới ách thống trị của thực dân, chàng thanh niên Nguyễn Quỳnh Lộc đã lên đường tham gia chiến đấu chống giặc ngoại xâm ở chiến trường miền Nam. Năm 1975, ông nhận nhiệm vụ cao cả tại chiến trường K và bị thương 2 lần tại sân bay Hòa Bình.

 

quet rac

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Nỗi đau trở về từ chiến trường

 

Năm 1978, ông Lộc được lệnh chuyển về các tỉnh biên giới phía Bắc. Năm 1979, ông Lộc đã bị thương nặng. Do sức khỏe bị giảm sút nghiêm trọng nên ông được giải ngũ. Năm 1985, ông Lộc nên duyên vợ chồng với cô gái quê ở tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thị Bình.

 

Những ngày tháng gian lao, vất vả nơi chiến trường, việc ăn uống thất thường nên ông Lộc thường xuyên bị những cơn đau dạ dày hành hạ. Ông Lộc chia sẻ: "Những cơn đau cứ dồn dập lên cơ thể khiến tôi vật vã lăn từ trên giường xuống đất, nằm co quắp. Lúc đó gia đình quá túng thiếu nay con ốm, mai con đau nên tôi cũng không đến bệnh viện". Trước hoàn cảnh khó khăn của ông Lộc, chính quyền địa phương và bạn bè đã giúp đỡ, đưa ông đến bệnh viện để cắt bỏ phần dạ dày hư, tìm cơ hội sống cho ông.

 

Thế nhưng, mọi thứ thật không dễ dàng với ông Lộc. Sau khi khám và xét nghiệm, các bác sĩ cho biết dạ dày của ông đã bị thủng và do sức khoẻ của ông quá yếu nên không thể thực hiện được ca phẫu thuật. Ông Lộc nói: "Lúc đó, tôi nghĩ  sự sống và cái chết của mình quá mỏng manh. Trong lúc khốn khó ấy, vợ lại sinh Minh Phú khiến tôi không thể nào chống chọi nổi với nỗi đau bệnh tật của mình".

 

 Sau một hồi dằn vặt, ông Lộc nói với các bác sĩ: "Sống chết thế nào, các anh cứ mổ cho tôi. Tôi bốn lần bị thương dưới bom đạn của quân thù còn không chết thì lần này không chết được đâu". Nói xong, ông Lộc đã tự kí giấy cam đoan với bệnh viện để bắt đầu ca phẫu thuật. Tỉnh lại sau cuộc phẫu thuật, ông Lộc nhìn mọi người và nói đùa "Số tôi vẫn còn cao lắm, như vậy là không chết rồi".

 

Hành trình cùng con đến trường

 

Trước sự hi sinh của cha mẹ, ba trong bốn đứa con của ông Lộc đã phấn đấu thi đỗ đại học. Vì thương cha mẹ vất vả, cậu con trai thứ tư quyết định đi học nghề để bớt gánh nặng. Ông Lộc nói: "Nhiều lúc các con thấy hai vợ chồng tôi vất vả nên đòi nghỉ học ở nhà phụ giúp. Tôi không đồng ý và khuyên chúng: "Các con chịu khó đi, nếu các con thấy cha mẹ vất vả, mà sự vất vả đó lại vì các con thì hãy học cho thật giỏi để không phụ lòng những công lao nhọc nhằn của cha me"å. Không phụ lòng tận tâm của cha mẹ, cậu con trai thứ 3 không tay Minh Phú đã đến được với cổng trường đại học năm 2011. Ngày con nhận quyết định vào nhập học, ông Lộc phải gác lại việc đồng áng, cùng con đến trường.

 

Ở thành phố, việc lo từng miếng cơm, cái áo, cái quần, từng cuốn sách cho con đến trường rồi lại ngồi chờ con trở về khiến cho một người vốn luôn gắn bó với việc đồng áng nặng nhọc như ông luôn bồn chồn, bứt rứt, đứng ngồi không yên. Ông Lộc chia sẻ: "Nếu như mọi chi phí của hai cha con cứ chờ đợi ở sự cung cấp từ công việc đồng áng của vợ thì vô lí quá trong khi mình ngồi không". Nghĩ như vậy, ông Lộc đã liên hệ với ban lãnh đạo kí túc xá để xin một công việc tại đây.

 

Biết hoàn cảnh khó khăn của ông Lộc, ban lãnh đạo sắp xếp cho ông việc quét dọn hành lang khu nhà ở của sinh viên đồng thời nhổ và chăm sóc cỏ ở khu vực trung tâm kí túc xá. "Công việc tuy vất vả nhưng đỡ đần được gánh nặng cho vợ và giúp con yên tâm học hành nên tôi thấy rất vui", ông Lộc nói.

 

Hàng ngày, sau khi công việc đã hoàn tất, ông Lộc lại trở về căn phòng nơi hai bố con có những giấc ngủ ngon sau một ngày lao động. Trong khi chờ cậu con trai đi học về, ông lại say mê với những cuốn sách cũ kĩ của mình. Ông Lộc nói: “Tôi ở tuổi này, thì niềm vui lớn nhất của tôi là đọc sách báo, để kiểm tra kiến thức nếu không dần dần sẽ lãng quên mọi thứ”.

 

"Không xây cho con ngôi nhà đẹp mà giúp con có một tấm bằng"

 

Những khó khăn về kinh tế, bệnh tật không làm người cha ấy chùn bước mà vẫn lặng lẽ đi sau cuộc sống của các con. Nhiều người bảo ông: “Sinh con ra phải có trách nhiệm nuôi con khôn lớn, cho con ăn học đến nơi đến chốn. Khi con trưởng thành thì dựng vợ gả chồng, xây cho mỗi đứa một ngôi nhà”. Nhưng ông Lộc quan niệm: "Vợ chồng tôi không làm những gì những người khác làm cho con của họ. Thay vì xây nhà cho con, chúng tôi giúp cho các con mỗi đứa có một tấm bằng. Và trên cái nền ấy, các con tôi tự ý thức để xây dựng cho cuộc sống của mình ý nghĩa hơn". 

 

(Nguồn: Thơ Trịnh/NĐT)