Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Thời gian qua, Báo CATP có bài phản ánh nhiều đại gia thủy sản ở miền Tây phá sản. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp như: Công ty cổ phần thủy sản Bình An, Công ty Phương Nam... lại được ngân hàng giải cứu. Doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản vỡ nợ bị xem xét trách nhiệm hình sự; còn đại gia thủy sản để lại món nợ hàng ngàn tỷ đồng lại ung dung cùng gia đình sang Mỹ. Đây là một nghịch lý đang diễn ra ở miền Tây. Qua việc trên, các cơ quan chức năng đã vô tình tiếp tay cho việc hợp thức hóa của đại gia ảo thành lập doanh nghiệp rút tiền ngân hàng rồi bỏ trốn với cụm từ quen thuộc “ra nước ngoài chữa bệnh”.
Lập doanh nghiệp chỉ để vay ngân hàng
Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đang xem xét một số sai phạm tại Công ty TNHH Mai Sao (gọi tắt Công ty Mai Sao, trụ sở tại huyện Châu Thành, Kiên Giang) do Cao Hướng Thiên làm giám đốc. Đầu năm 2012, một số đối tác phát hiện công ty đóng cửa, họ gọi điện cho giám đốc Thiên nhưng điện thoại khóa máy. Hàng loạt cá nhân mua bán với công ty bị chiếm đoạt vốn không biết bao giờ mới được hoàn lại. Tuy mới thành lập, Công ty Mai Sao được tỉnh Kiên Giang ưu đãi, nằm ở vị thế đắc địa, cặp cảng cá Tắc Cậu, nơi nhiều ghe tàu đánh bắt cập bến. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty lại thu nhập chủ yếu bằng vốn... vay ngân hàng!
Khi công an kiểm tra tài sản của công ty thì phía ngân hàng phát hiện giá trị vốn được duyệt vay gấp hàng ngàn lần tài sản thực. Nhờ vay ngân hàng nhiều hơn kinh doanh, ông Thiên có mối thâm tình với cán bộ nơi này. Khi không còn khả năng sản xuất, ông vẫn tìm cách rút tiền ngân hàng. Theo kết quả kiểm tra, ông Thiên làm giả hồ sơ nâng giá trị tài sản thực để thế chấp nhiều ngân hàng. Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Kiên Giang kết luận, tính đến tháng 6-2012 Công ty Mai Sao để dư nợ cho Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Chi nhánh Kiên Giang (VCB) và Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư phát triển Việt Nam Chi nhánh Kiên Giang (BIDV) gần 60 tỷ đồng. Trong đó, VCB gánh gần 42 tỷ.
Kiểm tra hồ sơ vay, nhiều người giật mình. Tuy duyệt vay số tiền hàng chục tỷ đồng nhưng hai ngân hàng trên xét duyệt và thẩm định hồ sơ chỉ bằng... cảm tính, không kiểm soát được số hàng tồn kho cũng như khả năng kinh doanh thực tế của công ty đã gần phá sản. Bên cạnh đó, ông Thiên còn chỉ đạo cấp dưới lập hai hệ thống sổ sách kế toán để đối phó với việc kiểm tra sử dụng vốn, lập chứng từ khống hợp thức hóa việc mua bán nguyên vật liệu, kê khống hàng tồn kho... Khi không còn khả năng cầm cự với khoản nợ hàng chục tỷ đồng, ông Thiên âm thầm đóng cửa công ty và tuyên bố phá sản.
Quyết định bổ nhiệm từ... Mỹ (!)
Khi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đang xem xét trách nhiệm hình sự của Công ty Mai Sao, các cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng cùng ngồi lại tìm hướng giải cứu Công ty Phương Nam do ông Lâm Ngọc Khuân làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Từng được xem là đại gia của ngành thủy sản khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đứng Top 10 doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cao nhất nước, Công ty Phương Nam cũng để lại món nợ... “xứng tầm”: hơn 1.600 tỷ đồng. Cuối năm 2011, trước khi ông Khuân cùng gia đình âm thầm sang Mỹ chữa bệnh, công ty vẫn báo cáo kim ngạch xuất khẩu đạt 74 triệu đôla. Sau đó, ông Khuân thuê hàng chục doanh nghiệp xây dựng công ty con để làm thủ tục vay ngân hàng rồi bỏ trốn. Việc nợ nần, ông Khuân ủy quyền cho cháu ruột là Huỳnh Phúc Quế (SN 1982) giải quyết.
Nợ nần chồng chất, tiền xây dựng không thanh toán, công nhân nghỉ việc, Công ty Phương Nam đành ngưng hoạt động. Ngày 9-8-2012, ông Khuân có thư gởi bảy ngân hàng là chủ nợ lớn cáo “ở luôn bên Mỹ”. Các ngân hàng ngồi lại kiểm tra số nợ và tài sản của Phương Nam mới giật mình: số tiền mất cân đối lên đến... 860 tỷ đồng! Một số hồ sơ vay vốn được các ngân hàng giải quyết quá dễ dàng để ông Khuân bỏ túi hàng triệu đôla rồi sang Mỹ lánh mặt. Trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, lãnh đạo tỉnh và ngân hàng ngồi lại tìm cách “giải cứu” Phương Nam khi mà người gây ra nợ nần, chiếm đoạt tiền ngân hàng cùng gia đình lại sống thoải mái tại Mỹ. Ngay lúc đó, ông Trần Văn Trí, chồng bà Diệu Hiền, vừa thôi giữ chức ở Công ty Bình An, hiện là Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư quốc tế Trí Việt (có trụ sở tại TPHCM) phát biểu trên báo chí xin giải cứu, tái cơ cấu lại Phương Nam.
Ngày 6-11-2012, từ Mỹ ông Khuân thông qua các thành viên Hội đồng quản trị là thành viên gia đình đang lánh nợ ký quyết định bổ nhiệm ông Trần Văn Trí làm giám đốc doanh nghiệp thay cho cô con gái rượu Lâm Ngọc Hân. Bảy chủ nợ lớn của Công ty Phương Nam đã đồng ý và xem xét tái cơ cấu lại công ty. Theo một đại gia ngành thủy sản Việt Nam, tái cơ cấu Công ty Phương Nam chỉ là giải pháp tình thế. Hiện nay, tình hình xuất nhập khẩu khó khăn, nguồn nguyên liệu khan hiếm, Phương Nam lại gánh lãi khủng, đến bao giờ bảy ngân hàng thu hồi được nợ chưa có câu trả lời chính thức. Khi đó, ngân hàng bị chiếm đoạt và ông Khuân lập hồ sơ vay tiền bằng tài sản thế chấp, khả năng thanh toán bằng con số 0 là điều có thật. Bên cạnh đó, người lèo lái “con thuyền nợ nần” của Công ty Phương Nam là ông Trần Văn Trí, nguyên Tổng giám đốc Công ty Bình An, được Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội giải cứu thì liệu có trấn an được dư luận?
Ông Trần Văn Trí là ai?
Sinh năm 1966, trú tại phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, chưa từng tham gia kinh doanh. Trước đó, ông Trí làm hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề khu vực đồng bằng sông Cửu Long (trụ sở tại TP.Cần Thơ, hiện đổi tên là Trường Kỹ thuật nghiệp vụ giao thông vận tải khu vực ĐBSCL), để lại trong thời gian quản lý là nợ chồng nợ! Bản thân ông tạm ứng 70 triệu đồng chưa thanh toán. Hiện trường đang trong tình cảnh phá sản, số nợ hơn 40 tỷ đồng không có khả năng thanh toán. Trong đó, nhiều giáo viên bị ngâm lương bốn năm không trả. Một số ý kiến đề nghị bán trụ sở (ảnh) để giải quyết nợ nần.
Đầu năm 2012, ông Trí được nhiều người biết đến khi xin lãnh đạo TP.Cần Thơ thôi giữ chức hiệu trưởng để giải quyết nợ nần cho vợ là bà Diệu Hiền đi nước ngoài chữa bệnh. Khi ông này được giữ chức Tổng giám đốc Công ty Bình An, các con nợ lại phát “sốt” trước lời hứa sẽ giải cứu công ty. Rất may Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội đã giải cứu Công ty Bình An và bầu lại thành viên Hội đồng quản trị.