Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bị dân phản đối, Brazil dừng công trình thủy điện

(16:11:20 PM 13/11/2012)
(Tin Môi Trường) - Hôm 12/11, nhà chức trách Brazil đã phải cho dừng dự án đập thủy điện Belo Monte trị giá 13 tỉ USD, sau khi những người biểu tình phóng hỏa vào các công trình xây dựng thủy điện vì lo ngại tàn phá hệ sinh thái nơi họ sinh sống.


 

Người dân phản đối đập thủy điện Belo Monte ngay trước nơi tổ chức cuộc họp Quốc hội Brazil ở thủ đô Brasilia hồi tháng 2-2012 - Ảnh: Getty Images.

 

 

Người phát ngôn Công ty Consorcio, công ty xây dựng đập thủy điện Belo Monte, cho biết hôm 10-11, một nhóm gồm 30 người biểu tình đã phóng hỏa vào các nhà tiền chế tại công trình Pimental của đập Belo Monte. Sau đó một ngày, một nhóm khác lại phóng hỏa vào hai công trình xây dựng khác là Canais và Diques.

 

Trước đó, nhiều người dân đã kịch liệt phản đối kế hoạch xây dựng đập Belo Monte. Họ cho rằng việc xây dựng đập thủy điện bắc qua sông Xingu, một nhánh của sông Amazone, sẽ đe dọa cuộc sống của họ. Theo các nhà bảo vệ môi trường, việc xây dựng đập sẽ dẫn đến nạn phá rừng, hiệu ứng nhà kính và gây mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng.

 

Ngoài những lo ngại về môi trường, việc lương bổng của các công nhân cũng khiến công trình xây dựng này bị phản đối kịch liệt. “Công ty Consorcio chỉ đồng ý tăng 7% lương cho công nhân trong khi tỉ lệ lạm phát lại lên tới 30%” - Xingu Vivo, một thành viên thuộc nhóm biểu tình phi chính phủ, cho biết.

 

Theo Chính phủ Brazil, đập thủy điện Belo Monte sau khi hoàn thành sẽ gây ngập lụt cho một khu vực rộng hơn 500km2 quanh sông Xingu và khiến 16.000 người mất nhà cửa. Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ cho biết số lượng người dân bị mất nhà cửa lên đến 40.000 người.

 

Chính phủ Brazil kỳ vọng đập thủy điện Belo Monte với công suất 11.000 megawatt sẽ trở thành đập thủy điện lớn thứ ba thế giới chỉ xếp sau đập Tam Hiệp của Trung Quốc và đập Itaipu ở miền nam Brazil.

 

ĐÔNG PHƯƠNG/TTO (Theo AFP)