Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
>> Kỳ 1: Khu rừng mang tên đại tướng
Thầy cúng Diêu Phù kể về “miếu cãi” trong khu rừng thiêng ngay phía trên ngôi nhà sàn của cụ - Ảnh: Vũ Thủy |
“Tòa án” giữa rừng già
Bản Phùng là một trong những xã xa nhất về phía tây huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang). Đường lên Bản Phùng như con rắn vắt sườn dãy núi Tây Côn Lĩnh, một bên là núi đá dựng đứng, phía dưới là vực sâu hoang thẳm.
Sau mấy chục cây số đường cứ dốc lên mãi chẳng thấy xuống, bản làng La Chí hiện ra đẹp như cảnh thần tiên. Ruộng bậc thang đang vào mùa gặt chín vàng các sườn núi. Những ngôi nhà sàn nhỏ bé đứng bên những cánh đồng vàng óng. Phó bí thư Đảng ủy xã Long Văn Cương quần áo tề chỉnh đã chờ sẵn. Hôm nay anh là người đưa đường cho chúng tôi đi thăm “miếu cãi” trong khu rừng thiêng của người La Chí. Anh chỉ về phía cao nhất của Bản Phùng, nơi có một vệt xanh thẫm: “Rừng thiêng của người La Chí đấy. Miếu thiêng nằm trong đó”. Lại tiếp tục đi lên.
“Miếu cãi” nằm sâu giữa rừng, cạnh một gốc cây to cổ thụ, gần ngôi đền cúng thần rừng. Khu rừng rậm rì những gốc cây to và vắng lặng. Nhà thấy cúng của bản nằm ngay chân rừng. Ngồi bên cái bếp nhà sàn đỏ lửa, rít một hơi thuốc lào từ điếu cày, thầy cúng Diêu Phù kể cho chúng tôi nghe về phong tục có từ ngàn xưa của người La Chí.
Từ thời ông cha xưa để lại, cái miếu nhỏ xíu xiu trong rừng ấy lại là “tòa án” to nhất của dân Bản Phùng. Những ân oán, thù hận, những nghi vấn, ngờ hoặc lẫn nhau của dân bản đều được đưa ra “xét xử” ở đây. Chuyện kể lại rằng: hễ ai có xích mích hay gây mất lòng, thù hận nhau hoặc nhà nào trộm cắp con trâu, con gà của nhau mà không có bằng chứng, tang vật, cứ tranh cãi dùng dằng thì cùng dắt tay nhau vào rừng để thần rừng phân xử.
Mỗi bên đều phải chuẩn bị lễ vật cúng thần rừng để giải oan, mổ con lợn, làm thịt con gà rồi vào rừng. Tám thầy cúng của bản sẽ đứng ra làm lễ mời thần rừng đến phân xử đúng sai. “Phiên xử” linh thiêng và hết sức đặc biệt giữa rừng tiếp tục khi các thầy cúng cho phép mỗi người trình bày oan khuất của mình cho thần rừng nghe, cho thầy cúng biết và người làng tường tận. Có sự chứng kiến của thần rừng nên chẳng ai dám nói dối. Làm lễ xong thì mở tiệc ngay giữa rừng đãi bà con dân bản, sau đó ai về nhà nấy. Bước ra khỏi rừng những mâu thuẫn, hiềm khích coi như “xí xóa”, không bên nào được nhắc lại nữa. Không ít người trước khi vào rừng còn chối bay chối biến những hành vi sai trái của mình, nhưng bước vào miếu thiêng, sợ thần linh trừng phạt họ nhận lỗi rồi bồi thường thiệt hại cho “bên nguyên”.
Theo quan niệm của người La Chí, tổ tiên họ là Hoàng Dìn Thùng. Thân thể ông là dãy núi đất trùng điệp trên đó các bản làng La Chí sinh tụ. Phần đầu của ông sinh ra người anh cả ở Bản Díu, người con thứ hai sinh ra từ bụng là Bản Phùng, còn người con út sinh ra ở chân là Bản Máy, Bản Pắng. Họ đều là anh em một nhà và có chung 10 cánh rừng thiêng. Anh Long Văn Cương, phó bí thư Đảng ủy xã Bản Phùng, cũng là người La Chí. Anh cho biết tục lệ linh thiêng ấy của ông cha vẫn tồn tại cho đến hôm nay, lễ giải oan không còn nhiều như xưa nhưng nó mang giá trị tinh thần rất lớn, khiến anh em La Chí trung thực, hòa thuận và đoàn kết với nhau hơn. |
Anh Long Văn Cương bảo rằng dân bản tuyệt đối tin vào sự công minh của thần rừng. Họ phó thác chân lý cho thần rừng bởi họ tin rằng ai sai mà gian dối thì sẽ bị thần linh phạt, gà vịt, trâu bò, người trong nhà sẽ gặp nạn. Trong lịch sử của người La Chí, có lẽ bởi “tín nhiệm” thần rừng nên dân Bản Phùng chẳng mấy khi phải động đến tay chân hay “võ mồm”.
Không biết những “miếu cãi” của người dân có từ bao giờ. Trong cuốn biên niên sử duy nhất của người La Chí không thấy nhắc đến, những người già nhất ở Bản Phùng cũng không thể nào tường tận, họ chỉ biết được rằng khi họ sinh ra tục lệ đã có rồi!
Mẹ cả của những cánh rừng sau núi
Người La Chí Bản Phùng với gần 500 hộ gia đình nằm trải dài một bên sườn núi, còn khu rừng thiêng nằm ngay chỗ cao nhất của bản, trên đỉnh Lủng Cẩu.
Dân làng La Chí sống dựa vào những cánh rừng thiêng. Thầy cúng Diêu Phù kể rằng nếu mùa màng bị sâu hại, trâu bò, con người mang dịch bệnh họ nghĩ ngay đến việc đã làm mạo phạm thần linh. Già bản sẽ bói để xem phải cúng ở rừng nào. Sâu bọ phá mùa màng cúng rừng này nhưng trâu bò chết lại cúng ở rừng khác... Từ ông thầy cúng già cho đến đứa trẻ ở Bản Phùng đều “coi rừng như mẹ cả”. Và người La Chí sống chết cũng phải bảo vệ mẹ rừng.
Người già trong bản kể lại rằng hồi ấy chiến tranh diễn biến ác liệt, thằng giặc Pháp từ mạn Lào Cai, Yên Bái tràn sang Bản Phùng. Chúng đốt rừng, ùa vào nhà chém giết bà con dân bản, bắt trâu bò, gà vịt làm thịt bừa phứa linh đình suốt nhiều ngày. Rồi trong đám giặc ấy có nhiều tên hóa dại điên cuồng, sau chết gục bên cạnh con suối nhỏ dưới chân bản.
Từ đấy, dân Bản Phùng bảo vệ “mẹ rừng” như cơ thể của mình. Vậy nên mới có chuyện suốt dãy núi Hoàng Dìn Thùng, nơi người La Chí sinh sống, có những cánh rừng rậm chằng chịt đủ các loại cây dù xung quanh đồi trọc bao la. Trong rừng, những cây chò, cây sanh, cây lim rêu mọc quanh thân mấy người ôm vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Anh Triệu Tiến Quang, bí thư Huyện đoàn Hoàng Su Phì, bảo rằng rừng thiêng và tục cúng thần rừng hầu như tồn tại ở tất cả dân tộc anh em xứ Hà Giang này. Với người La Chí, rừng là nơi vô cùng tôn kính, nơi trang nghiêm để “tám hồn chín vía” cha ông trú ngụ. Cứ mồng 2 tết hằng năm, họ Long, họ Vương, họ Ly, họ Tận sẽ đại diện cho bà con vào rừng mổ trâu, mổ lợn, mổ gà cùng đôi cái bánh chưng vào miếu giữa rừng sâu để “diện kiến” thần linh. Những người La Chí ở Bản Díu, Bản Pắng, Bản Máy bên kia những quả núi cũng được báo tin đến dự.
Trong suốt hành trình đi tìm những câu chuyện rừng, không chỉ ở những bản làng La Chí, chúng tôi còn bắt gặp ở xã Thèn Chu Phìn, xã Tụ Nhân (Hoàng Su Phì, Hà Giang) những khu rừng cấm còn nguyên dáng dấp của sự hoang sơ nguyên vẹn.
Điểm chung nhất ở những nơi này là tự thân người dân bản không bao giờ đụng đến rừng. “Ở Bản Phùng, hầu như không mấy khi người dân dám vào rừng, đền thờ cũng không bước vào” - cụ Diêu Phù nói như đe chúng tôi. Ai chặt cây rừng bị bắt gặp sẽ bị dân làng phạt vạ, mổ trâu, mổ lợn cúng thần rừng. Từ sự tôn trọng rừng ấy mà trong những bản làng xa tít này, người ta vẫn có thể thấy được hình dáng ẩn dật của những cánh rừng hoang sơ và cô độc.
Người Bản Phùng chẳng còn ai biết những cánh rừng thiêng có từ bao giờ. Nhưng tục mổ trâu cúng thần rừng mồng 2 tết của người La Chí vẫn diễn ra hằng năm. Và cái “bảo tàng sọ trâu” của họ cũng chẳng ai đếm được đã mấy trăm chiếc.
Nhà sọ trâu nằm ngay chân rừng cãi. Từ nhà thầy cúng Diêu Phù, chúng tôi băng qua mấy thửa ruộng bậc thang đến một ngôi nhà bên cạnh cây mận chua trĩu quả. Nhà rộng chừng chục mét vuông, không có cửa, không có tường, chỉ có gỗ rừng làm cột kèo và mấy tấm fibro ximăng để che đậy mưa nắng. Ngang trên những cột kèo ấy là nhiều sọ trâu được xếp cẩn thận và ngay ngắn. Mỗi lần cúng thần rừng, dân bản sẽ làm thịt trâu đem vào rừng cúng. Sọ trâu đem về treo lên một cây tre khô đằng sau nhà sọ trâu. Khi nào cây tre này đổ gãy thì dân làng lại tiếp tục mổ trâu để cúng thần. Còn đầu trâu bị rơi xuống đất kia sẽ được đem vào “bảo tàng” của dân tộc chính là ngôi nhà sọ trâu. Sọ trâu theo năm tháng cũng hư nát dần mòn.
Bản Phùng đẹp ngây ngất như một bức tranh với những sườn ruộng bậc thang bao la, hùng vĩ. Người La Chí bắc ống tre dài cả chục, cả trăm mét dẫn nước từ trên khe núi xuống tưới tiêu ruộng đồng. Tổ tiên của họ chọn những cánh rừng thiêng cũng chính là những cánh rừng đầu nguồn. Nhờ những khu “rừng cãi”, rừng thiêng mà nguồn nước cuối cùng cho đồng ruộng của người La Chí được bảo vệ.