Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Những loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng

(13:46:34 PM 13/11/2012)
(Tin Môi Trường) - GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội động Vật học Việt Nam, liệt kê những loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam gồm hổ, voi, sao la, voọc.

 ho

 

Hổ đứng đầu danh sách những loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam

 

 

Hổ, voi nguy cơ tuyệt chủng cao nhất

 

Hổ đứng đầu danh sách loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất ở Việt Nam khi mà số lượng loài này cách đây 50 năm là hàng nghìn con nhưng nay chỉ còn vài chục con. Mới đây nhất, ngày 9/11/2012, lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh đã phát hiện hai con hổ đã chết trên chiếc xe khách 50 chỗ đi từ Nghệ An vào TP Hồ Chí Minh.

 

“Nạn săn bắn, buôn bán, cùng với tình trạng phá rừng làm thu hẹp môi trường sống đẩy loài hổ bên bờ vực tuyệt chủng”, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật Học Việt Nam, cho biết, “Hiện nay Việt Nam chỉ còn chưa đến 50 cá thể hổ”.

 

Với hơn 50 năm điều tra, nghiên cứu về động vật hoang dã, vị giáo sư 84 tuổi này cho biết hồi đầu những năm 1960, hàng nghìn cá thể hổ sinh sống rải rác ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Sơn La, Lai Châu, dốc Cun (Hòa Bình).

 

“Hồi đó chúng tôi đi điều tra về động vật phát hiện rất nhiều dấu chân hổ ở tỉnh Lai Châu. Tuy nhiên, sau 50 năm, do nạn săn bắt hổ nấu cao, phá rừng làm thu hẹp môi trường sống, số lượng hổ đã suy giảm mạnh từ hàng nghìn con nay chỉ còn khoảng 50 cá thể chủ yếu ở Tây Nguyên như Kon Tum, Đắk Lắk, vườn quốc gia Pù Mát (tỉnh Nghệ An)”, ông Huỳnh chua sót.

 

Theo ông Huỳnh, voi đứng thứ hai trong danh sách loài có nguy cơ cao bị tuyệt chủng cho nạn sắn bắt lấy ngà vì có giá trị kinh tế cao. Giai đoạn 2005 – 2010, Việt Nam có khoảng 80 – 100 cá thể voi hoang dã nhưng nay chỉ còn khoảng 50 – 70. Voi nhà cũng suy giảm, nay còn khoảng 300 con do điều kiện nuôi không đảm bảo nên không thể sinh sản được, bệnh tật chết hoặc dân bán. Cũng phải nói nguyên nhân nữa khiến số voi suy giảm là do nạn phá rừng, thu hẹp môi trường sống nên voi dạt sang Lào.

 

Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn), giai đoạn 1975 – 1980, ước tính khoảng 1500 - 2000 cá thể voi hoang dã phân bố khắp cả nước thì đến giai đoạn 1995 – 2000, số cá thể voi giảm còn từ 100-150 và từ năm 2006 đến nay còn khoảng 70 - 130 cá thể phân bố ở 10 khu vực.

 

Ông Ngô Lê Trụ, Vụ Bảo tồn Thiên nhiên (Tổng cục Lâm nghiệp), cho biết nhiều vùng trước đây là nơi phân bố của voi nhưng đến nay không còn thông tin về sự tồn tại của voi. Điển hình là vùng Mường Tè (tỉnh Lai Châu) những năm 1974 - 1976 có khoảng 180 con nhưng đến năm 1991 chỉ còn 15 con, và đến năm 2000 không còn thông tin về voi. Vùng giáp ranh Bình Thuận, Đồng Nai, và Bà Rịa- Vũng Tàu trong giai đoạn 1979 -1983 có khoảng 80 - 90 con thì đến 1992 chỉ còn khoảng 44 con, đến tháng 10/1999 còn khoảng 6 con, và đến nay không có thông tin về sự tồn tại của chúng.

 

Số lượng cá thể voi nhà cũng suy giảm nhanh chóng. Năm 1985 có gần 500 cá thể, đến năm 1987 là khoảng 100 cá thể và đến nay chỉ còn 51 cá thể, chủ yếu ở Đắk Lắk. Nguyên nhân voi nhà suy giảm là do sự khai thác sức voi quá mức; thiếu kinh nghiệm chăm sóc dinh dưỡng và sinh sản cho voi; voi bị bán đi nơi khác để kiếm lời; voi bị bắn trộm để lấy ngà, lông đuôi, và xương…

 

Sao la cũng là loài đặc hữu chỉ có ở Lào và Việt Nam nhưng loài này cũng đang bị suy giảm. Hiện Việt Nam chỉ còn khoảng 250 cá thể. 

 

Trong số những loài động vật quý hiếm, loài voọc cũng từng bị đe dọa tuyệt chủng nhưng những năm gần đây công tác bảo tồn loài này tương đối tốt nên số lượng đã tăng. Mới đây, ngày 2/11/2012, Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Nguy cấp (EPRC) đã thả hai con voọc mông trắng – loài đặc hữu của Việt Nam - về khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, tỉnh Ninh Bình.

 

Nói về những loài voọc quý hiếm, loài đặc hữu chỉ có ở Việt Nam, ông Huỳnh cho biết voọc đầu vàng chỉ có ở đảo Cát Bà (Hải Phòng) khoảng còn 80 cá thể. Voọc mông trắng hiện còn khoảng 200 cá thể, chủ yếu tập trung ở khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình) và một phần rất ít ở hai tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình. Voọc mũi hếch, loài đặc hữu của Việt Nam, trước đây phân bố ở các tỉnh Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn. Tuy nhiên do môi trường sống bị thu hẹp, nên hiện nay loài này còn khoảng 250 cá thể, chủ yếu ở Tuyên Quang và Hà Giang. Ngoài ra còn có loài  voọc chân đen, chân xám, chân đỏ chỉ có ở Việt Nam và Lào. Hiện ba loài này còn khoảng 500 – 600 cá thể sinh sống ở Ninh Bình, Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum, Bình Định, Quảng Ngãi, Phú yên.

 

Bảo tồn phải đi đôi với phát triển

 

Theo ông Huỳnh, bảo tồn phải đi đôi với phát triển. Có thể phát triển chăn nuôi một số loài quý hiếm, như sao là chẳng hạn, thì dân vừa có lợi, vừa bảo vệ được nguồn gene.

 

Ông Hưng cho rằng giải pháp cấp bách và khả thi trước mắt chính là đẩy mạnh thực thi pháp luật. Thực thi pháp luật nghiêm minh sẽ khiến cho nhân dân thấy rằng bảo vệ ĐVHD không chỉ là vấn đề liên quan đến bảo tồn, đến nhận thức, mà sát sườn với họ hơn, nó là vấn đề liên quan tới hành động, tới pháp luật.

 

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Song, Đại học Nông nghiệp Hà Nội, cần tăng cường đầu tư cho công tác giám sát (nguồn lực con người, công cụ thực thi về chính sách và công cụ theo dõi, giám sát, v.v…); tăng mức phạt và các hình thức sử dụng các công cụ pháp luật khác; hạn chế bớt nhu cầu về thịt động vật hoang dã thông qua tuyên truyền giáo dục cộng đồng, giám sát các nhà hàng tiêu thụ động vật hoang dã; tăng cường, ngăn chặn tại các điển chốt buôn bán động vật hoang dã qua biên giới (như Móng Cái (Quảng Ninh), Lạng Sơn, cảng Hải Phòng, sân bay); giảm bớt cầu về các loài động vật hoang dã thông qua chăn nuôi phát triển các loài này tại những trang trại.

 

Ngoài những giải pháp trên, theo ông Huỳnh, điều quan trọng là nếu cộng đồng không cùng tham gia và hưởng ứng thì không thể bảo vệ nổi động vật hoang dã. Chúng ta phải làm thế nào để dân biết rằng bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của họ.

 

“Với điều kiện kinh tế, khoa học như hiện nay, tôi hy vọng các thế hệ sau làm tốt hơn thế hệ chúng tôi nhằm góp phần vào bảo tồn những loài động vật quý hiếm đặc hữu của Việt Nam, bảo vệ nguồn gene đa dạng sinh học của đất nước và thế giới”, ông Huỳnh mong muốn.

Bài và ảnh: Mạnh Cường