Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Đó là ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà văn hóa đã nhiều năm gắn bó với việc nghiên cứu khu vực rừng quốc gia Ba Vì tại buổi tọa đàm “Chung tay cứu Vườn quốc gia Ba Vì”, do báo KH&ĐS tổ chức vào sáng 14/3/2011.
TBT Nguyễn Minh Quang phát biểu tại buổi tọa đàm |
Đánh giá về tầm quan trọng của rừng Ba Vì, GS Nguyễn Lân Dũng cho biết: “Khu vực rừng quốc gia Ba Vì là khu hệ thực vật, động vật và cả sinh vật rất phong phú, nhiều loài chỉ có ở Ba Vì mới có. Hệ sinh vật này không chỉ có giá trị nghiên cứu về loài, mà nó còn có đóng góp quan trọng cho nền y học, với nhiều loại thuốc quý. Hơn nữa, Ba Vì còn là vùng đất tổ, đất thiêng của dân tộc”.
Chia sẻ về các giá trị văn hóa của vùng đất Ba Vì, TS. Nguyễn Xuân Diện, Viện nghiên cứu Hán Nôm nói: “Làng quê Việt ở xứ Đoài là nơi cất giữ gia sản văn hóa của tổ tiên. Kiến trúc đình, chùa, miếu và các nhà ở dân gian là kết tinh sự hiểu biết của người xưa về môi trường, kiến trúc và quan niệm về sự ở của tổ tiên chúng ta. Cách bố trí dân cư theo hình xương cá, hoặc bố trí dọc theo nguồn nước là cách tự vệ, sự tuân thuận theo tự nhiên, hòa hợp với thiên nhiên, lợi dụng với thiên nhiên, đây là một chí lý của người Việt xưa”.
“Tuy nhiên, hiện nay Ba Vì đang bị xâm hại nghiêm trọng, với nhiều dự án đang tàn phá nơi đây. Tình hình đã đến mức khẩn trương, phải đình chỉ tức khắc các dự án đang và sẽ xây dựng tại đây. Thậm chí xử lý hình sự những cá nhân vi phạm. Chúng ta cần có việc làm, hành động ngay để bảo vệ nó”, GS Nguyễn Lân Dũng cảnh báo.
Ba Vì đang bị đào xới tan hoang |
Cũng đồng quan điểm trên, PGS.TS Hồ Uy Liêm - Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng: “Ba Vì là mảnh đất thiêng cả về văn hóa và sinh thái, nên bằng mọi giá ta phải bảo vệ. Ngoài việc tiến hành khảo sát để báo cáo lên cơ quan Đảng, Nhà nước, phải kiến nghị cơ quan chức năng có văn bản với những quy định đặc thù cho Ba Vì, để vùng đất này không bị xâm hại”.
“Ba Vì không chỉ là vùng đất lịch sử, văn hóa, tự nhiên, mà nó còn có giá trị về kinh tế tiềm ẩn. Vì nó cho ta nhiều loại cây trái, rau quả có giá trị kinh tế cao, kết hợp với làm du lịch đồng quê, sẽ giáo dục lớp con cháu thêm yêu các vùng quê Việt Nam hơn” - TS. Ngô Kiều Oanh, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đóng góp giải pháp vừa bảo vệ, và phát huy các giá trị của vùng đất Ba Vì.
Kết thúc buổi tọa đàm, ông Nguyễn Minh Quang, Tổng biên tập báo KH&ĐS kết luận: “Những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà văn hóa trong buổi tọa đàm này sẽ được báo KH&ĐS tổng kết, kiến nghị lên các cơ quan chức năng. Đồng thời, báo sẽ tiếp tục thông tin, điều tra thêm về các dự án khác nhau tại Ba Vì, để có cái nhìn toàn diện hơn về thực trạng “xẻ thịt” Ba Vì hiện nay”.