Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Theo Viện Vật lý Địa cầu, một trận động đất mạnh 5,2 độ richter xảy ra hồi 1h50 sáng 31/12 ở độ sâu 15-17 km khu vực huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Cư dân sống ở các huyện lân cận như Mường La, Bắc Yên, cũng cảm nhận được sự lung rắc nhẹ.
Chú thích ảnh: Theo bản đồ phân vùng chấn động cực đại Việt Nam, đứt gãy sông Mã nằm trong vùng có tiềm năng động đất lớn nhất nước ta (nguồn: Viện Vật lý Địa cầu)
Đến 4h44 sáng cùng ngày, xảy ra trận động đất thứ hai mạnh 4 độ richter ở độ sâu 12 km cũng gần ngay vị trí trên và được cho là dư chấn của trận thứ nhất.
Sở Khoa học&Công nghệ Tỉnh Sơn La cho biết chưa ghi nhận được thiệt hại gì về người và của từ trận động đất này, kể cả ở khu vực thủy điện Sơn La, nơi đập chắn được thiết kế chịu được động đất cấp 9.
Đây là lần thứ hai kể từ trận động đất gần đây nhất, mạnh 3,5 độ richter ngày 9-11, xảy ra ở huyện biên giới Sốp Cộp cũng của tỉnh Sơn La. Động đất này, với mức chấn động cấp bốn theo thang MSK-64, được xem là trận động đất lớn nhất ở nước ta trong năm 2010.
Đứt gãy sông Mã đang hoạt động
Đáng chú ý, trận động đất sáng qua cùng với bốn trận động đất có độ mạnh đảng kể ở huyện Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa) trong năm qua đều được cho là xảy ra trên cùng một đứt gãy mang tên sông Mã.
Tại đứt gãy này, trên địa bàn Điện Biên năm 1935, từng xảy ra một trận động đất mạnh 6,75 độ richter. Năm 1983, lại xảy ra một trận nữa mạnh 6,7 độ richter ở huyện Tuần Giáo (Điện Biên) cũng thuộc đứt gãy sông Mã.
Theo GS.TS Nguyễn Đình Xuyên, chủ nhiệm một đề tài cấp nhà nước về quan sát dao động nền và dự báo động đất kinh phí khiêm tốn gần hai tỷ đồng đã được nghiệm thu, đứt gãy sông Mã- Lai Châu- Điện Biên- Sơn La hiện có tiềm năng phát sinh động đất mạnh nhất trong nhóm năm nhóm đứt gãy ở nước ta. Các đứt gãy còn lại được xem là yếu hơn về khả năng phát sinh động đất
Xem xét đặc điểm giải phóng ứng suất giai đoạn 1900- 1992 và các thời kỳ hoạt động động đất tích cực, người ta thấy chu kỳ tích luỹ ứng suất ở miền Bắc Việt Nam là khoảng 35- 48 năm. Theo suy luận đó, khoảng 20- 30 năm nữa, một trận động đất mạnh như ở Tuần Giáo năm 1983 có thể xảy ra.
“Chúng ta đang sống trong vùng chịu ảnh hưởng động đất ở mức trung bình trong khu vực”, TS Lê Tử Sơn, Viện Vật lý Địa cầu, trả lời PV. Những nước trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia và Philippines chịu ảnh hưởng của động đất nhiều hơn so với Việt Nam. Tuy nhiên trong thế kỷ 20, Việt Nam cũng đã chi nhân được 40 trận động đất lớn.
Nhưng nếu nói chúng ta đang sống trong vùng ít xảy ra động đất, theo TS Nguyễn Ngọc Thuỷ, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, cũng không đúng. Trên bản đồ phân vùng động đất mà các nhà khoa học xây dựng trên cơ sở các dữ liệu kiến tạo, lãnh thổ Việt Nam bị phân thành các đơn vị khác nhau tham gia vào các vận động khu vực.
Đó là miền nền cổ Hoa Nam bao gồm toàn bộ phần Đông Bắc Việt Nam mà ranh giới Tây Nam là đứt gãy sông Hồng, hệ uốn nếp Bắc Việt Nam, hệ uốn nếp Thái Lan- Mã Lai và các đới sụt lún sông Hồng và sông Mekong.
Các địa khối này chia cắt vỏ trái đất thuộc lãnh thổ Việt Nam thành một mạng lưới đứt gãy kiến tạo phức tạp. Chính sự dịch chuyển đột ngột của các địa khổi đứt gãy là nguyên nhân phát sinh động đất.
Để giảm thiểu thiệt hai khi xảy ra động đất, theo các nhà khoa học, ngay từ bây giờ việc xây dựng các nhà cao tầng cần tính đến khả năng kháng chấn. Bộ Xây dựng đã ban hành quy phạm xây dựng dựng kháng chấn như một tiêu chuẩn bắt buộc trong xây dựng nhà cao tầng. Cũng được biết là Việt Nam đã thành lập một lực lượng cứu nạn khi xảy ra động đât.