Vào tháng 8-2012, đoàn công tác liên ngành do ông Mai Thanh Dung, Cục trưởng Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên - Môi trường), làm trưởng đoàn đã khảo sát khu dự kiến thực hiện 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Trái với mong đợi của dư luận về những đánh giá khách quan, chuyến khảo sát “thần tốc” của đoàn khiến cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên và các nhà khoa học vô cùng sửng sốt: khảo sát 370 ha rừng đặc dụng (kiểu rừng rất khó khăn cho việc di chuyển) trải dài qua địa bàn 3 tỉnh: Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Nông chỉ trong 2 ngày (24 và 25). Nhiều cán bộ VQG Cát Tiên tháp tùng chuyến khảo sát khẳng định đoàn làm việc chưa đi hết khu vực dự án và “chủ đầu tư đã khéo léo vạch ra một tuyến đường đi qua khu vực toàn tre nứa, lồ ô”.
Ông Mai Thanh Dung, Cục trưởng Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường (trái) và ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đức Long Gia Lai, trong chuyến khảo sát tại VQG Cát Tiên ngày 24-8. Khi phóng viên đưa máy lên chụp hình, ông Bùi Pháp đã chỉ tay và lớn tiếng cho rằng phóng viên đeo bám gây ảnh hưởng công việc của chủ đầu tư. Ảnh XUÂN HOÀNG
Sau chuyến đi “thần tốc” ấy, ông Nguyễn Vũ Trung, Phó Phòng Đánh giá môi trường tổng hợp, Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (người đã lớn tiếng yêu cầu: “Báo chí, nhà khoa học phải khách quan, trung thực, thể hiện danh dự, lòng tự trọng và tính chịu trách nhiệm của mình. Không thể à ơi theo tâm lý bầy đàn...”), với tư cách là thư ký đoàn, đã báo cáo kết quả lên lãnh đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường.
Bản báo cáo dành khá nhiều hình ảnh “tốt đẹp” để giới thiệu về 2 dự án: sản lượng điện 929 triệu KWh, hiệu quả cao về kinh tế - xã hội..., còn tác động môi trường ra sao thì tuyệt nhiên không thấy nhắc đến. Đối lập với hình ảnh “tốt đẹp” của dự án, rừng phòng hộ đầu nguồn sông Đồng Nai và rừng trong Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cát Tiên thật thảm hại:
Hiện trạng chung của khu vực dự án hầu hết là rừng tái sinh, rừng tre, nứa, lồ ô, rừng sản xuất, ruộng lúa. Rừng nguyên sinh hầu như không có, không phát hiện dấu hiệu của động vật quý hiếm(?). Hiện trạng khu vực VQG Cát Tiên thuộc huyện Cát Tiên - Lâm Đồng trong khu vực dự án và lân cận có nhiều khu rừng sản xuất trồng điều và ruộng lúa, đây là đất thuộc xã Đồng Nai Thượng thuộc vùng đệm nằm giữa vùng bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Cát Tiên. Khu vực thuộc tỉnh Đắk Nông được quy hoạch là rừng phòng hộ Nam Cát Tiên chủ yếu là rừng sản xuất gồm điều và cao su. Điều này đã gây bức xúc cho các cán bộ VQG Cát Tiên cũng như các nhà khoa học nhiều năm nghiên cứu khu rừng nhiệt đới này.
Ông Bạch Thanh Hải, Trưởng Phòng Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế VQG Cát Tiên, khẳng định trong vùng lõi VQG Cát Tiên cũng như khu vực dự kiến “cắt” ra để xây thủy điện hoàn toàn không có rừng điều hay đồng lúa nào mà chỉ có rừng với nhiều hình thái khác nhau: lồ ô, tre nứa, cây gỗ... Còn TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, cho biết ông đã có hơn 10 năm nghiên cứu về VQG Cát Tiên. Kinh nghiệm đó cộng với gần nửa tháng “nằm rừng”, ông đã có rất nhiều hình ảnh và mẫu vật của những sinh vật quý hiếm mà ông thu thập được chỉ riêng trong khu vực thực hiện dự án.
Như vậy, chưa xét đến vai trò của mỗi kiểu rừng, những gì đoàn khảo sát mô tả chỉ là những nơi mà họ đi qua, chưa phải toàn bộ khu vực dự án, càng không mang tính đại diện để đánh giá hiện trạng khu vực dự án.
Chắc chắn ảnh hưởng đến rừng, môi trường
Trong báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển mục đích rừng khu vực Cát Tiên để làm thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, Bộ NN-PTNT nhận định: “VQG Cát Tiên và khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên được thành lập nhằm mục tiêu bảo vệ, bảo tồn phát triển bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên, các loài thực vật, động vật rừng có nguy cơ đe dọa tuyệt chủng… Việc chuyển mục đích sử dụng 372,23 ha rừng và đất nông nghiệp, trong đó diện tích thuộc VQG Cát Tiên là 136,98 ha và khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên là 143,75 ha, chắc chắn có ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, môi trường trong khu vực do diện tích rừng bị thu hẹp; ảnh hưởng đến hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên trong quá trình thi công và sau khi đưa công trình vào sử dụng”.
Trên cơ sở đó, Bộ NN-PTNT cho rằng: “Chỉ nên chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để xây dựng 2 thủy điện Đồng Nai 6 và 6A khi các lợi ích kinh tế - xã hội mang lại từ 2 công trình này cao hơn nhiều so với các tổn thất về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường”.
L.Trang
|