Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Rừng tình yêu

(12:17:20 PM 11/11/2012)
(Tin Môi Trường) - Ở quãng đường ấy, một đầu là trung tâm thị trấn sầm uất, một đầu là khu trường học rộn ràng, quán xá san sát. Nhưng điều lạ lùng là sát bên đường lại có một khu rừng rậm mà tuổi của nó dễ hơn bất cứ bản làng Ê Đê nào nơi đây.

>> Kỳ 1: Khu rừng mang tên đại tướng

Cây sung già với những sống rễ dài to tướng là chỗ leo trèo ưa thích của những đứa trẻ buôn Ea Mấp những buổi lên rừng hái nhãn, hái chay - Ảnh: Vũ Thủy

 
Bản ôm lấy rừng
 
Khu rừng nằm trong lòng thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’Ga, Đắk Lắk, cách thành phố Buôn Ma Thuột chỉ hơn chục cây số. Hai buôn Ea Mấp và Cư H’Lăm trù phú của người Ê Đê ôm trọn khu rừng. Đưa tôi vào buôn Ea Mấp, H’Giang - cô gái người Ê Đê - bảo rằng đây là buôn giàu nhất huyện Cư M’Ga. Hai bên đường những ngôi nhà xây khang trang, mái đỏ san sát.
 
Truyền thuyết Ê Đê kể rằng nàng H’Hoan và chàng Y Đhin yêu nhau say đắm nhưng mang cùng một họ Êban nên bị chia lìa. Khi chết đi, hồn họ hóa vào cánh rừng. Rồi chẳng biết từ bao giờ, trai gái Ê Đê yêu nhau thường hay dắt nhau lên rừng tâm tình, thề non hẹn biển mong tình yêu được bền lâu.
 
Ngồi trong ngôi nhà to rộng, hiện đại trên bộ xalông gỗ sang trọng và chiếc quạt máy, lòng tôi không khỏi bán tín bán nghi về một khu rừng nguyên sinh đầy những điều huyền hoặc mà các già làng nhắc tới lại ở cách mình không xa. Những thành kính, thiêng liêng ngập tràn trong lời kể, trong đáy mắt của các cụ và của cả H’Giang, cô gái Ê Đê trẻ trung đi chiếc xe ga thời thượng ngồi cạnh chúng tôi.
 
Aê Bút, cụ già người Ê Đê đã 89 tuổi, tóc bạc phơ, tai đã lãng không còn nghe rõ nữa. Chỉ có nghe H’Giang nói tiếng Ê Đê tiếng được tiếng mất nhưng cụ đoán được đôi chút. Đôi mắt mờ đục của cụ hướng về khu rừng phía xa xa bảo rằng đó là cánh rừng thiêng nhất của người Ê Đê ở Cư M’Ga. Tiếng Ê Đê, Cư là núi, còn H’Lăm có nghĩa là tội loạn luân hoặc chỉ một người con gái bị vùi lấp. Lúc cụ sinh ra, khu rừng đã ở đó, như một khoảnh xanh yên lành của buôn làng nhưng cũng đầy ắp những điều kỳ bí đáng sợ.
 
Rời nhà già Aê Bút, chúng tôi nửa muốn vào rừng, nửa lại như chùng chình. Người dẫn đường vào rừng Cư H’Lăm của chúng tôi là anh chàng Ê Đê tên Lâm với mái tóc xoăn và làn da như mật ong hăm hở đi trước mở đường. Lâm bảo hôm qua cậu mới vào rừng tìm cây nhãn rừng và cả quả chay mà trẻ con Ê Đê vẫn thường ăn không biết chán. Lối vào rậm rịt, dây rừng giăng mắc khắp nơi khiến chúng tôi mò mẫm mãi mới lên được đến chóp rừng. Chúng tôi dọ dẫm lần theo con đường Lâm đi trước đã dẹp bớt cành lá lòa xòa, vậy mà không ít lần trượt trên những lằn rễ cây ngã lăn chiêng. Gai rừng thi nhau cào cấu.
 
Cu Hiếu 14 tuổi, đứa trẻ người Kinh hay theo Lâm vào rừng, nằng nặc đòi đi cùng chúng tôi mấy lần hét toáng giữa cánh rừng ảm đạm trong cơn mưa khi những con rắn nhỏ màu vàng chanh, sọc xanh đáng sợ cuốn lên chân cậu. Những con rắn ấy bò lổm ngổm khắp nơi trong rừng khiến chúng tôi lạnh người, càng cố căng mắt nhìn xuống nền đất rừng đầy lá cây mục để tránh giẫm lên chúng.

Anh Nguyễn Văn Minh, trưởng Ban Tuyên giáo huyện ủy Cư M’Ga, cho biết: “Rừng Cư H’Lăm là rừng phòng hộ thuộc quyền quản lý của Công ty Cà phê Ea Pốk (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’Ga, Đắk Lắk). Người Ê Đê ở đây rất quý rừng và có ý thức bảo vệ rừng. Họ chẳng bao giờ vào chặt phá trong khu rừng thiêng. Ở trên nương rẫy hay hai bên suối, người Ê Đê cũng thường giữ lại những gốc cây to để giữ nước cho ruộng đồng, sông suối”.
Theo anh Trần Trung Ánh - nhân viên phòng kế hoạch - kỹ thuật của Công ty Cà phê Ea Pốk, rừng Cư H’Lăm rộng 18,48ha, thực vật trong rừng chủ yếu là sấu, ké, bằng lăng, sao. Công ty chịu trách nhiệm quản lý và giao đất cho dân trồng cà phê, sắn ở vùng tiếp giáp khu rừng. Ngày 24-9-2009, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định công nhận Cư H’Lăm là “Di tích danh lam thắng cảnh” của tỉnh.
Đã đi qua bao nhiêu gốc cây to lớn. Có những gốc cây sung to năm người ôm không xuể và rất nhiều gốc bằng lăng bự chảng với lớp vỏ trắng như tuyết và nhẵn thín. Lâm bảo mùa bằng lăng nở hoa là mùa khu rừng đẹp nhất. Những cây bằng lăng khổng lồ trụi hết lá, đội cả một vòm hoa bông trắng, bông tím, bồng bềnh như mây. Bản ngay sát rừng nên vào mùa hoa bằng lăng, trai gái hay rủ nhau ra bìa rừng ngắm hoa tình tự. Tình yêu nhờ thế mà thêm không ít sắc màu. Bao nhiêu trai gái buôn làng thích nhau từ bông bằng lăng tím ngát rơi trên tóc người yêu, từ bông bằng lăng chàng trai âu yếm cài lên mái tóc cô gái đang thẹn thùng đỏ dừ hai má.

Người Ê Đê coi cánh rừng thiêng như sinh mạng của mình. Thế nên mảnh đất này người Kinh lên lập nghiệp mấy chục năm, bao nhiêu quả đồi quanh đó đã trọc lốc thì rừng Cư H’Lăm vẫn xanh tươi.
 
Cụ Y Ruê Mlô kể năm ngoái bão vừa qua thì có mấy chiếc xe cải tiến của Công ty Cà phê Ea Pốk - đơn vị được chính quyền giao quản lý khu rừng - chở đầy những thân cây lớn. Nghi là cây trên rừng Cư H’Lăm bị chặt, dân làng bủa đến bao vây. Người công ty giải thích mưa bão cây rừng bị đổ nên họ dọn rừng, thấy cây to thì đem ra. Nhưng dân làng không tin, họ kéo người của công ty lên tận trên huyện để làm cho rõ ràng mới yên tâm. Cứ thế, lớp này nằm xuống, lớp khác sinh ra, những cụ già người Ê Đê vẫn nhắc nhở con cháu mình: “Buôn làng còn thì rừng Cư H’Lăm còn”.
 
Lời nguyền rừng Cư H’Lăm
 
Truyền thuyết Ê Đê kể rằng H’Hoan là cô gái xinh đẹp nhất buôn, đôi mắt sáng như sao trên trời, làn da trắng như cây chuối bóc ba lớp vỏ. Trai làng ai cũng muốn lấy nàng làm vợ. Nhưng trái tim nàng H’Hoan xinh đẹp đã trao cho Y Đhin, chàng trai Ê Đê cường tráng, gan dạ. Họ yêu nhau say đắm nhưng bị buôn làng ra sức ngăn cản vì mang cùng họ Êban. Truyền thống người Ê Đê không cho người cùng họ quen nhau, đó là tội loạn luân. H’Hoan và Y Đhin bị buôn làng trừng phạt, phải ăn trong những cái máng lợn và phải cúng con lợn trắng để già làng cầu xin thần linh tha tội.
Nhưng trong buổi cúng, con lợn trắng được cạo lông sạch sẽ nằm trên bàn cúng bỗng nhiên sống lại, chạy khắp nơi. Lợn trắng chạy đến đâu buôn làng sụp đến đấy. Chỉ có người họ Niê ở ngoài rìa bản nên còn sống và kể lại câu chuyện này. Còn chỗ buôn làng sụp xuống ấy nay là một cái đầm lầy lớn ngay sau khu rừng. Người làng bảo Y Đhin và nàng H’Hoan trải qua kiếp nạn đã hóa vào khu rừng gần đó khiến khu rừng trở nên linh thiêng. Quanh rừng hướng nào cũng là làng bản nhưng ai vào rừng nhắc đến tên H’Hoan và Y Đhin sẽ lạc lối. Người nào chặt cây về làm nhà thì nhà sẽ bốc cháy. Từ ấy không ai dám chặt cây trên rừng nữa.
 
Gặp già Ma Xí, 69 tuổi, tôi đem những điều kỳ lạ ấy nói với ông. “Những chuyện ấy giờ còn xảy ra không ạ?”. Nghe tôi hỏi, giọng già Ma Xí chợt có chút gay gắt: “Sao mà không còn chứ. Tôi bây giờ đi rừng ngày nào cũng phải nhắc cho mình nhớ, không thì vẫn bị luôn đấy”. Già Ma Xí kể rằng rừng bình thường chẳng thấy có bao nhiêu vắt, nhưng nếu hôm nào đó ông vào rừng trông thấy con vắt mà cứ la “vắt vắt” thì nó túa đến đông vô số kể. Trong rừng có loại cây dân làng hay chặt về làm chày vì rất cứng, dùng bao lâu cũng không mục, nhưng trước lúc vào rừng mà định bụng sẽ đi chặt cây ấy thì tìm cả ngày cũng không gặp. Cả đời ông không biết đã bao nhiêu lần bị như thế.
 
Những câu chuyện kể về rừng Cư H’Lăm trẻ con Ê Đê sinh ra lại được người lớn kể lại, dặn dò. Thế nên màu xanh trên rừng Cư H’Lăm cũng mãi trường tồn như tình yêu của H’Hoan và Y Đhin nhờ những câu chuyện bí ẩn ấy. Mùa bằng lăng tím rừng thành mùa chờ đợi của trai gái Ê Đê, đếm mùa bằng lăng trên rừng Cư H’Lăm để nhắc chuyện hẹn hò. Giữa cảnh rừng xinh đẹp, dưới những bóng cây cổ thụ, lời yêu của chàng trai cô gái Ê Đê như được chắp thêm đôi cánh. Họ cùng cầu nguyện cho tình yêu cũng sắt son như tình yêu của nàng H’Hoan và Y Đhin.
VŨ THỦY - DŨNG TUẤN (TTO)