Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Kết luận của Công ty tư vấn xây dựng điện 1 tại buổi hội thảo ngày 9.11 (ảnh chụp màn hình trình chiếu tài liệu từ hội thảo)
Nền đập an toàn
Hội thảo khoa học về “Địa chất, công trình nền đập Nhà máy thủy điện Sông tranh 2” được Hội Địa chất công trình và môi trường Việt Nam tổ chức hôm 9/11.
Theo nội dung giấy mời do Phó GS-TS Tạ Đức Thịnh ký, hội thảo sẽ là diễn đàn để các nhà khoa học, kỹ sư, nhà chuyên môn, quản lý trao đổi, thảo luận, đánh giá những vấn đề khoa học, quản lý liên quan đến ổn định nền đập thủy điện Sông Tranh 2 trên quan điểm địa chất công trình.
Sau lời giới thiệu các thành phần tham dự và vấn đề để hội thảo của Phó GS-TS Tạ Đức Thịnh, không ít đại biểu bất ngờ khi Đoàn chủ tịch “dành lời nói đầu” cho Công ty tư vấn xây dựng điện 1 - đơn vị tư vấn thiết kế Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2.
Với trình bày của người “trong cuộc”, đại diện Công ty này khẳng định: Điều kiện địa chất công trình nền đập là tốt, đảm bảo khả năng chịu lực ổn định, nền đập không có đứt gãy lớn, điều kiện địa chất nền móng thực tế phù hợp với bản vẽ thiết kế công trình.
Hội Địa chất công trình và môi trường Việt Nam cũng đã có báo cáo phân tích các vấn đề địa chất công trình nền đập thủy điện Sông Tranh 2, khẳng định: Nền thủy điện Sông Tranh 2 nằm trong độ an toàn.
Báo cáo này cho biết, đứt gãy ở khu vực công trình chỉ cấp 4- cấp 5, công ty tư vấn nước ngoài cũng đã khẳng định công trình được thiết kế an toàn khi động đất cấp 7, thậm chí an toàn kể cả khi động đất cấp 9. Nền đập được đặt trên nền đá quá vững chắc. Động đất kích thích nhỏ hơn động đất thiên nhiên.
Báo cáo độc lập về động đất do Phó GS-TS Lê Trọng Thắng - Trưởng bộ môn Địa chất công trình (Đại học Mỏ- Địa chất) trình bày tại hội thảo đã đưa ra kết luận: Động đất Sông Tranh ngày 22.10 đạt 4,6 độ richter đã đạt đỉnh. Sở cứ để đưa ra kết luận này được tham chiếu từ “bức tranh” động đất ở nước ngoài, đem “áp” vào động đất ở Sông Tranh 2.
Kết luận của Đoàn Chủ tịch Hội thảo về độ an toàn của nền Sông Tranh 2 được đánh giá là “một tuyên bố dũng cảm” (ảnh chụp màn hình trình chiếu tài liệu từ hội thảo). |
Chân lý khoa học: Chỉ có một
Đến nay, đã có ba kết luận dưới góc độ đánh giá của nhóm các nhà khoa học.
Thứ nhất, như đã nêu trên, Hội Địa chất công trình và môi trường Việt Nam chỉ đi sâu vào nền đập, đưa ra kết luận “an toàn”.
Thứ hai, đoàn chuyên gia thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam - tự bỏ kinh phí đến Sông Tranh nghiên cứu - đã bày tỏ quan ngại về dòng thấm: “cả hai vai đập đều có dòng thấm đi qua, vai trái thấm ít hơn”. “Nếu không xử lý kịp thời thì đập có nguy cơ bị bẻ ngang chứ không phải trượt, trôi đập” - cảnh báo của TS Vũ Văn Bằng - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ nước và môi trường - thành viên đoàn khảo sát.
Cuối cùng, kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học thuộc Hội Khoa học Địa vật lý Việt Nam thực hiện đề án tư vấn phản biện đã đánh giá về công trình thủy điện Sông Tranh 2 một cách toàn diện đưa ra kết luận lo ngại: “Đập thủy điện Sông Tranh 2 nằm trong phạm vi ảnh hưởng của đới đứt gãy cấp II Trà My. Vì vậy, động đất xảy ra ở đây sẽ tác động trực tiếp tới vùng hồ và đập thủy điện”. Phó GS-TS Cao Đình Triều - Chủ nhiệm đề tài phản biện- nhấn mạnh về đới đứt gãy ở khu vực, trong khi ý kiến của một vài nhà khoa học chỉ đề cập đến đứt gãy. Và cần lưu ý rằng, động đất tại khu vực Sông Tranh 2 có biểu hiện đặc biệt.
Độ an toàn tổng thể công trình?
Đại biểu Quốc hội của đoàn Hà Nội - bà Bùi Thị An- có mặt tại hội thảo, nói: Người dân Quảng Nam cũng như dư luận xã hội quan tâm đến độ an toàn của tổng thể cả công trình thủy điện Sông Tranh 2.
“Công trình an toàn được bao nhiêu năm? Nếu xảy ra sự cố, ai chịu trách nhiệm dù không một ai mong muốn - nhưng không cho phép chúng ta chủ quan. Tài sản còn làm ra được, nhưng tính mạng người dân thì không thể đánh đổi được” - bà An đặt câu hỏi.
Bày tỏ ý kiến sau khi lắng nghe “phản biện” của các nhà khoa học, bà An cho hay: Việc làm quan trọng nhất trong giai đoạn tiếp là cần có một cơ quan đứng ra tổ chức, lắng nghe các nhà khoa học chuyên ngành... để có kết luận về tổng thể của công trình.
Tuy nhiên, ngay tại buổi hội thảo, GS-TSKH về địa chất Phan Trường Thị đã thẳng thắn nói rằng: Đã có những sai lầm nghiêm trọng trong thi công mà không ai nói ra. Ông tuyên bố chịu trách nhiệm về ý kiến của mình.