Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hội thảo khoa học quốc gia "Nâng cao sức chống chịu trước biến đổi khí hậu" Tin ảnh

(11:35:31 AM 10/11/2012)
(Tin Môi Trường) - Ngày 10/11, tại tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra hội thảo khoa học quốc gia “Nâng cao sức chống chịu của biến đổi khí hậu” do Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và Môi trường, ĐHQG Hà Nội, và Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Tỉnh Quảng Ninh tổ chức.

 

Theo đánh giá của các nhà khoa học trong và ngoài nước, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Theo kịch bản biến đổi khí hậu, vào cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta tăng khoảng 2 – 3 độ C, mực nước biển có thể dâng khoảng 75cm đến 1m so với thời kỳ 1980 – 1999; tổng lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa tăng trong khi lượng mưa mùa khô lại giảm. Nếu mực nước biển dâng cao 1m, khoảng 40% diện tích Đồng bằng Sông Cửu Long, 11% diện tích Đồng bằng Sông Hồng, và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập trong đó TP Hồ Chí Minh sẽ bị ngập trên 20% diện tích; khoảng 10% - 12% dân số của Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.

 

Những nghiên cứu về biến đổi khí hậu ở Việt Nam cho thấy trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 0,5 độ C trên phạm vi cả nước và lượng mưa có xu hướng giảm ở phía Bắc và tăng ở phía Nam.

 

Nghiên cứu về trường hợp ở tỉnh Cà Mau, TS Hoàng Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên & Môi trường – Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết khoảng 10 năm trở lại đây người dân nơi đây đã cảm nhận được thời tiết trở nên nóng hơn, mưa trái mùa thường xuyên hơn, đôi khi mưa rất to trong mùa khô. Có nhiều lốc, bão hơn trên biển.

 

Quang cảnh hội thảo khoa học quốc gia “Nâng cao sức chống chịu của biến đổi khí hậu”  ngày 10/11, tại tỉnh Quảng Ninh 

 

Theo nghiên cứu của Phan Văn Tân và Ngô Đức Thành (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội), do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bão, áp thấp nhiệt đới có xu hướng dịch chuyển về phía nam và có quỹ đạo phức tạp, khó dự đoán. Hạn hán, lũ lụt dường như xảy ra bất thường hơn. Nắng nóng có xu hướng gia tăng cả về cường độ, tần suất và độ dài các đợt nóng. Số ngày rét đậm rét hại giảm đi nhưng mức độ khắc nghiệt và kéo dài có dấu hiệu tăng.

 

Theo nghiên cứu của Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học và Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên & Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội), khi mực nước biển dâng cao, khoảng một nửa trong số 68 khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Mực nước biển dâng lên cùng với cường độ của bão sẽ làm thay đổi thành phần của trầm tích, độ mặn và ô nhiễm nước, làm suy thoái và đe dọa sự sống còn của rừng ngập mặn.

 

Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Ninh, cho biết biến đổi khí hậu kèm theo thiên tai, dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, là nỗi lo lớn hiện nay. Những tỉnh có biển như Quảng Ninh, một nỗi lo lớn nữa là nước biển dâng.

 

“Chúng tôi nhận thức được rằng, giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về nước biển dâng có thể giải quyết những mâu thuẫn, giảm thiểu tác động của nước biển dâng gây nên; không chỉ giữ Vịnh Hạ Long, một di sản của Quảng Ninh, mà còn giữ di sản của thế giới”, ông Hậu chia sẻ.

 

Theo ông Trương Quang Học, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên & Môi trường – Đại học Quốc gia Hà Nội, đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu cần được giải quyết đồng thời với cùng một ưu tiên.

Tin và ảnh: Mạnh Cường