Sáng nay, Hội thảo khoa học về vấn đề địa chất công trình nền đập nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 do Hội Địa chất công trình và Môi trường Việt Nam tổ chức, đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của rất nhiều nhà khoa học đầu ngành về địa chất Việt Nam.
Ngoài những tham luận về nền địa chất của công trình đập Sông Tranh, nguyên nhân gây động đất diễn ra liên tục tại Bắc Trà My cũng được các nhà khoa học mang ra “mổ xẻ”, phần nào đã giải đáp được những “bí ẩn” của hiện tượng này.
Phát hiện hàng loạt đứt gãy dưới lòng hồ chứa
Theo báo cáo kết quả của đoàn khảo sát gồm các chuyên gia địa chất của Hội Địa chất công trình và Môi trường Việt Nam, nền đập công trình Sông Tranh 2 hoàn toàn ổn định, vững chắc, không phát hiện đứt gãy lớn chạy qua thân đập như một số ý kiến của một số nhà khoa học trước đó.
Tuy nhiên, những đứt gãy có thể là nguyên nhân của hiện tượng động đất bất thường tại Bắc Trà My lại xuất hiện hàng loạt dưới lòng hồ chứa. Các nhà khoa học cũng khẳng định, động đất tại khu vực này là động đất kích thích.
PGS.TS Nguyễn Huy Phương, đại diện cho nhóm khảo sát cho biết: “Phát hiện đứt gãy phương Á vĩ tuyến cắt ngang lòng hồ cách đập 2 km, trong vùng còn 4 đứt gãy bậc III và nhiều đứt gãy bậc IV, khe nứt. Ở nền đập chỉ có gặp các đứt gãy bậc IV nhưng đã được xử lý khi thi công”.
Hồ thủy điện Sông Tranh 2 |
PGS.TS Lê Trọng Thắng, Trưởng Bộ môn Địa chất công trình Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho rằng, từ thực tế tại khu vực xây dựng đập và vùng hồ, có thể nói đứt gẫy bậc II Hưng Nhượng-Tà Vi chính là nguồn sinh chấn chủ yếu duy nhất gây nên những rung chấn trong suốt thời gian qua.. Ngoài ra, các đứt gấy bậc III có cùng phương á kinh tuyến trong phạm vi lòng hồ và các đứt gẫy bậc IV theo phương tây Bắc-Đông Nam, đã góp phần làm phân cắt đất đá lòng hồ.
“Theo mô tả và quan sát thực tế cho thấy, đứt gẫy bậc II này có đới phá hủy rộng trên dưới 10 m, đới ảnh hưởng có thể tới hàng trăm m. Cùng với các hệ thống đứt gẫy khác đã hình thành nên con đường thấm nước từ hồ chứa xuống sâu, gây nên các biến đổi độ bền của đá cũng như làm gia tăng áp lực nước lỗ rỗng, giảm áp lực hữu hiệu trong đá, hệ quả là làm giảm khả năng kháng cắt của đá, dẫn đến phá vỡ cân bằng trạng thái ứng suất, gây dịch chuyển các khối đá và làm phát sinh địa chấn”, ông Thắng phân tích.
Đồng quan điểm, chuyên gia địa chất Nguyễn Xuân Bao, Hội Địa chất Tp Hồ Chí Minh cũng cho rằng việc thay đổi tải trọng và nhất là áp suất hay chiều cao hồ nước cùng với độ thẩm thấu (permeability) của nền móng hồ chứa và sự có mặt của các đứt gãy trong vùng là những tác nhân quan trọng của động đât kích thích. Khi đột ngột tăng hoặc giảm thể tích và chiều cao hồ nước đều gây hiệu ứng dẫn đến động đất.
Tình hình tại Sông Tranh 2 không đáng quan ngại?
Mặc dù các trận động đất nối tiếp nhau xảy ra với cường độ ngày một mạnh hơn như trận động đất xảy ra tối 22/10 với 4,6 độ richter khiến người dân sống trong khu vực thủy điện Sông Tranh 2 vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia địa chất, đây có thể đã tiến gần tới đỉnh cường độ của động đất kích thích.
"Trong suốt thời gian qua, mặc dù nước hồ đang ở mực nước chết, nghĩa là cột nước nơi sâu nhất cũng chỉ đạt khoảng từ 50 đến 55 m, nhưng các trận động đất có cường độ lớn nhất liên tiếp xảy ra. Điều này cho thấy yếu tố tác động của nước thấm từ đáy hồ xuống làm suy giảm độ bền của đất đá đóng vai trò chính so với tác động của chiều cao cột nước trong việc gây nên động đất kích thích tại đây. Như vậy, với thời gian tác động gần 2 năm, có thể cho phép dự báo, nhiều khả năng cường độ 4.6 độ diễn ra ngày 22/10 vừa qua đã tiến gần tới đỉnh cường độ của động đất kích thích. Sau khi đạt đỉnh, theo quy luật chung, cường độ động đất kích thích sẽ giảm và tần suất xuất hiện sẽ thưa dần và gần như đạt trạng thái bình ổn. Một yếu tố nữa để chúng ta có nhận định cường độ động đất kích thích tại thủy điện Sông Tranh 2 không lớn là quy mô đứt gẫy bậc II không lớn, diện tích mặt hồ cũng như dung tích hồ nhỏ nên cũng không có tiền đề để phát sinh động đất có cường độ lớn”, PGS.TS Lê Trọng Thắng cho biết.
Bên cạnh đó, một số nhà khoa học khác đánh giá tình hình địa chấn tại thủy điện Sông Tranh 2 không làm ảnh hưởng tới độ an toàn của đập.
“Tôi cho rằng, không đáng quan ngại về tính ổn định địa chất công trình ở tuyến đập. Về vấn đề hồ thì chỉ có một số rất ít hồ trong số hơn 11.000 hồ lớn trên thế giới có động đất kích thích gây thảm họa. Vì vậy, thật khó cho rằng hồ thủy điện Sông Tranh 2 với quy mô không lớn lại có khả năng lọt vào danh sách hiếm hoi các hồ gây thảm họa này”, ông Nguyễn Xuân Bao cho biết.
Kết luận của nhóm khảo sát của Hội địa chất công trình và Môi trường Việt Nam cũng cho rằng, đập thủy điện Sông Tranh không bị ảnh hưởng bởi các trận động đất kích thích: “Đông đất thiên nhiên cực đại 5,5 độ richter, theo quy luật chung, động đất kích thích cũng không vượt quá cường độ đó. Trong thực tế quan trắc động đất kích thích xảy ra tương đối nhiều thì từ đầu năm 2012 đến nay, đã xảy ra 68 trận động đất, trong đó có 4 trận động đất cấp 6 và 3 trận động đất cấp 7 (cực đại là 4,6 độ Richter). Các kết quả qua trắc về áp lực nước và lưu lượng thấm cho thấy các giá trị tương đối ổn định chứng tỏ nền đập không bị nứt nẻ sau các trận động đất. Như vậy đập vẫn hoạt động bình thường".
Tuy nhiên, tại hội thảo, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng cần nghiên cứu kỹ hơn về động đất kích thích tại Sông Tranh 2 bởi nó đang ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân trong khu vực.