Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa
Theo Thạc sĩ Hoàng Thị Ngọc Ngân, nguyên Trưởng Khoa Sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, nhóm bệnh do vi sinh vật gây ra, như bệnh về đường tiêu hoá (tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, viêm gan A), bại liệt, giun sán, bệnh ngoài da, phụ khoa, bệnh về mắt… là phổ biến nhất. Nghiên cứu của thế giới đã chứng minh, 80% nguyên nhân gây ra những bệnh này là do nguồn nước ô nhiễm. Ngoài ra, các bệnh về da, hệ thần kinh, dị tật thai nhi… cũng có nguyên nhân do nguồn nước bị ô nhiễm các kim loại nặng.
Ông Hoàng Cảnh Dương, Phó trưởng Phòng Kiểm soát ô nhiễm thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng nhìn nhận tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn thành phố rất nghiêm trọng, đặc biệt ở quận 5, 6, 7 và huyện Bình Chánh. Những năm qua, thành phố đã đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng mở rộng kênh Tân Hóa - Lò Gốm; hơn 8.000 tỉ đồng cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ nhưng qua kiểm tra, chất lượng nước chưa được cải thiện. Kết quả kiểm tra chín tháng đầu năm 2012 tại kênh Tân Hóa - Lò Gốm cho thấy, hàm lượng vi sinh vượt từ 200 - 400 lần quy chuẩn cho phép; chưa kể nồng độ các chỉ tiêu như COD, BOD đều vượt từ 2 - 6 lần. Tình trạng này cũng lặp lại tại hệ thống các kênh Đôi - kênh Tẻ và Tàu Hũ - Bến Nghé. Ngoài ra, theo ông Dương, trong bùn thải nạo vét từ kênh rạch còn có các loại kim loại nặng như crôm, asen, sắt, chì, thủy ngân,...
Cũng cho rằng tình trạng ô nhiễm kênh rạch, nguồn nước đã và đang tác động nguy hại đến sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ, ông Hà Văn Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (sở Tài nguyên và Môi trường), nhận xét thêm, nguyên nhân lớn dẫn tới việc này là ý thức cộng đồng còn chưa cao trong hành xử với môi trường. Theo bà Nguyễn Thị Thuỳ Linh, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập thành phố, thành phố hiện có khoảng 2.000 km kênh thoát nước, hơn 100.000 hố ga và 800 cửa xả thải, nhưng nạn xả rác bừa bãi của người dân đã vô hiệu hóa gần như toàn bộ hệ thống thoát nước trên của thành phố. Nạn lấn chiếm lòng kênh để xây, mở rộng nhà cửa cũng diễn ra vô tội vạ, thậm chí có những con kênh bị san lấp hoàn toàn khiến dòng chảy bị hạn chế, gây ngập úng và tràn ngược nước ô nhiễm vào nhà dân, kéo theo các ổ vi trùng gây bệnh.
Theo thống kê của Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị thành phố, trung bình mỗi ngày thành phố phải vớt ít nhất khoảng 9 - 10 tấn rác trên kênh, chưa kể một lượng lớn rác tồn đọng do lòng kênh bị thu hẹp, không thể đưa trang thiết bị máy móc vào vớt được. Thậm chí, nhiều con kênh bị bao vây kín, trong khi các khu dân cư lại chưa thể cải tạo nên trở thành những ổ chứa ô nhiễm.