Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Giữa ban ngày, dân vô tư xả rác thải ra đường dẫn vào chợ Vinh, tỉnh Nghệ An
Trong một cuộc khảo sát mới đây của TNS Việt Nam, hơn nửa số người được hỏi cho rằng vấn đề môi trường, đặc biệt là môi trường ô nhiễm, là một trong những quan tâm hàng đầu của họ, và vấn đề này đang ngày càng xấu đi.
Chia sẻ tại lễ khởi động dự án Sống Xanh Việt Nam ngày 7/11 ở TP Hà Nội, ông Trần Duy Long thẳng thắn khi cho rằng thực trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam ngày càng nghiêm trọng.
Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam, trong những năm trở lại đây, ô nhiễm không khí tại các đô thị của Việt Nam ngày càng có xu hướng gia tăng đến mức báo động như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương... Tuy nồng độ các chất gây ô nhiễm độc hại như SOx, NOx, CO chưa vượt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường nhưng thông số bụi (PM2.5 và PMio) tại một số địa điểm và thời gian nhất định đã vượt QCVN từ 1-3 lần và có dấu hiệu ngày càng tăng.
Trong nhà ô nhiễm hơn ngoài nhà do đun nấu
Theo Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam, việc đun nấu bằng củi, rơm rạ, trấu, lá cây là giải pháp giúp tiết kiệm chi phí sinh hoạt nhưng lại sinh ra các khí độc như CO, SO, NO, dioxin gây ô nhiễm môi trường hoặc có thể làm chết người do ngộ độc cấp tính hoặc gây ra các bệnh về đường hô hấp như lao, phổi.
Số liệu thống kê của Liên Hợp quốc cho thấy tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, hàng năm có 1.5 triệu người chết và rất nhiều người mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí trong nhà mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc đun nấu và sinh hoạt hàng ngày.
Ông Đăng giải thích đun nấu bằng than, dầu hoả sẽ thải ra một lượng chất thải ô nhiễm đáng kể, đặc biệt nó là nguồn gây ô nhiễm chính đối với môi trường không khí trong nhà, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của con người. Đun than, dầu vô cùng ô nhiễm vì nó tạo ra SO2, NO2, CO, CO2. Đây là những chất độc hại vì nó tiêu thụ ôxy trong máu làm ngạt thở. Không gian trong nhà cũng bị ô nhiễm do khu vệ sinh tạo ra vi khuẩn, chất tảy rửa.
“Đôi khi không khí trong nhà bị ô nhiễm do không khí ô nhiễm ngoài nhà đưa vào. Bởi vậy, môi trường trong nhà thường bị ô nhiễm hơn ngoài nhà”, ông Đăng nhấn mạnh.
Người già, phụ nữ, và trẻ em chịu tác động nhiều nhất bởi ô nhiễm không khí trong nhà vì nhóm người này có nhiều thời gian ở trong nhà nhất. Ô nhiễm không khí trong nhà gây ra các bệnh về đường hô hấp, hen xuyễn, suy nhược tim mạch.
“Có đến 89% số người được hỏi cho rằng họ lo lắng về sức khỏe của mình hơn trước đây”, ông Trần Duy Long cho biết.
Ô nhiễm không khí rất độc hại đối với sức khỏe con người, là nguyên nhân gây ra các bệnh đường hô hấp, bệnh ung thư phổi. Mức độ nguy hiểm của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe đã được cảnh báo nhưng hiện nay trên cả nước nói chung và TPHCM nói riêng còn quá ít nghiên cứu về mối quan hệ giữa ô nhiễm không khí và bệnh tật.
Không chỉ gây hại cho con người, ô nhiễm không khí còn gây thiệt hại về kinh tế. Năm 2005, ông Phạm Ngọc Đăng đã công bố kết quả nghiên cứu về ô nhiễm không khí ở Hà Nội gây ra thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng Việt Nam mỗi ngày.
Công nhân vệ sinh môi trường vớt rác trên sông Tô Lịch, TP Hà Nội
Trồng cây trong nhà, giảm ô nhiễm không khí
Để hạn chế ô nhiễm không khí trong nhà, đặc biệt ở khu nấu ăn, chúng ta hãy sử dụng quạt hút, chụp hút khí ở khu nhà bếp. Bếp đun nấu, lò sưởi than, dầu, củi phải có ống thông gió hút hơi khí thải từ bếp để đẩy hơi khí ô nhiễm ra ngoài.
Nếu xung quanh nhà bếp hết đất để lắp đặt quạt thông gió theo chiều ngang, ta có thể lắp quạt thông gió theo chiều thẳng đứng xuyên qua mái nhà lên trời hoặc sử dụng chụp hút khí trên bếp gas để dẫn khí ô nhiễm ra ngoài. Tương tự, đối với nhà vệ sinh, nếu không có không gian lắp đặt quạt thông gió theo chiều ngang, ta cũng có thể lắp đặt theo chiều đứng rồi dẫn ống thoát khí ra bên ngoài.
“Tốt nhất, khi thiết kế khu vệ sinh, nhà bếp, chúng ta nên đặt ống thông gió và có lỗ thông thoáng cho ánh nắng chiếu vào”, ông Đăng nói.
Trồng cây trong nhà cũng là một cách làm giảm ô nhiễm không khí trong không gian sống của bạn vì cây hấp thụ CO2 rất tốt, hút khi độc do đun nấu hay các chất gây ô nhiễm khác gây ra.
Thông thường, khi không khí trong nhà ô nhiễm hơn không khí ngoài nhà, người ta sẽ trao đổi không khí giữa không khí trong nhà và ngoài nhà bằng cách sử dụng thông gió nhân tạo (máy quạt) và thông gió tự nhiên. Thông gió nhân tạo là dùng quạt đẩy hay hút, thúc đẩy không khí trao đổi giữa trong nhà và ngoài nhà qua hệ thống cửa sổ thông thường hay qua hệ thống đường ống thông gió chuyên dụng. Còn thông gió tự nhiên là lợi dụng chênh lệch áp lực gió và áp lực nhiệt giữa trong nhà và ngoài nhà để tạo ra không khí trong nhà lưu thông với ngoài nhà.
Nếu sống gần khu công nghiệp, mương máng ô nhiễm, gần đường giao thông, v.v…, ta phải ngăn cách bằng bộ lọc hoặc đóng cửa lại để hạn chế ô nhiễm ngoài nhà vào trong.
Theo Cục Kiểm soát Ô nhiễm (Tổng cục Môi trường), Việt Nam đã có những nghiên cứu ban đầu về thiệt hại của ô nhiễm không khí. Trong ba năm 2001-2003 có 4.908 trẻ em dưới 15 tuổi điều trị tại khoa Nhi bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội cho thấy, tỷ lệ mắc hen phế quản của dân cư các quận nội thành mắc cao gấp 1,4 lần các huyện ngoại thành.
Ông Trần Duy Long cho biết hiện nay chỉ có 26% khu công nghiệp (43/164) có hệ thống xử lý nước thải nhưng sử dụng ít hơn 70% công suất và xả 31% nước thải ra môi trường. Hàng ngày trên cả nước, 34.000 tấn chất thải từ ngành công nghiệp đã thải ra môi trường trong đó 80% chất thải được chôn lấp.