(Tin Môi Trường) - Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam – VRN đã ra Thông cáo lâm thời trước việc Chính phủ CHDCND Lào vừa thông báo họ sẽ tổ chức lễ động thổ xây dựng công trình đập thủy điện Xayaburi trên dòng chính sông Mê Công vào ngày 7/11/2012.
Khu vực đập Xayaburi đang được thi công. (Ảnh: International Rivers)
Thông cáo của Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam – VRN cho biết: Chúng tôi, VRN và các thành viên, kêu gọi Chính phủ CHDCND Lào dừng ngay lễ động thổ và rút lại quyết định đơn phương tiếp tục tiến hành hoạt động xây dựng đập Xayaburi, quyết định này được đưa ra mà không có sự đồng thuận của các quốc gia thành viên Ủy hội Sông Mê Công (Mekong River Commission – MRC).
Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Khoáng sản của Chính phủ CHDCND Lào phát biểu trước một nhóm nhà báo vào ngày 5/11/2012: “Con đập đã được đánh giá, được thảo luận trong suốt hai năm vừa qua. Chúng tôi đã giải quyết hầu hết các mối quan ngại.”
VRN và các thành viên hoàn toàn phản đối phát biểu trên. Theo nhận định của chúng tôi, những quan ngại chính của các quốc gia thành viên MRC chưa bao giờ được giải quyết và những đánh giá tác động xuyên biên giới chưa bao giờ được thực hiện.
Vào tháng 4/2012 tại cuộc họp Ủy ban Liên ngành Đặc biệt của MRC, chính phủ các nước Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đã đưa ra một số những lo ngại về đập Xayaburi, bao gồm: Các tác động xuyên biên giới đối với Campuchia, Thái Lan và Việt Nam; Các tác động về ngư nghiệp đối với Campuchia, Thái Lan và Việt Nam; Các tác động về nông nghiệp đối với Campuchia và Việt Nam; Các tác động về đa dạng sinh học đối với Campuchia, Thái Lan và Việt Nam; Các tác động về dòng chảy phù sa và xói mòn sẽ ảnh hưởng tới Campuchia, Thái Lan và Việt Nam; Các phương pháp chia sẻ lợi ích với các quốc gia bị ảnh hưởng là Campuchia và Thái Lan; Các tác động cộng dồn từ các đập dòng chính trên sông Mê Công đối với Campuchia và Việt Nam. Động thái đơn phương của chính phủ CHDCND Lào về quyết định đối với đập Xayaburi chủ yếu dựa trên hai báo cáo do chính phủ CHDCND Lào thuê công ty tư vấn là Pöyry Group và Compagnie Nationale du Rhône (CNR) thực hiện.
Trong khi đó, chính phủ Phần Lan vừa tuyên bố các kế hoạch điều tra vai trò của Pöyry Group trong vấn đề đập Xayaburi. Từ năm 2011, Pöyry Group tham gia sâu vào các xung đột quan trọng về tài nguyên nước giữa bốn chính phủ hạ lưu vực sông Mê Công về việc có xây dựng đập này hay không.
Không tham gia sâu vào những tranh cãi, nhưng trong Thông cáo báo chí tháng 8/2012, CNR đã chỉ rõ: “Sứ mệnh của CNR không phải là hoàn thiện đánh giá về cá di cư, cũng không phải là các vấn đề môi trường khác”; “tổ chức liên chính phủ MRC hoạt động vì sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mê Công đã đưa ra hướng dẫn các dự án đập ở lưu vực sông Mê Công và những hướng dẫn này cần được tuân thủ”; và “gần một nửa nguồn phù sa của đồng bằng Mê Công đến từ thượng nguồn của dự án, việc lưu chuyển phù sa là một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với đập Xayaburi, vì vậy giải pháp về vấn đề này đã được CNR đề xuất chỉ mang tính lý thuyết, dựa trên kinh nghiệm vận hành các đập dâng. Các giải pháp vẫn được phát triển và chi phí của chúng sẽ được đánh giá.
Chúng tôi, VRN và các thành viên, xin bày tỏ:
Hai báo cáo CNR và Pöyry được tiến hành ngoài khuôn khổ ngoại giao và được thực hiện mà không có sự tham vấn với các chính phủ láng giềng; Các báo cáo CNR và Pöyry không phải là cơ sở đầy đủ để đưa ra quyết định về các tác động của đập Xayaburi đối với đồng bằng Mê Công. Hai báo cáo này không đóng góp vào việc thấu hiểu các tác động nói trên và cũng không cung cấp lý lẽ thuyết phục về việc tránh hoặc giảm thiểu các tác động đó: Sông Mê Công không nên là một “địa bàn thử nghiệm” cho những thiết kế chưa được kiểm chứng trong môi trường thiếu dữ liệu, như đã được trình bày trong Đánh giá Môi trường Chiến lược (SEA) do MRC thuê thực hiện; Quyết định tiến hành một dự án dòng chính với tình trạng chưa được kiểm chứng và thiếu dữ liệu sẽ tăng khả năng 11 dự án được đề xuất khác được thông qua, khiến các cộng đồng ven sông tại hạ lưu, đặc biệt là đồng bằng Mê Công, sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn hơn trong thời gian gấp hơn. Tác động cộng dồn của toàn bộ 12 dự án cần được cân nhắc trước khi xây dựng.
Chúng tôi xin nhắc lại cam kết của chính phủ CHDCND Lào trong Tuyên bố Hua Hin vào 5/5/2010: “Chúng tôi, những người đứng đầu chính phủ, tuyên bố rằng dựa trên những thành tựu của 15 năm thực hiện Hiệp định Mê Công, đề nghị có sự hợp tác xa hơn trong những năm tới giữa chính phủ các nước thành viên nhằm tối đa hóa việc sử dụng tài nguyên nước đa mục đích và lợi ích chung giữa các nước ven sông, nhằm tránh ảnh hưởng có hại gây ra do các biến cố tự nhiên và hoạt động nhân tạo, với mục đích bảo vệ những hệ sinh thái tự nhiên và sự cân bằng sinh thái vô cùng quý giá.”
Chúng tôi kêu gọi chính phủ CHDCND Lào tôn trọng tinh thần hợp tác giữa chính phủ các nước hạ lưu vực Mê Công mà Lào đã cam kết trong Hiệp định Mê Công 1995, và gần đây là trong Tuyên bố Hua Hin. Chúng tôi kêu gọi các chính phủ Việt Nam, Campuchia và Thái Lan, các đối tác phát triển của MRC và cộng đồng quốc tế yêu cầu chính phủ CHDCND Lào dừng ngay Lễ động thổ đập Xayaburi và quyết định đơn phương tiếp tục xây dựng công triình này.