Quý hiếm như thủy tùng?
Trong lần về xã Ea Tam mới đây, chúng tôi được ông C, chủ quán cà phê C.C.T.E cho xem 9 lóng gỗ “đổi màu” chưa chế tác, mỗi lóng có đường kính 25cm, dài khoảng 1,5m. Ông C nói chỉ mua về dùng chứ không phải buôn, nếu mua thì ông chỉ để lại 2 lóng, giá mỗi lóng là 1,4 triệu đồng. Với giá này, mỗi mét khối gỗ “đổi màu” mua ở Krông Năng khoảng 40 triệu đồng, còn vận chuyển đi nơi khác thì sẽ cao hơn nhiều.
Ông C cho biết: “Cách đây khoảng hai tháng, một số người trong xã đi rừng phát hiện cây đổi màu, sau đó dân các xã khác cũng đổ xô đi khai thác. Bây giờ hết rồi, có nhiều tiền cũng chưa chắc mua được”. Cũng theo lời ông C, cây “đổi màu” cũng quý hiếm và được săn lùng không kém cây thủy tùng.
Theo giới thiệu của một người quen, chúng tôi đến xưởng gỗ của ông D ở xã Cư K’lông hỏi mua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm bằng gỗ “đổi màu”. Xưởng này gần trụ sở UBND xã Cư K’lông, bên trong có người đang đục đẽo gỗ “đổi màu” để làm các loại lục bình, tượng phật, lọ hoa...
Ông D cho biết: “Khi mới chế tác, các món đồ này cũng như gỗ thường, để khoảng một tuần thì chuyển sang màu xanh gốm, xanh ngọc, màu hồng tùy theo ánh sáng tương tác...”. Giá bán khá đắt, một chiếc lục bình bằng lọ hoa nhỏ trị giá 2 triệu đồng, bằng ly bia có giá 3 triệu đồng, loại đường kính một gang tay trở lên thì giá cả tùy thuộc vào... sự ham muốn của người mua.
Một xưởng gỗ “đổi màu” ở xã Cư K’lông (Krông Năng).
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã, xưởng mộc của ông D chưa được cấp phép, vừa qua Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng mới về tịch thu hơn một mét khối gỗ tròn “đổi màu” loại lớn. Mặc dù vậy, hiện trong xưởng của ông D vẫn còn khá nhiều gỗ nhỏ. Tuy rừng ở xã Cư K’lông không có cây “đổi màu”, nhưng người dân đang cất giữ khá nhiều, xã chỉ biết gỗ này được khai thác ở khu vực giáp ranh lâm phần Ban Quản lý dự án rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng với Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.
Nguy cơ tận diệt
Ông Nguyễn Văn Kiểm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Năng cho biết: “Hiện cơ quan chức năng vẫn chưa biết đây là loại gỗ gì, chỉ biết người dân gọi là gỗ “đổi màu” theo đặc tính thay đổi màu sắc. Do cây này chưa có tên trong nhóm gỗ quý hiếm nên Hạt chỉ xử lý hành vi vận chuyển, mua bán, tàng trữ như đối với gỗ tạp (nhóm V).
Trong tháng 9 và tháng 10, Hạt Kiểm lâm huyện đã phát hiện 10 trường hợp vận chuyển, mua bán, tàng trữ gỗ “đổi màu” và tịch thu toàn bộ tang vật, phạt mỗi trường hợp 6,5 triệu đồng. Ngoài ra, Hạt cũng đã phát hiện 1,195m3 gỗ “đổi màu” trên đất của ông D ở xã Cư K’lông, nhưng ông này không thừa nhận nên chỉ tịch thu như gỗ vô chủ. Trước đây Hạt có cho người vi phạm mua lại tang vật theo giá gỗ tạp do UBND tỉnh quy định, khoảng 1,9 triệu đồng/m3, sau đó sợ bị lợi dụng nên không cho mua lại nữa”.
Về xuất xứ của gỗ này, ông Kiểm cho rằng người dân huyện Krông Năng khai thác trái phép từ Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô thuộc địa bàn huyện Ea Kar. Nhưng muốn đưa gỗ về huyện phải đi qua lâm phần Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng, vì vậy Ban này có trách nhiệm do để gỗ lậu đi qua.
Trong báo cáo gửi Chi cục Kiểm lâm tỉnh ngày 30-10, Hạt Kiểm lâm Krông Năng cũng xác nhận có tình trạng vận chuyển gỗ “đổi màu” từ rừng Ea Sô về huyện, do các trạm bảo vệ rừng của Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng hoạt động rất kém hiệu quả.
Còn theo ông Lê Đắc Ý, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, cây “đổi màu” phân bố tại tiểu khu 6xx thuộc Trạm Kiểm lâm số 3 quản lý. Nhưng từ Trạm không có đường vào, lực lượng kiểm lâm phải đi bộ khoảng 6 giờ mới đến, công tác bảo vệ rừng ở tiểu khu này rất khó khăn. Mặt khác, khu vực này giáp với lâm phần Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng, hai bên lại tương đồng về hệ sinh thái nên chưa thể khẳng định lâm tặc khai thác cây “đổi màu” trong rừng của bên nào.
Ông Ý cũng cho biết, qua nắm tình hình tại huyện Krông Năng, lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô xác định có việc vận chuyển, mua bán gỗ “đổi màu”. Hiện lãnh đạo Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đã cử một tổ kiểm lâm đến tiểu khu 6xx để khảo sát, đồng thời lấy mẫu gửi giám định để xác định cây “đổi màu” là loài cây gì.
Về phương án bảo vệ cây “đổi màu”, ông Ý cho biết ngoài việc tăng cường bảo vệ rừng tận gốc, Ban Quản lý Dự án Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô sẽ phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng để ngăn chặn các đối tượng từ huyện Krông Năng vào rừng đặc dụng Ea Sô khai thác cây “đổi màu” và vận chuyển về huyện này.
“Thông thường, một khi thị trường có nhu cầu cao về một loại gỗ rừng, loài cây đó sẽ có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên. Trước hiện tượng khai thác cây “đổi màu”, các cơ quan quản lý Nhà nước nên đặt vấn đề đánh giá đầy đủ về nó, bao gồm việc xác định loài, giá trị, vùng phân bổ, mật độ cây và cả giá trị thẩm mỹ... Từ đó có phương án giải quyết sự việc cho phù hợp. Tuy nhiên, cho dù đây là gỗ tạp, việc khai thác tận diệt cũng sẽ làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học nói chung”. (PGS.TS Bảo Huy, Khoa Nông Lâm, Trường Đại học Tây Nguyên).
|