Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

"Cây súp lơ xanh khổ hơn... nàng Kiều"

(11:18:33 AM 05/11/2012)
(Tin Môi Trường) - Cây súp lơ xanh được PGS.TS Hồ Hữu An (nguyên giảng viên Trường đại học Nông nghiệp I) lai tạo giống và đưa vào trồng ở nước ta từ năm 1981. Nhưng để trở thành loại rau ưa thích của nhiều người tiêu dùng như hiện nay, cây súp lơ xanh đã phải trải qua “hành trình hơn 20 năm” – quãng thời gian mà ông nói vui là “gian truân hơn cả… nàng Kiều”!

   

Để trở thành loại rau được người tiêu dùng ưa chuộn hiện nay, cây súp lơ xanh đã phải trải qua hành trình hơn 20 năm

 

 

 

Trong hai năm 1997 – 1998, ông Hồ Hữu An được sang Mỹ để làm nghiên cứu sinh trong một chương trình hợp tác về nghiên cứu phát triển rau sạch giữa Việt Nam và Mỹ. Đây chính là cơ hội để ông không ngừng học hỏi, tiếp thu các tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại, phương pháp trồng rau an toàn theo mô hình mới của Mỹ để khi trở về nước ứng dụng cho Việt Nam.



Tại Mỹ, ông được các đồng nghiệp thán phục vì tinh thần làm việc và những ý tưởng mới đem lại thành công. Đó là đề xuất thực hiện công tác cấy ghép trong nhà kính để gần gũi hơn với môi trường tự nhiên, tạo cơ hội sống cho cây lai, ghép ngoài tự nhiên sau này. Ông cũng là người nghiên cứu cấy ghép thành công cây dưa hấu và cây bầu để cho ra một loại dưa hấu mới có năng suất và hàm lượng đường cao hơn. Điều mà trước đó các giáo sư ở Mỹ nghiên cứu và thử nghiệm suốt 7 năm chưa thành công
.

 “Trong suốt quá trình lai tạo, cấy ghép giống cho đến khi trồng thành công cây súp lơ xanh, toàn bộ chi phí tôi đều phải tự bỏ ra, bởi đây không phải là công trình nghiên cứu được nhà nước cấp vốn. Lúc đó tôi làm chỉ có một tâm nguyện duy nhất là vì niềm đam mê, yêu nghề. Khó khăn đến mức tôi phải vào nhà người dân để xin phân hữu cơ và mượn họ đất để tiến hành trồng thí nghiệm”, PGS.TS Hồ Hữu An nhớ lại.


Khi đã nghiên cứu và trồng thử nghiệm thành công, những tưởng niềm vui sẽ đến với ông thì ngược lại, đó lại là sự lo âu, nỗi buồn và cả những giọt nước mắt… Sản phẩm rau súp lơ xanh khi trồng ra không ai dám ăn, ngay cả chủ nhà – nơi mà ông mượn đất để trồng thí nghiệm. Ông đành đem về nhà để làm thực phẩm cho chính gia đình mình.
Tiền đầu tư cho lần thí nghiệm sau đó không còn nữa, ông đành phải tự mình đi tìm “đầu ra” cho cây súp lơ xanh. Hằng ngày, ông đạp xe rong ruổi trên khắp các phố phường Hà Nội, đằng sau là hai sọt chất đầy súp lơ xanh. Từ nhà khoa học, ông đã phải làm người bán rau bất đắc dĩ. Đến bất kì chợ nào, cửa hàng bán rau nào ông cũng chào mời, nhưng cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. 


Ông đem súp lơ xanh đến giới thiệu với nhân viên đầu bếp Khách sạn Metropole vì theo ông khách sạn này thường có người nước ngoài lui tới thì có lẽ họ sẽ mua để làm thực phẩm. Nhưng ông đã thất vọng vì nhân viên khách sạn cho biết họ chỉ dùng rau xanh nhập từ nước ngoài, không sử dụng rau xanh trồng ở Việt Nam do không đảm bảo an toàn vệ sinh và chất lượng.


“Quá chán nản, lúc đó tôi đã định bỏ cuộc. Nhưng lại nghĩ mình đã theo rồi thì theo tới cùng, không lẽ trèo cau sắp đến buồng lại thôi,… Chính vì thế mà tôi mới tiếp tục theo đuổi việc nghiên cứu và quyết tâm kiếm tiền để đầu tư trồng cây súp lơ xanh lần thứ hai”, PGS.TS Hồ Hữu An cho biết.


Lần trồng thí nghiệm thứ hai, khi thu hoạch, một người quen đã giới thiệu cho ông một quán ăn của người Nhật và khuyên nên đem rau đến giới thiệu xem sao vì ở Nhật cũng có trồng cây súp lơ xanh. Nghe lời giới thiệu, ông rất mừng, lại le lói thêm những tia hi vọng mới về đầu ra cho sản phẩm. Ông chọn những cây súp lơ to và ngon nhất để đem đi “chào hàng”.
 

PGS.TS Hồ Hữu An kể: “Khi tôi đem rau súp lơ xanh đến quán, cả chủ quán và thực khách người Nhật đều không từ chối. Nhưng họ yêu cầu rau luộc xong phải được chấm bằng nước xì dầu đem từ Nhật sang, không phải là nước mắm của mình. Khi ăn xong thì họ khen rất ngon. Tuy nhiên, cuối cùng họ cũng không mua. Thế đấy, nghiên cứu thành công cũng chưa phải là xong, mà thành quả đó của mình có được đón nhận không và đón nhận khi nào quả là một vấn đề lớn”. 

(Nguồn: Kiến thức)