Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
Mỹ nhân Vương Chiêu Quân là người Thái Bình?
(08:40:39 AM 05/11/2012)
(Tin Môi Trường) - Chính sử Trung Hoa ghi rằng đại mỹ nhân Vương Tường, tức Vương Chiêu Quân quê ở làng Tỷ Quy thuộc Nam Quận, nay là huyện Hưng Sơn tỉnh Hồ Bắc. Tuy nhiên, một giả thuyết mới được đưa ra, một trong "tứ đại mỹ nhân" nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc là người Việt, quê ở làng Diêm Tỉnh, nay thuộc xã Thụy Dũng huyện Thái Thụy, Tỉnh Thái Bình. Hiện ở đó còn ngôi đền thờ nàng, và thần tích ghi rõ nàng sinh ở đó.
Con của thần rắn?
Người làng Diêm Tỉnh cho rằng chỉ biết đền thờ Vương Chiêu Quân đã có từ “ngày xửa ngày xưa” chứ không ai biết nó được dựng cụ thể vào năm nào. Nhưng ai cũng biết đó là đền thờ Vương Chiêu Quân, mà người làng gọi là “bà Chúa”, do vậy đền cũng được mang tên là “đền bà Chúa”. Hỏi có phải “Chiêu Quân cống Hồ” không? Ai cũng khẳng định một cách đầy tự hào rằng phải. Bản thần tích của đền (do cụ Hoàng Ngọc Phin, năm nay 84 tuổi, đang giữ) ghi là được chép lại từ năm đầu đời vua Lê Chiêu Thống (Bính Ngọ - 1786) và đến năm Khải Định thứ 8 (Giáp Tý -1924) thì sửa lại.
Thần tích cho biết, thời thuộc Hán, ở “phủ Hạ bát đụn trang” (bát đụn nghĩa là 8 cái gò, Diêm Tỉnh là làng được lập nên bởi 1 trong 8 cái gò ấy, các gò còn lại là các làng Vạn Đồn, Lưu Đồn, An Cố, Phương Man, Tu Trình, Ô Trình, Quảng Nạp) có ông Vương Thức học rộng, tài cao, được triều đình cử làm thái thú Kim Thành. Vương Thức lấy vợ là Phạm Thị Dụ. Chẳng bao lâu bà Dụ có thai.
Nàng Vương Chiêu Quân- một trong "Tứ đại mỹ nhân" của Trung Hoa.Ảnh minh họa
Thần tích ghi lại rất nhiều chi tiết… thần, như đêm 12 tháng 3 bà Dụ mơ thấy con rắn quấn vào mình. Cũng đêm ấy bà mãn nguyệt khai hoa, sinh một quý nữ. Khi bà sinh, có 3 con rồng xuất hiện trên bầu trời, cùng lúc đó tại kinh thành nhà Hán có ba tiếng động lớn “chấn động sơn hà” và hàng đàn muông thú không biết từ đâu lũ lượt kéo về. Vương Thức đặt tên con là Vương Tường. Năm 14 tuổi thì Vương Tường không chỉ nổi tiếng là bậc “quốc sắc thiên hương” mà còn nổi tiếng là người thông tuệ, cầm kỳ thi họa môn gì cũng giỏi.
Đêm mùng 8 tháng 1, vua Hán mơ thấy một ông tiên hiện xuống, cho biết ở phương Nam, tại nhà quan thái thú Vương Thức xuất hiện một người con gái “Hộ quốc tý dân, trung trinh vô nhị”. Sáng hôm sau, nhà vua kể lại giấc mơ cho quần thần nghe và lập tức cử Mao Diên Thọ đến nơi tiên ông đã mách bảo để kiểm chứng. Mao Diên Thọ đến nơi, nhưng Vương Tường không thèm tiếp mà tự mình vẽ một bức tranh, cho người đưa cho Thọ bảo mang về dâng vua. Mê mẩn vì sắc đẹp của mỹ nhân trong tranh, Hán đề lập tức cho đón nàng vào cung, đặt tên là Chiêu Quân và hết mực yêu chiều. Giận vì Chiêu Quân khinh mình, Mao Diên Thọ đã bỏ sang Hung nô mang theo bức tranh Vương Chiêu Quân.
Đến đây thì thần tích giống hệt như tiểu thuyết “Chiêu Quân cống Hồ” mà chúng tôi đã nói ở bài trước. Vì tranh dành Chiêu Quân mà chiến tranh Hồ - Hán đã nổ ra, và nàng đã phải trở thành cống vật. Rồi nàng cũng được thần cho áo, cũng bắt chúa Hung xây phù kiều, và dòng sông trở thành nấm mồ chôn phận bạc…
Thần tích cũng cho biết vào thời Lê Trung Hưng, Vương Chiêu Quân đã được vua Lê Ý Tông (làm vua từ năm 1735 đến năm 1740) sắc phong là “Hiển linh tạ thuận thiên vi thái tỷ công chúa”, được thờ ở tất cả 12 ngôi đền trong bát đụn trang.
Vào hai ngày 12 tháng 3 (ngày nàng sinh), và ngày 13 tháng 12 (ngày nàng mất, thần tích không ghi nàng sinh và mất năm nào), dân làng Diêm Tỉnh đều tổ chức lễ hội tại đền. Trong đền có nhiều câu đối, đại tự, tất cả đều có nội dung ca ngợi tài sắc của nàng, như bức đại tự “Quốc sắc thiên hương” (sắc nước hương trời), hay đôi câu đối “Nam thổ giáng sinh phù đế mộng/Bắc phương tuyệt sắc hiển thần cơ” (Sinh ở nước Nam, ứng với giấc mộng của hoàng đế; trở thành bậc tuyệt sắc ở xứ Bắc, hiển hiện do thân linh) và dân làng Diêm Tỉnh có nghĩa vụ cúng lễ nàng vào các dịp tuần tiết trong năm.
Màn tế nữ quan - lễ hội ở làng Diêm Tỉnh ,Thái Bình.
Tượng Vương Chiêu Quân được đặt trong khám thờ che rèm kín tại hậu cung, không biết tượng được tạc vào thời nào nhưng ngắm tượng, du khách thấy rõ ràng đó là một cô gái Việt với vẻ đẹp tinh khôi, trong trắng và cao quý.
Điều đặc sắc trong lễ hội tại đền bà Chúa là màn tế nữ quan. Đứng đầu đội tế là một “nữ quan”. Đây là người điều hành lễ tế từ mở đầu đến kết thúc. Để trở thành “nữ quan”, người đảm đương chức vụ đó phải là người rất am hiểu về nghi lễ, trình tự của một cuộc tế. Thành phần đội tế gồm 17 cô gái với trang phục truyền thống. Để được vào đội tế, những cô gái trên phải đáp ứng được rất nhiều điều kiện, và phải thường xuyên tham gia các buổi tập luyện. Đội tế bao giờ cũng có đội nhạc (phường bát âm) phù trợ, và toàn bộ cuộc tế đó diễn ra trong tiếng nhạc, bắt đầu từ mệnh lệnh “khởi chinh cổ” (nổi chiêng trống) của nữ quan. Không biết có phải khởi nguồn từ đây không, mà hiện nay ở huyện Thái Thụy có rất nhiều đội tế nữ quan do các xã thành lập. Vào các dịp lễ hội tại các đền miếu lớn, các đội tế nữ quan này thường tổ chức những màn tế rất bài bản, đẹp mắt, trước là lễ thánh, sau là giao lưu, khiến cho các lễ hội thêm phần sinh sắc.
Thực hư cần phải xem xét
Một Vương Chiêu Quân là người Việt, sinh tại nước Việt, với thần tích và và đền miếu đang còn hiển hiện rành rành, sự thực đến đâu?
Xung quanh tồn nghi về quê hương của Vương Chiêu Quân, mới đây Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho rằng: Thực tế là hiện nay nhiều người vẫn cho rằng thần tích, thần phả là thứ thiêng liêng và đáng tin cậy, tuy nhiên đó chủ yếu là những chuyện do nhân dân tưởng tượng ra, không có thực. Tôi đã nghiên cứu rất nhiều về vấn đề này nên có thể khẳng định như vậy. Về thần tích Vương Chiêu Quân quê ở Thái Bình là một minh chứng cho điều tôi vừa nói.
Tiến sĩ sử học Nguyễn Hồng Kiên cũng cho biết: Một nhân vật lịch sử nổi tiếng như Vương Chiêu Quân nếu có nguồn gốc thực là ở Thái Bình, Việt Nam thì chính sử Việt Nam thời phong kiến đã chép rồi. Ngoài ra, nhân dân cũng lập đền thờ với kiến trúc quy mô lớn, đâu cần phải thần tích với cái đền nhỏ xây mới như hiện nay.