Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa
Ông Nhan cho biết, gia đình có 3 nhân khẩu, canh tác 6 công đất (0,6 ha). Đồng đất Mỹ Thành Bắc nằm trong phạm vi vùng ngập lũ sâu phía thượng lưu sông Tiền (Tiền Giang). Trước đây, mỗi năm gia đình ông phải đối mặt với việc thu hoạch lúa chạy lũ vào vụ hè thu chính vụ. Những năm lũ lớn, thu hoạch không kịp coi như mất trắng. Tình trạng trên đã được khắc phục từ khi tỉnh đưa chủ trương “chung sống với lũ” vào đời sống trong đó chú trọng bố trí lại hợp lý lịch thời vụ để né lũ và né rầy đồng thời áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh khoa học vào địa bàn canh tác khó khăn nhằm tạo mọi điều kiện để nông dân giành những vụ mùa bội thu, ổn định cuộc sống một cách căn cơ, bền vững.
Đón trước những thời cơ và vận hội mới mà các chủ trương, chính sách mới, phù hợp của Đảng và Nhà nước mang lại trên lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, ông Nhan đổi mới tư duy canh tác trong đó áp dụng bộ tiêu chuẩn GAP trong sản xuất nông nghiệp đồng thời chuyển từ trồng lúa thường sang trồng các giống lúa chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, sản xuất 3 vụ mỗi năm. Được sự hướng dẫn của HTX nông nghiệp Mỹ Thành (huyện Cai Lậy) – HTX đi đầu trong việc trồng lúa theo tiêu chuẩn Global GAP tại Tiền Giang cùng cán bộ khuyến nông, ông Nhan áp dụng bộ sản xuất Global GAP với các tiêu chí nghiêm ngặt về đảm bảo an toàn và truy xuất được nguồn gốc trong đó chú ý các biện pháp giảm chi phí, tăng hiệu quả canh tác, IPM và ba giảm ba tăng trong quá trình sản xuất...
Ngoài ra, ông còn áp dụng triệt để việc cơ giới hóa các khâu canh tác, sử dụng công cụ sạ hàng cho phép giảm lượng giống xuống chỉ còn 12 kg/công đất (120 kg/ha) nên giảm được đáng kể chi phí trong khi năng suất tăng, chất lượng gạo tốt đồng thời ít bị sâu bệnh tấn công... Về cơ cấu giống lúa, nhiều năm nay ông đều quan tâm khâu giống mới, chất lượng cao, không gieo sạ các giống lúa chất lượng hạn chế đã được ngành nông nghiệp khuyến cáo. Ông Nhan sử dụng phổ biến các giống nhóm OM có nhiều ưu điểm vượt trội về phẩm chất, năng suất và phù hợp với địa bàn ngập lũ. Gần đây, ông còn hợp đồng nhân giống lúa xác nhận OM 4218 cho HTX nông nghiệp Bình Nhì (Gò Công Tây).
Ông Võ Văn Nhan cho biết: Với 0,6 công đất, mỗi năm ông lãi ròng gần 50 triệu đồng, tương đương 70 – 80 triệu đồng/ha, gấp đôi so với sản xuất trong điều kiện bình thường. Mô hình sản xuất mới còn mang lại nhiều lợi ích khác: sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP không chỉ lãi cao mà còn an toàn cho người sản xuất, an toàn cho người tiêu dùng và ít độc hại đến môi trường. Sản xuất giống chất lượng cao và sản xuất giống lúa xác nhận theo hợp đồng mang lại lãi khá, bền vững hơn trồng các giống lúa phẩm cấp bình thường, đây cũng là lời giải hay cho bài toán làm giàu nông thôn trong điều kiện đất hẹp, người đông, thời tiết diễn biến ngày một phức tạp và bất lợi mà ông Nhan đi tiên phong. Ngoài ra, gieo sạ tuân thủ lịch thời vụ né rầy, né lũ cũng là bí quyết đưa người nông dân vùng lũ đến những vụ mùa bội thu. Với thành công của ông Võ Văn Nhan, phong trào trồng lúa theo tiêu chuẩn Global GAP và nhân giống lúa mới chất lượng cao đang được nhân rộng tại khu vực các xã Mỹ Thành Bắc, Mỹ Thành Nam (Cai Lậy) vốn được xem là vựa lúa hàng hóa chất lượng tốt của tỉnh Tiền Giang