Với những cây cỏ quanh nhà, bà Sáu đã cứu sống rất nhiều người chẳng may bị rắn độc cắn trúng
Nhìn vết thương, xác định loại rắn!
Từ trung tâm quận Ô Môn, theo tuyến lộ giao thông cặp sông Ô Môn đến vàm Bà Sự, chúng tôi hỏi thăm nhà bà Sáu trị rắn cắn thì ai cũng biết. Men theo rạch Bà Sự, đi thêm khoảng một đoạn đường hơn 1 cây số là đến nhà của bà Sáu. Đó là căn nhà tường cấp 4, nằm lọt thỏm giữa cánh đồng lúa, bốn bề lộng gió…
Từ trung tâm quận Ô Môn, theo tuyến lộ giao thông cặp sông Ô Môn đến vàm Bà Sự, chúng tôi hỏi thăm nhà bà Sáu trị rắn cắn thì ai cũng biết. Men theo rạch Bà Sự, đi thêm khoảng một đoạn đường hơn 1 cây số là đến nhà của bà Sáu. Đó là căn nhà tường cấp 4, nằm lọt thỏm giữa cánh đồng lúa, bốn bề lộng gió…
Hôm chúng tôi ghé nhà cũng là lúc chị Nguyễn Thị Loan (ở khu vực Thới Thuận, phường Thới An) đến, trên tay cầm bịch trái cây và gói trà, nhờ bà Sáu cúng tổ giùm. Chị Loan là một trong những người bị rắn cắn vừa được bà Sáu chữa trị, đến nay, sức khỏe đã ổn định. Theo lời kể của chị Loan, cách đây vài hôm, trời chạng vạng tối, chị từ trong nhà bước xuống thềm, định mang đôi dép vào để đi ra ngoài sân, vô tình đạp trúng và bị rắn cắn vào bàn chân. Hoảng sợ, chị kêu lên thì người nhà chạy đến, bắt được con rắn lục đuôi đỏ. Khi đó, chồng chị dùng dây buộc chặt bàn chân chị, rồi nhanh chóng đưa đến nhà bà Sáu nhờ cứu giúp.
"Đến nơi, vừa mở sợi dây buộc chân ra thì nọc độc của con rắn chạy khắp chân, rồi sưng lên nhanh chóng. Tôi không cầm được nước mắt, vì vết thương đau nhức dữ dội. Bà Sáu hái lá cây quanh nhà, rồi đâm nhuyễn cho tôi uống. Sau đó, tôi khỏe hẳn. Sau 3 ngày thoa thuốc, xông thuốc, đến nay, vết thương ở chân tôi đã khỏi, không còn sưng và đau nhức nữa" – chị Loan cho biết.
Trường hợp của anh Trần Văn Nghị, ở khu vực Thới Bình A, phường Thới An cũng tương tự. Trong lúc đi làm cỏ vườn, anh bị rắn cắn và được gia đình đưa đến nhờ bà Sáu chữa trị. Quan sát vết thương, bà Sáu cho biết anh bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Sau 4 ngày uống thuốc, cánh tay anh Nghị đã bớt sưng và nhức.
Theo lời bà Sáu, chỉ cần uống thêm 2 ngày thuốc nữa là sẽ khỏi hẳn. Bà Sáu say sưa kể: Nhìn vào vết thương, bà có thể biết từng loại rắn. Nếu bị rắn hổ cắn thì 2 dấu răng khít, sâu và đen thẫm; rắn lục cắn thì 2 dấu răng thưa; riêng rắn chàm quạp thì để lại từ 7 đến 8 dấu răng. Xác định đúng loại rắn, bà có cách điều trị thích hợp. Bà Sáu chia sẻ: "Đầu tiên, tôi bôi cồn sát khuẩn vết thương, rồi dùng kim để lấy răng của con rắn ra. Sau đó, hái thuốc, đâm nhuyễn, cho người bệnh uống. Để thuốc dễ dàng lưu thông, tôi cho người bệnh uống nước trà nóng; sau cùng, thì dùng dầu cạo gió, xoa bóp. Với cách làm trên, người bệnh sẽ nhanh chóng bình phục".
Nghe bà Sáu nói, tưởng chừng việc cứu người khá đơn giản nhưng thực tế thì không phải vậy. Để cứu sống mạng người trong tình trạng nguy kịch không chỉ đòi hỏi người điều trị phải có sự phán đoán chính xác mà còn phải sử dụng liều lượng thuốc hợp lý.
Trên đường đến nhà bà Sáu, chúng tôi được người dân kể cho nghe nhiều chuyện về biệt tài của bà. Cách đây vài tháng, bà Sáu đã làm nên kỳ tích, khiến nhiều người nể phục, đó là giành giật lại mạng sống của một thanh niên, độ chừng 20 tuổi, nhà ở Nông trường Sông Hậu (thuộc xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ) từ tay tử thần.
Ông Trần Văn Phụng, người dân địa phương, kể: "Hôm đó, tính mạng của người thanh niên này khá nguy kịch. Răng hàm của anh ta bị đơ cứng; người thân của anh ta thì khóc thảm thiết. Quan sát vết thương xong, bà Sáu đổ thuốc vào miệng anh ta. Chúng tôi cũng hồi hộp lắm. Khi thấy cục yết hầu ở cổ anh ta lên xuống nhịp nhàng là tôi biết anh ta đã nuốt được thuốc. Lúc đó, chúng tôi cảm thấy yên tâm và chỉ sau vài giờ đồng hồ, người nhà đã đổ cháo cho anh ta ăn được bằng miệng. Vài ngày sau, anh này cũng khỏi hẳn".
Theo lời kể của người thanh niên này, bữa đó, anh đi giăng câu, bắt được 1 con rắn đem về làm thịt. Trong lúc cạo vẫy, anh bị răng của con rắn làm trầy xước ở ngón tay. Linh tính có chuyện chẳng lành, gia đình đưa anh điều trị. Được người dân chỉ dẫn, anh tìm đến nhà bà Sáu nhờ cứu giúp… Nhắc đến chuyện này, bà Sáu cười tươi và bảo: "Đâu có gì lớn lao, cứu sống được mạng người, tôi vui mừng lắm!".
Nghề gia truyền
Xuất thân là nông dân, bà Sáu theo bà ngoại học nghề trị rắn cắn từ thuở nhỏ. Sau ngày bà ngoại mất, bà Sáu chính thức hành nghề cho tới nay. Gần trọn đời cứu chữa cho người chẳng may bị rắn cắn, nạn tai, tài nghệ của bà được nhiều người biết đến, lan truyền khắp nơi. Tuy vậy, bà không lấy nghề này làm kế sinh nhai mà chỉ thực hiện đúng lời bà ngoại dạy "làm nghề chủ yếu là cứu người, tích công đức".
Từ trước đến nay, bà Sáu không hề lấy tiền của ai. Nếu ai muốn trả ơn thì mua cho trà, bánh hoặc trái cây để bà cúng tạ ơn tổ tiên, còn khó khăn thì thôi. "Tôi từng bị rắn độc cắn, nên thấu hiểu sự đau nhức do vết thương mang lại, thậm chí nếu không được cứu chữa kịp thời thì không giữ được mạng sống. Vì thế khi nhìn thấy người bệnh mạnh khỏe, qua cơn nguy kịch, các thành viên trong gia đình tôi vui lắm, không gì sánh bằng. Chỉ vậy thôi, tôi đã gắn bó với nghề này gần cả đời người" – bà Sáu bộc bạch.
Năm nay bà Sáu đã ngoài 70 tuổi, nhưng vẫn còn rất mạnh khỏe. Bà là đời thứ 5, nối nghiệp ông bà hành nghề chữa rắn cắn. Theo chân bà Sáu, chúng tôi đi quanh khu vườn trồng toàn cây thuốc chữa trị rắn cắn như: é tía, cỏ ống, cây chó đẻ, cỏ tranh, cây đỗ trọng… Đến nay, con gái của bà Sáu là chị Nguyễn Thị Thu Ba cũng đã được bà truyền nghề và có thể nhận biết cây thuốc "rắn" cũng như cách điều chế thuốc và chữa trị. Mùa lũ năm nay, bà Sáu đã chữa trị cho hơn 50 người bị rắn cắn, đa phần là bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Nọc độc của loại rắn này gây sưng phù vùng bị cắn, lớp da bị nứt ra, lỗ chân lông rỉ máu, nếu không kịp thời cứu chữa nạn nhân sẽ bị suy hô hấp và tử vong.
Căn nhà cấp 4 khá tươm tất, nằm lọt thỏm giữa cánh đồng, bốn bề lộng gió - đó là công sức bao năm vợ chồng bà Sáu đã dày công, cật lực làm lụng vất vả từ mảnh vườn, thửa ruộng. Ông bà Sáu có 8 người con, đến nay, họ đã trưởng thành, có gia đình, nghề nghiệp ổn định. Đó cũng chính là niềm vui, niềm tự hào của ông bà, khi nhắc đến tổ ấm của mình. Chia tay với bà Sáu, chúng tôi ra về, càng thêm mến phục tấm lòng nhân ái và nghĩa cử nhân hậu của bà. Việc làm thiện nguyện của bà Sáu thật đáng biểu dương và trân trọng…