Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa
Có 32 km bờ biển, huyện Giao Thủy rất thuận lợi phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, tổng diện tích khoảng 1.700 ha, trong đó diện tích nuôi ngao chiếm hơn 1.500 ha với khoảng 1.600 hộ và tổ hợp sản xuất ngao giống, ngao thương phẩm. Thương hiệu ngao Giao Thủy vốn quen thuộc với người tiêu dùng trong và ngoài nước, đem lại nhiều trăm tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở địa phương.
Năm 2008, con ngao nuôi ở Giao Thủy đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền, xuất xứ hàng hóa "Ngao Giao Thủy" và tháng 6/2010, "Ngao Giao Thủy" được tặng Huy chương Vàng cùng danh hiệu "Thực phẩm chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng". Vùng ngao nuôi Giao Thủy được EU công nhận là vùng nuôi an toàn thực phẩm cấp độ B, sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Tuy nhiên, trong 3-4 tháng trở lại đây, sản phẩm ngao đang hết sức khó khăn do thị trường yếu kém, giá cả sụt giảm nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Cửu - chủ doanh nghiệp Cửu Dung đồng thời là Chủ tịch Hội nuôi nhuyễn thể Giao Thủy, cho biết: "Ngao Giao Thủy chủ yếu được xuất sang thị trường Trung Quốc, một phần bán sang EU thông qua các nhà chế biến ở miền Nam , còn thị trường trong nước tiêu thụ chưa nhiều. Ở thời điểm bán chạy, ngao có giá tới 25.000 - 30.000 đồng/kg. Thế nhưng, thời gian gần đây sản phẩm không bán được vì Trung Quốc ngừng nhập, khiến giá ngao giảm mạnh, xuống còn 16.000 đồng/kg. Trước thời điểm bão đến, lượng ngao tồn kho lên tới 35.000 tấn. Nhiều hộ rất khó khăn vì không bán được hàng, trong khi hàng tháng vẫn phải trả lãi vốn vay ngân hàng. Tôi cùng với một số doanh nghiệp đã đi tiếp thị sản phẩm ở nhiều nơi như Nhật Bản, Tây Ban Nha, Nga... nhưng vẫn chưa có tín hiệu khả quan".
Khó khăn là vậy, song không dừng lại ở đó, người nuôi ngao ở Giao Thủy càng điêu đứng hơn khi phải hứng chịu hậu quả nặng nề của cơn bão số 8 khó dự đoán, bất ngờ ập đến Nam Định chiều tối 28/10. Ông Phạm Đức Tạ - Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Giao Thủy cho biết: "Những thiệt hại do bão số 8 là vô cùng lớn. Tới 80% diện tích đầm nuôi ngao thịt bị cuốn trôi, 100 ha nuôi ngao giống bị ngập nước, gió và sóng đưa ra biển hết. Tổng thiệt hại về ngao trên địa bàn huyện ước tính tới vài trăm tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Cửu, hầu hết các hộ bị thiệt hại, hộ mất nhiều nhất lến tới chục tỷ đồng, hộ ít cũng tới 1 tỷ đồng. Một trong những nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất do bão là tổ hợp sản xuất ngao của ông Trần Văn Duẩn (xóm Xuân Trung, xã Giao Xuân) và ông Phạm Văn Thắng (xóm Thị Tứ, xã Giao Xuân). Hai ông chung vốn đầu tư trên chục tỷ đồng để làm ngao, vốn ít hai ông phải mượn cả sổ đỏ của người thân, họ hàng để cầm cố vay ngân hàng. Tuy nhiên, ước mong làm giàu đã bị dập tắt khi cơn bão số 8 quá mạnh đổ bộ tấn công bờ biển Nam Định. Đầm nuôi ngao giống và các loại tôm, cua của gia đình ông Đinh Thanh Khiết (xã Giao Phong) cũng bị mưa bão cuốn trôi, ước thiệt hại tới 4 tỷ đồng. Ông Khiết tâm sự: Hiện tôi đang nợ ngân hàng 3 tỷ đồng, khó khăn như vậy tôi chỉ mong ngành ngân hàng hỗ trợ lãi suất và giãn nợ thì tôi mới có cơ hội gỡ lại. Hộ ông Đỗ Như Điến (Giao Hải) đầu tư 2,8 tỷ đồng nuôi ngao giống ở cồn Lu, bão đến, gió và sóng biển đã cuốn trôi gần hết. Trong khi đó, đầm ương ngao giống trị giá 3 tỷ đồng của ông Nguyễn Văn Trường (Giao Xuân) cũng mất trắng. Hay như tổ hợp trị giá 7 tỷ đồng của các ông Vũ Văn Cương, Hoàng Văn Thế, Lê Văn Hưng đều ở xã Giao Xuân) nuôi ở khu vực cửa Ba Lạt, cách chân đê hơn 1 km cũng gần như không còn gì sau bão.
Thiệt hại từ vài trăm triệu đồng đến 1 tỷ đồng có hàng trăm hộ thuộc 6 xã nuôi ngao của Giao Thủy, trong đó Giao Xuân chiếm phần lớn. Điều đáng nói là rất nhiều hộ để có vốn đầu tư đã phải cầm cố sổ đổ nhà mình và người thân. Ông Nguyễn Văn Tiện (xã Giao Yến) mượn 2 sổ đỏ nhà ở của anh ruột và anh rể mang thế chấp vay ngân hàng để vay vốn nuôi ngao và tôm, thế nhưng bão đến đã hất tung tất cả ra biển. Ông Nguyễn Văn Cửu cho rằng, Trung ương, các bộ, ngành cần kịp thời hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do bão; ngành ngân hàng nên giãn nợ 30-40% cho các hộ khó khăn; tỉnh Nam Định cần có chính sách miễn giảm thuế tài nguyên 1-2 năm cho các hộ nuôi ngao bị thiệt hại do bão.